Hội Nhà văn Việt Nam và Báo Nông thôn Ngày nay vừa tổ chức Lễ phát động cuộc thi viết truyện ngắn chủ đề “Làng Việt thời hội nhập” tại Hà Nội.. “Làng Việt thời hội nhập” là đề tài rộng lớn có nhiều chất liệu, nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện sinh động. Nông thôn mới hôm nay đang có sự biến đổi, không còn là hình ảnh lão nông thời con trâu đi trước cái cày theo sau mà còn là hình ảnh những ông chủ bấm di động điều khiển hệ thống tưới tiêu, những trang trại chăn nuôi rộng hàng trăm héc-ta, những khu du lịch nông nghiệp – sinh thái tiền tỷ...
Ngoài ra vẫn có cả những mặt trái, những góc khuất, bi kịch của quá trình ly nông – ly hương, đô thị hóa nông thôn... "Tất cả tạo nên những “cánh đồng màu mỡ” cho các nhà văn sáng tác", ông Lưu Quang Định bày tỏ.
|
Phát biểu tại lễ phát động, nhà văn Trần Đăng Khoa khẳng định, “việc tổ chức cuộc thi viết truyện ngắn với chủ đề “Làng Việt thời hội nhập” nhằm khai thác những khía cạnh của đời sống, những nỗ lực xây dựng nông thôn mới bằng các hình thức khác nhau, hay các mô hình phát triển kinh tế thông qua du lịch, xuất khẩu tại chỗ… ở một tầm sâu hơn, có sức sống lâu dài hơn sẽ rất có ý nghĩa. Bởi những tác phẩm nổi tiếng trong những năm qua đều viết về thời trước cách mạng, thời đổi mới nhưng người nông dân 4.0 thì có rất ít”.
|
Từ khi xuất hiện, những truyện ngắn hiện đại đầu tiên của Phạm Duy Tốn, Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Khải, Nguyễn Kiên cho đến những tác giả sau này như Nguyễn Khắc Trường, Dương Hướng, những tác giả trẻ hơn như Đỗ Bích Thúy, Nguyễn Ngọc Tư..., thì tác phẩm xuất sắc nhất của họ cũng là về đề tài nông thôn. “Với cuộc thi này, tôi hi vọng chúng ta sẽ có những tác phẩm đặc sắc về nông thôn" - Nhà thơ Trần Đăng Khoa khẳng định.
Nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng cội nguồn sâu xa từ làng quê, tuy nhiên làng ngay nay thay đổi rất nhiều về hình thù, biến đổi tinh thần và văn hoá. Ông bảo trước đây khi nghèo đói mong làng giàu có, tới nay khi làng giàu có rồi ông lại có nỗi lo sợ khác. Ông mong các tác giả phản ánh hiện thực làng quê trong các tác phẩm, tôn vinh văn hoá làng cũng như cảnh báo sự tan nát ở nhiều nơi.
Cuộc thi sẽ diễn ra trong 2 năm, bắt đầu từ 26/4/2019 đến 26/4/2021 với sự tham gia chấm giải của các nhà văn nổi tiếng, có uy tín. Dự kiến, cuộc thi sẽ trao giải vào tháng 5/2021 với cơ cấu: 1 giải Nhất (50 triệu đồng); 2 giải Nhì (20 triệu đồng/giải); 3 giải Ba (10 triệu đồng/giải); 10 giải khuyến khích (3 triệu/giải) và các giải phụ như bài dự thi sớm nhất, tác giả có tác phẩm chất lượng cao…