Thomas Edison được đánh giá là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất thiên niên kỷ, có đóng góp lớn trong việc hình thành thế giới hiện đại. Nói đến ông, người ta sẽ nghĩ ngay đến phát minh bóng đèn điện, đĩa hát… nhưng ít người biết được rằng khiếm khuyết về thính lực là một yếu tố quan trọng giúp ông cho ra đời những phát kiến thay đổi thời đại như vậy.
Từ đứa trẻ đần độn
Ngay từ khi còn nhỏ, Edison đã có biểu hiện “không bình thường”. Ví dụ, dù là con út, trên mình có đến 6 anh, chị, em lít nhít xung quanh nhưng phải lên 4 Edison mới bập bẹ tập nói. Vì chậm biết nói nên năm lên 7 Edison mới được cho đến trường. Tại trường, cậu bé lại tiếp tục gây rắc rối khi không chịu tập trung vào bài giảng của giáo viên mà chỉ chăm chăm đặt những câu hỏi không liên quan.
Giáo viên của Edison vì thế sớm cảm thấy mệt mỏi, tức giận rồi sau đó là mất kiên nhẫn trước cậu học trò tò mò quá mức và chỉ thích hành động theo ý mình. Cũng vì không tập trung nên điểm số của Edison tại trường học luôn lẹt đẹt.
Nếu ở thời điểm hiện tại, các nhà tâm lý học có thể xác định Edison sẽ được xác định mắc chứng rối loạn hoạt động quá mức do thiếu chú ý (ADHD) và kê thuốc để chữa trị nhưng tại thời điểm lúc bấy giờ, các giáo viên chỉ đơn giản cho rằng đó là do học sinh của họ có vấn đề về trí tuệ. Giáo viên chủ nhiệm của Edison thường xuyên cho rằng việc trán của học trò rộng bất thường, đầu to hơn đáng kể so với các bạn cùng trang lứa chính là biểu hiện của việc não bộ của Edison có vấn đề.
12 tuần sau khi Edison nhập học, một ngày nọ, cậu tình cờ nghe thấy giáo viên nói với quản lý của trường rằng cậu là một đứa trẻ đần độn, nếu để học tiếp cũng chỉ phí công vô ích. Theo lời kể của Edison với một tạp chí sau này, từ đần độn mà giáo viên đã dùng khiến ông bị tổn thương ghê gớm. Ngay lập tức, ông bật khóc và chạy về nhà kể với mẹ. May mắn cho Edison là ông có một người mẹ vô cùng hiểu biết và thương con.
Sau khi nghe con kể lại, bà đã đưa con quay trở lại trường và giận dữ nói với người giáo viên rằng chính ông này mới là người có vấn đề về nhận thức đến mức không biết mình đang nói gì. Sau cuộc nói chuyện, vốn xuất thân trong một gia đình danh giá và bản thân cũng là một nhà giáo nên bà đã quyết định đưa con về nhà để tự dạy dỗ.
Edison về sau nói rằng chính mẹ ông là người đã truyền sự tự tin cho ông, khiến ông có quyết tâm cần phải nỗ lực phấn đấu để chứng minh rằng mẹ ông không sai, rằng lòng tin của bà đã không bị đặt nhầm chỗ. “Mẹ là người đã hình thành nên tôi. Bà ấy rất tin tưởng tôi, khiến tôi cảm thấy có người để tôi phải sống vì bà, tôi không thể làm bà thất vọng”, ông nói.
Thành một thiên tài
Kể từ khi bỏ học ở trường, Edison được mẹ dạy kèm cho các môn lịch sử, văn học, ngôn ngữ. Bước ngoặt trong cuộc đời ông diễn ra vào năm ông lên 9, khi ông được mẹ đưa cho một cuốn sách khoa học cơ bản, trong đó dạy về cách làm các thí nghiệm khoa học tại nhà. Đến lúc này, Edison mới tìm được đam mê của mình. Tất cả những thí nghiệm trong sách đều được ông thử nghiệm. Tiền tiết kiệm có được đồng nào đều được ông dành để mua hóa chất làm thí nghiệm. Cứ như vậy, năm 10 tuổi, ông đã có một phòng thí nghiệm khoa học đầu tiên đặt ở tầng hầm trong ngôi nhà của gia đình.
