"Thời hoàng kim", Thương Tín từng được săn đón như thế nào?

Thương Tín là một "át chủ bài" của làng phim ảnh và kịch nghệ miền Nam vào thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Nhắc tới thời huy hoàng của anh, diễn viên nào cũng mơ ước.
"Thời hoàng kim", Thương Tín từng được săn đón như thế nào?
Thương Tín là diễn viên tham gia nhiều phim truyện nhựa, video nhất Việt Nam cho đến thời điểm này với hơn 200 phim như Bài ca không quên, Tiếng đàn, Biển sáng, Tình yêu của em, Vụ án viên đạn lạc, Chiếc vòng bạc, Vụ án hồ con rùa, Đứng trước biển, Biệt động Sài Gòn, Ván bài lật ngửa, Tiếng gọi lúc mờ sáng, Cao nguyên 101, Biển động, Bên dòng song Trẹm 2, Tình và hận, Trà hoa nữ, Bước qua quá khứ, Chiến trường chia nửa vầng trăng, Hoàng đế ngủ lề đường, Dòng sông hoa trắng, Ám ảnh,...Mỗi bộ phim Thương Tín đều để lại cho màn ảnh một hình tượng khó quên.
Thương Tín tên thật là Bùi Thương Tín, sinh năm 1956 tại Phan Rang. Anh là con đầu, sau ông còn 8 người em cả trai lẫn gái, gia đình chỉ có mình ông theo nghệ thuật. Khởi đầu sự nghiệp từ bộ môn nghệ thuật cải lương, đó là niềm đam mê của ông từ nhỏ. Khi mới 13 tuổi, Thương Tín đã bỏ nhà trốn theo một gánh hát cải lương chỉ để được vào vai lính, vai tốt và theo đoàn lưu diễn ở khắp nơi. 
Sau đó, gia đình ông gửi Thương Tín vào học tại Trường Quốc gia Âm nhạc - Kịch nghệ ở Sài Gòn. Khi mới ra trường, anh công tác ở Đoàn kịch nói Cửu Long Giang (TP HCM) rồi đến Đoàn kịch Kim Cương. Tại Đoàn Kim Cương, ông được đóng cặp với kỳ nữ Kim Cương và nhanh chóng trở nên nổi tiếng với những vở diễn gây ấn tượng mạnh với khán giả như: Bông hồng cài áo, Vực thẳm chiều cao, Huyền thoại mẹ, Tanhia, Trà hoa nữ,... Thương Tín đã diễn tổng cộng trên 100 vai kịch, hai phần ba số đó là vai chính, vai kép độc.
Khởi đầu được đào tạo chính quy qua trường nghệ thuật, thành công ở những vai trên sân khấu đã làm các nhà đạo diễn điện ảnh chú ý đến cái tên Thương Tín. Cuộc đời Thương Tín bắt đầu rẽ sang một trang mới và cuốn hút chàng trai trẻ. Vai đầu tiên Thương Tín đến với điện ảnh là vai Vĩnh, một chàng trai yêu thiết tha miền đồng bằng nắng đỏ với cả tâm hồn say đắm của tuổi trẻ trong phim Nắng đỏ của đạo diễn Lâm Tới. Tình yêu của anh làm cuốn hút cả cô bạn gái của mình.
Sau vai Vĩnh tạo ấn tượng tốt, cho tới nay, Thương Tín đã có đến hàng trăm vai diễn trong nhiều bộ phim hay khác. Thương Tín tham gia hầu hết các xưởng phim truyện trong nước, cộng tác với nhiều đạo diễn và diễn viên với phong cách làm việc khác nhau. Đạo diễn nào cũng nhận thấy ở Thương Tín một tác phong làm việc nghiêm túc, một bản chất nghề nghiệp vững vàng và giàu tình sáng tạo. 
Thương Tín cũng đóng cặp với nhiều nữ nghệ sỹ đình đám, trong số đó phải kể đến nữ diễn viên Lê Khanh. Bộ phim đầu tiên hai người đóng cùng nhau là phim Ám ảnh của đạo diễn Trần Phương. Thương Tín đã bị Lê Khanh dạy cho bài học tập trung trong công việc bằng cách đẩy ngã xuống nước. Kỷ niệm đó cũng giúp hai người thân với nhau hơn. Không chỉ thân trên phim, ngoài đời gia đình Thương Tín và Lê Khanh cũng rất thân thiết, sau này hai người còn gặp lại nhau trong bộ phim Săn bắt cướp.
Cùng với vẻ đẹp khỏe mạnh của hình thể, Thương Tín có lối diễn phóng khoáng, sôi nổi, tự tin. Có khả năng đoán định phát triển tâm lý và diễn tả chuẩn xác những động tác ngoại hình, tạo nên bản chất của nhân vật. 
Thương Tín từng nói: “Tôi đóng một năm rất nhiều bộ phim, đã thể hiện nhiều nhân vật cho nên sợ nhất là lặp lại mình. Tôi rất sợ người xem nói Thương Tín làm trò nhạt nhẽo, vì thế nên mỗi khi được giao vai tôi nghiên cứu hết sức kỹ càng nhân vật, tôi rất cảm ơn những đạo diễn có bản lĩnh đã rèn cho tôi những động tác nhỏ, để làm nên trọng lượng cho nhân vật và cho cả tác phẩm”. 
Thật không sai khi nói Thương Tín sinh ra để trở thành một tài tử điện ảnh. Ở Thương Tín toát ra một thần thái đặc biệt, khó lẫn vào đâu được. Nhắc đến Thương Tín khán giả sẽ nhớ ngay vai thiếu tá ác ôn Lưu Trọng Kỳ Vọng trong Ván bài lật ngửa, tướng cướp Lý Hải Đường lỳ lợm trong Săn bắt cướp, Sáu Tâm trong Biệt động Sài Gòn, Tám Thương trong Chiến trường chia nửa vầng trăng,...
Những năm 80-90, Thương Tín liên tục chạy sô vì lịch kín hết cả ngày, sáng đóng một phim, trưa đóng một phim, chiều lại đóng phim khác. Chạy xe hơi đến phim trường, nhảy xuống quay xong lại nhào lên xe chạy đi quay tiếp. Khi đạo diễn mời, mặc dù đang kẹt đóng phim nhưng họ vẫn chờ ông cho bằng được. Nhiều đạo diễn ra mặt không ưa ông mà vẫn mời. 
Điều an ủi nhất là Thương Tín đã tạo được cái tên trong xã hội, ai cũng quý trọng, nhất là các cụ già, gặp ông họ mừng, họ thương, gắng mời về nhà ăn một bữa cơm. Thương Tín nổi tiếng khá sớm, 27 tuổi, ông từng được sách kỷ lục Guinness Việt Nam ghi nhận là nghệ sĩ đóng nhiều phim nhất trong năm (12 phim).
Thương Tín từng chia sẻ về thời hoàng kim của mình: “Người hâm mộ lúc đó chen kín lối đi của anh. Anh ra Hải Phòng tham dự Liên hoan Phim toàn quốc, khán giả chặn anh lại, xé áo làm kỷ niệm. Dân giang hồ cho xe ô tô đỗ trước nhà anh, bắt cóc anh đi chơi. Những lần vui với bạn bè, những cơn say với chiến hữu”. Thương Tín rong chơi đúng kiểu, “vội ngày vội tháng vội năm, quên ngoài sân hoa hồng vẫn nở”.