Thủ đoạn thì cũ rích nhưng cách lừa thì cải tiến, tinh vi. Giả danh trợ lý Bí thư tỉnh ủy yêu cầu nhà hàng đặt hoa, nhân danh Giám đốc Công an tỉnh mượn tiền, thậm chí, xưng danh Chủ tịch tỉnh yêu cầu ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản cửa hàng điện thoại, chỉ cần có 20 triệu, ngân hàng chuyển luôn cho đồng chí “Chủ tịch tỉnh” hẳn 30 triệu!
Cách đây khoảng hai chục năm, một đồng chí Phó Văn phòng (trong diện quy hoạch) của tỉnh nhận cú điện thoại của bà chị, xưng là phu nhân của lãnh đạo tỉnh vay 50 triệu (hồi đó là khoản tiền rất lớn), anh ta vội vàng trao tiền cho một phụ nữ mà “bà chị” ủy thác đến nhận.
Chuyện vỡ lở là bị lừa, anh đành ngậm đắng, nuốt cay chẳng dám kêu ca gì. Báo chí hồi đó đã đưa tin về vụ việc này như một lời cảnh báo, thế mà các đồng chí không chịu rút kinh nghiệm một cách sâu sắc để đến bây giờ vẫn bị bọn mạo danh nó lừa như chơi.
Không ít các vụ lừa đảo tương tự đã xảy ra và có dấu hiệu chưa chấm dứt. Đủ các loại mạo danh, phổ biến nhất là xưng là nhân viên Văn phòng Chính phủ, trợ lý hoặc người nhà lãnh đạo, sỹ quan tình báo, người của Bộ Công an, tổ chức phi chính phủ... trong các lĩnh vực chạy dự án, vào biên chế, trúng tuyển trường ngành Công an, Quân đội, thậm chí là chạy án, giải quyết tranh chấp tài sản. Có vụ mạo danh “đơn lẻ” như một anh “cảnh sát hình sự” chuyên môn khai thác những cô gái nặng hầu bao mà nhẹ dạ, ham hố mà cả tin để lừa tình, lừa tiền. Có vụ tạo thành đường dây từ Bắc vào Nam mạo danh người nhà lãnh đạo để làm dự án, đầu tư béo bở.
Nhà báo cũng bị mạo danh để tống tiền doanh nghiệp hoặc chạy cái nọ, cái kia. Một nhà báo thật, trong khi dạo phố, tự dưng có “nhu cầu cấp bách” cần giải quyết, anh ta tạt vào một cơ quan, vứt vội vào phòng bảo vệ cái Thẻ nhà báo rồi chạy đi tìm toa-lét.
Giải quyết “nỗi buồn xong” anh ung dung trở lại lấy thẻ thì bảo vệ của cái trụ sở của một Công ty xây dựng đó cung kính trả lại Thẻ nhà báo kèm theo một cái phong bì “ăn trưa”. Câu chuyện có thật này phải chăng đã tạo ý tưởng cho những kẻ lừa đảo mạo danh nhà báo?
Dân vùng nông thôn khao khát nghệ thuật bị lừa đảo bởi các gánh hát rong trưng băng rôn toàn tên tuổi các ca sỹ nổi tiếng, đó là sự mạo danh không bị ai kiện cáo được nâng lên một tầm cao hơn khi một công ty “tổ chức sự kiện” nghĩ ra một danh hiệu kêu như mõ, ra công văn đề nghị các doanh nghiệp mới nổi đóng tiền mua danh vài chục triệu, được mời đến cái gọi là lễ vinh danh, ghi rõ là “có nguyên thủ quốc gia” đến trao danh hiệu. Sự mạo danh quá trớn và công khai này tại sao không bị cơ quan quản lý “thổi còi” là sao?
Có lẽ chính bởi vậy nên có những kẻ bằng cấp, công chức của một Bộ lớn, liều lĩnh hơn, dám mạo danh các nhà khoa học trong một công trình thẩm định tai tiếng. Trường hợp này đã đẩy sự mạo danh lên đỉnh, tạo ra dấu ấn của một thời buổi vàng thau lẫn lộn, thật giả khó phân!