Thoái thác, né tránh không thực thi công vụ: Không thể đổ lỗi cho thể chế, cơ chế

(PLVN) - Chỉ ra nguyên nhân của tình trạng “đóng băng” trong thực thi nhiệm vụ tại một số ngành, lĩnh vực, nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, không phải cứ có vấn đề lại sửa, mà cần nhìn vào khâu tổ chức thực hiện, cách tổ chức giám sát.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, không phải cứ có vấn đề lại sửa Luật, mà cần nhìn vào khâu tổ chức thực hiện, cách tổ chức giám sát. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, không phải cứ có vấn đề lại sửa Luật, mà cần nhìn vào khâu tổ chức thực hiện, cách tổ chức giám sát. (Nguồn ảnh: quochoi.vn)

Nguyên nhân chủ quan vẫn là chính

Trong vòng một năm trở lại đây, đang có tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các cơ sở khám, chữa bệnh trên cả nước. Điều đáng nói, tình trạng này không mới, bởi trước đây vẫn có xảy ra nhưng ở mức độ nhỏ và thường được khắc phục nhanh chóng sau đó. Tuy nhiên, thời gian gần đây, thực trạng này diễn ra ở mức báo động và đến nay chưa được khắc phục triệt để, gây ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tại cuộc họp trực tuyến của Bộ Y tế với các bệnh viện, sở y tế các tỉnh, thành về thực trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, diễn ra tháng 6/2022, đại diện Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế) cho biết, theo thống kê, có tới 28/34 sở y tế báo cáo hiện có tình trạng thiếu thuốc tại địa phương, 12/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo có tình trạng thiếu thuốc tại đơn vị. Ngoài ra, có 26/34 sở y tế và 15/21 bệnh viện tuyến trung ương báo cáo hiện có tình trạng thiếu vật tư tiêu hao, hóa chất, chủ yếu là hóa chất dùng cho xét nghiệm…

Cũng trong tháng 6/2022, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về cung ứng thuốc, vật tư y tế và các giải pháp bảo đảm nguồn nhân lực cho ngành Y tế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ rõ, việc xảy ra tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, một phần do chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng… thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chính. Đó là việc tổ chức đấu thầu tập trung chậm được triển khai; chưa tích cực đàm phán giá thuốc sát với tình hình thực tế thị trường; chậm gia hạn đăng ký thuốc; công tác kiểm tra, thúc đẩy việc mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa tích cực, quyết liệt; một số cán bộ, ngành, địa phương thiếu mạnh mẽ, sợ trách nhiệm, không dám làm…

Người đứng đầu Chính phủ đã nhắc lại câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm”, bởi lẽ đây là lúc thể hiện vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên.

Nghịch lý “có tiền mà không tiêu được”

Câu chuyện cán bộ né tránh, không dám làm đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến giải ngân vốn đầu tư công. Tình trạng cả chục ngàn tỉ “nằm kho” vì cán bộ lo… trách nhiệm đã làm chậm tốc độ phục hồi của nền kinh tế. Nhiều đại biểu Quốc hội phải thốt lên: “Chậm giải ngân vốn đầu tư công thể hiện một nghịch lý: có tiền mà không tiêu được”.

Báo cáo tổng hợp của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại cuộc họp của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái với 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương về giải ngân vốn đầu tư công diễn ra vào tháng 4/2023 ghi nhận: trong quý I/2023, tổng số giải ngân của 17 bộ, ngành, cơ quan trung ương chỉ đạt 0,04% kế hoạch, thấp hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước (10,35%). Đáng chú ý, có 13 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân (tỷ lệ giải ngân 0%); 4 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng đều dưới 2% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Cán bộ, công chức thấy việc dân cần mà không làm thì phải xử lý

“Khuyến khích sự năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của tập thể lãnh đạo, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp. Nhưng đồng thời phải xử lý nghiêm những cán bộ có tư tưởng bàn lùi, né tránh, sợ trách nhiệm, muốn an toàn theo kiểu “không làm gì hết”. Mình là cán bộ, công chức mà thấy việc đó người dân cần, xã hội cần mà mình không làm thì cũng xứng đáng bị xử lý... Cán bộ, công chức phải thấy việc của dân, của xã hội là nhiệm vụ của chính mình…” - Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri TP Đà Nẵng, ngày 28/6/2023.

Trước đó, trong Phiên họp thứ 7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (diễn ra năm 2022), Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá, giải ngân đầu tư công chậm là vấn đề nhức nhối, dù đã bàn bạc và thảo luận nhiều năm nhưng chưa đẩy nhanh được. Nhiều ý kiến chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ thể chế, đồng thời đề nghị sửa đổi hoặc kiến nghị có cơ chế thí điểm. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ: không phải cứ có vấn đề lại sửa, không phải cái gì cũng xin thí điểm, mà cần nhìn vào khâu tổ chức thực hiện, cách tổ chức giám sát.

Trong phiên họp tổ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (ngày 25/5/2022), Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề: Thể chế không vướng, trong mua sắm thì đã ban hành cơ chế đặc thù, đặc cách, đặc biệt... vậy tại sao tiền vẫn không tiêu được? Riêng chương trình “Sóng và máy tính cho em”, tiền đã có sẵn trong Quỹ Viễn thông công ích nhưng không tiêu được.

Tại Gia Lai, khi việc học trực tiếp đã trở lại bình thường từ lâu, nhưng khoảng 14.000 học sinh ở tỉnh này vẫn chưa nhận được máy tính hỗ trợ cho việc học trực tuyến theo chương trình “Sóng và máy tính cho em”, dù kinh phí đã được cấp từ lúc dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Cụ thể, từ đầu tháng 3/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Gia Lai đã tiếp nhận hơn 36,3 tỷ đồng từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để mua máy tính bảng cho các học sinh nghèo trong tỉnh. Tuy nhiên, vì chưa có sự thống nhất giữa Sở Tài chính và Sở Giáo dục và Đào tạo trong việc đánh giá tính hợp lý của chứng thư thẩm định giá, hóa đơn mua bán thiết bị hàng hóa… mà “quả bóng trách nhiệm” cứ đẩy qua đẩy lại giữa các cơ quan chức năng, dẫn đến việc tiền không thể giải ngân, còn học sinh thì đợi chờ mòn mỏi cũng không có máy tính để học.

Không phải vì chúng ta thiếu cơ chế, chính sách, khiến cán bộ, đảng viên không yên tâm làm việc; ngay trong nhiệm kỳ Đại hội XII và nhiệm kỳ Đại hội XIII, Đảng ta đã ban hành hàng loạt các quy định, chỉ thị. Đặc biệt, ngày 22/9/2021, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Gần đây, ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện 280/CĐ-TTg về chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm trong xử lý công việc của các bộ, cơ quan, địa phương. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, thực tế một số địa phương vẫn thực hiện tốt đầu tư công, tăng trưởng kinh tế, phát triển doanh nghiệp. Điều này minh chứng rằng, cùng cơ chế, nhiều nơi vẫn năng động, sáng tạo, dám làm và làm tốt. Do đó, không thể đổ lỗi rằng thể chế, cơ chế gây khó khăn để không thực thi công vụ.

Đọc thêm