Bước đệm quan trọng
Sự kiện Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) ra đời, với sự dẫn dắt của “ông lớn” công nghệ Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Công ty CP FPT càng chứng tỏ ngành Nông nghiệp nước ta đang có nhiều dư địa phát triển, và quan trọng là các “đại gia” đã, đang nhìn thấy điều đó nên muốn dồn lực đầu tư, kỳ vọng gặt hái thành công ở lĩnh vực này.
Từ nền tảng là một Câu lạc bộ Nông nghiệp công nghệ cao (DAA) thuộc Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, VIDA ra đời nhằm củng cố sức mạnh tập thể, tinh thần đoàn kết và tập hợp nguồn lực để cùng phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng số hóa. Quan điểm của Hiệp hội là ưu tiên nguồn lực để thực hiện những nhiệm vụ quan trọng như: hoàn thiện hạ tầng công nghệ cho nông nghiệp, kết nối quốc tế và mở rộng thị trường.
Mục tiêu của VIDA là sẽ tìm kiếm, lựa chọn công nghệ phù hợp cho từng mô hình canh tác, chế biến và thu hút đầu tư cho chế biến sâu tại Việt Nam. Đặc biệt, Hiệp hội sẽ hỗ trợ phát triển những dự án có quy mô để hiện đại hóa nền nông nghiệp Việt Nam, làm cầu nối với các trung tâm nông sản chất lượng cao trên thế giới hoặc sàn giao dịch nông sản online kết nối toàn cầu…
Sẽ có nhiều đổi thay
Đánh giá cao vai trò của công nghệ trong nông nghiệp, đặc biệt là sự ra đời của VIDA, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều sự đổi thay, vì thế, người nông dân tới đây sẽ thao tác trên iPad, trên điện thoại thông minh. Công nghệ sẽ dần dần giải phóng sức lao động cho người nông dân, và họ sẽ làm đồng với ít nông cụ truyền thống hơn so với trước.
"Nghề nông ở thời kỳ hội nhập, thời kỳ 4.0, thời kỳ quản trị sẽ rất khác. Việc thành lập VIDA là hướng đi rất đúng. Nếu chúng ta làm được sẽ tận dụng tốt yếu tố thời đại, kỹ năng quản trị, tố chất con người và khát vọng Việt Nam để khai thác hiệu quả tài nguyên quốc gia, tạo ra một lợi thế cạnh tranh. Có thể nói, chưa bao giờ có trào lưu doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp kể cả quản trị, sản xuất... như bây giờ", Bộ trưởng Cường nhận đinh.
Kỳ vọng về một tương lai tươi sáng khi các doanh nghiệp tham gia “sân chơi” nông nghiệp, người đứng đầu ngành Nông nghiệp chia sẻ, Việt Nam thường xuyên gánh chịu thiên tai khắc nghiệt nhưng nông sản xuất khẩu đã đạt con số hơn 40 tỷ USD, tới 180 thị trường, nay với sự trợ giúp của công nghệ, sự tâm huyết của giới doanh nhân, doanh nghiệp, chúng ta có thể tin tưởng ngành Nông nghiệp bước ra thế giới một cách vững chắc và đàng hoàng.
"Không thể để Việt Nam trở thành một quốc gia nông sản giá rẻ. Đó là điều không thể chấp nhận. VIDA phải tìm những công nghệ tân tiến, hiện đại và tham mưu cho các doanh nghiệp, người nông dân và những nhà hoạch định chính sách nhiều sáng kiến để làm được điều đó. Phải hợp lý hóa tất các khâu, các lĩnh vực trong hệ sinh thái ngành Nông nghiệp để tạo giá trị gia tăng và hiệu quả bền vững. Tôi mong Hiệp hội cùng với 14.800 hợp tác xã, 8 triệu hộ nông dân viết tiếp câu chuyện nông nghiệp, nông dân, nông thôn thời gian sắp tới…", lời Bộ trưởng Cường.
* TH True Milk:
Đồng cỏ châu Âu trên đất xứ Nghệ
Khi bà Thái Hương - Chủ tịch Tập đoàn TH đưa Dự án TH true Milk về Nghĩa Đàn (Nghệ An) với quy mô 1,2 tỷ USD. Khi đó không ai tin sẽ có một đồng cỏ châu Âu sẽ hình thành ngay giữa lòng xứ Nghệ.
Dự án khởi công năm 2009. Công nghệ được áp dụng vào mọi khâu sản xuất ở TH - từ trồng cỏ, xây dựng công thức thức ăn ưu việt phù hợp với từng nhóm bò, đến lượng sữa vắt được, cũng như chăm sóc sức khỏe cho bò…
Sau 4 năm, trang trại bò sữa của TH ở đây đã có hơn 35.000 con, với năng suất toàn đàn bình quân là 35 lít sữa/ngày/con. Mục tiêu đến năm 2020, đàn bò của tập đoàn này có thể lên tới 200.000 con. Được biết, sau 3 năm có sản phẩm đầu tiên (ngày 26/10/2010), TH đã có doanh thu 6.000 tỷ đồng, con số này đến năm 2017 đã là 23.000 tỷ đồng, chiếm 50% thị trường sữa nước Việt Nam.
Với mô hình của TH, một sự thay đổi về nhận thức đối với sữa tươi sạch đã bắt đầu. Các chuyên gia hàng đầu đánh giá, sự thành công của TH đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm về việc phát triển chăn nuôi bò sữa ở Việt Nam cũng như doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ở nước ta.
* VinEco:
Hai năm, xây dựng 14 nông trường rau, quả quy mô, hiện đại
Ngày 1/10/2015, Công ty VinEco (thuộc Vingroup) đã chính thức ra mắt thị trường mẻ rau sạch đầu tiên. Với quyết tâm và những bước đi thần tốc, chỉ trong vòng 24 tháng, VinEco đã xây dựng và phát triển thành công 14 nông trường quy mô và chuyên nghiệp trên cả nước. Các nông trường được quy hoạch thiết kế một cách khoa học gồm: khu sản xuất đồng ruộng, khu nhà kính, khu sơ chế, khu bảo quản đóng gói... với sự trợ giúp của nhiều thiết bị hiện đại.
Cụ thể, mỗi tháng, VinEco đã cung cấp ra thị trường hàng ngàn tấn nông sản đảm bảo như rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị, trái cây. Trong hơn 200 chủng loại, VinEco có nhiều sản phẩm có quy trình kiểm soát tự động và khép kín hoàn toàn trong nhà kính, nhà màng như nấm, rau mầm và rau thủy canh, dưa lưới, dưa lê,…
Cùng với việc chủ động tham gia trực tiếp sản xuất, để thực hiện sứ mệnh lan tỏa, góp phần thay đổi tư duy làm nông nghiệp của người Việt, ngày 1/9/2016, Vingroup và VinEco đã khởi động Chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt”. Sau 1 năm triển khai, chương trình đã kết nối, nhận được gần 3.000 đơn đăng ký từ các hộ nông dân trên toàn quốc.
Trong đó, gần 800 hộ sản xuất cung cấp được sản phẩm liên kết ra thị trường thông qua hệ thống tiêu thụ của Vinmart và Vinmart+ của Vingroup. Hiện, VinEco là 1 trong những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, có ảnh hưởng tích cực tới cộng đồng.