Tuy nhiên, cha của Edison vốn là một người thích chữ nghĩa nên muốn ông theo đuổi các bộ môn xã hội. Để khuyến khích con trai đọc các tác phẩm kinh điển, ông Samuel treo giải thưởng 1 xu nếu Edison chịu bước ra khỏi phòng để đọc sách. Phần thưởng sẽ tăng lên thành 10 đồng nếu ông đọc hết một cuốn sách.
|
Ảnh minh họa |
Bề ngoài, Edison vui vẻ làm theo nhưng thực chất ông chỉ làm vậy để kiếm được tiền và toàn bộ tiền thưởng lại sớm được ông dùng để mua hóa chất làm thí nghiệm. Về sau ông tiết lộ rằng để đảm bảo mọi người trong nhà không lấy những hóa chất quý giá có được, Edison dán mác “chất độc” vào tất cả những chai hóa chất trong phòng thí nghiệm của ông!
Để mở rộng kiến thức của mình, Edison bắt đầu tìm đọc nhiều sách khoa học hơn. Đọc hết phòng sách của gia đình, ông chuyển sang mày mò cho đến hết toàn bộ số sách khoa học ở thư viện của địa phương! Khi thấy con có niềm đam mê đặc biệt với các bộ môn khoa học, cha mẹ ông đã thuê gia sư về dạy cho ông về vật lý, hóa học trong một thời gian ngắn cho đến khi kinh tế gia đình suy sụp thì dừng lại. Không có người hướng dẫn, Edison vẫn tiếp tục miệt mài với con đường tự nghiên cứu của mình.
Năm 1869, ở tuổi 22, Edison chuyển tới thành phố New York và đã có phát minh đầu tiên – là máy đếm phiếu điện tử giúp ghi lại phiếu bầu của các đại biểu tại cơ quan lập pháp một cách kịp thời hơn. Phát minh được đánh giá cao và được một công ty trả đến 40.000 tiền bản quyền. Kể từ đó, Edison liên tục cho ra đời những phát minh mới có thể ứng dụng rộng rãi trong cuộc sống.
Tổng cộng, trong suốt cuộc đời, ông đã nhận được 1.093 bằng sáng chế và đã nộp từ 500 đến 600 đơn xin cấp bằng khác nhưng không thành công hoặc tự từ bỏ. Trong đó, dù không phải là người phát minh ra bóng đèn đầu tiên nhưng ông mới chính là người đưa bóng đèn tới đa số người dân, giúp đưa ánh sáng tới khắp nơi trên thế giới.
Ngoài ra, ông cũng là người đã phát minh ra công tơ điện, máy quay đĩa, máy chiếu phim, máy ghi âm… Đến đầu những năm 1870, ông đã nổi tiếng khắp nước Mỹ và thế giới và được đánh giá là một trong những nhà phát minh hàng đầu lúc bấy giờ.
Yếu tố kỳ cục
Có một yếu tố đã định hình tính cách của Edison theo cả cách thức tích cực lẫn tiêu cực – đó là chứng nặng tai. Theo các ghi chép, khoảng năm 12 tuổi, Edison bắt đầu mất thính lực. Về sau, ông bị điếc hoàn toàn tai trái và mất đến khoảng 80% thính lực ở tai phải. Có thông tin cho rằng Edison gặp trục trặc trong vấn đề nghe sau khi ông bị một người soát vé trên tàu hỏa tạt tai vì đã gây hỏa hoạn ở khoang gia súc khi vừa đi tàu vừa làm thí nghiệm với hóa chất.
Chính Edison cũng nói rằng ông đã bị thương sau khi bị người soát vé kéo tai và nhấc bổng lên khi tàu đang di chuyển. Song, một số nhà viết sử sau đó cho rằng việc Edison mất thính lực là do ông bị sốt khi còn nhỏ. Cũng có người cho rằng đó là do yếu tố di truyền vì cha và một người anh của ông cũng bị điếc.
Nguyên nhân của tình trạng này là điều còn tranh cãi nhưng chắc chắn là Edison thực sự thích việc mình bị nặng tai. Bởi, ông nói rằng việc không nghe được những âm thanh xung quanh khiến ông dễ tập trung vào các thí nghiệm của mình hơn. Điều này đặc biệt quan trọng vì như đã nói ở trên, ông chỉ được học ở trường 3 tháng nên không được học nhiều về toán học, vật lý và kỹ thuật hiện đại. Để bù đắp cho những thiếu sót đó, ông buộc lòng phải sử dụng tâm trí và bộ nhớ của mình để kiên nhẫn thực hiện các thí nghiệm cần thiết và rút ra những kết luận quan trọng. Tình trạng nặng tai (nhưng không điếc hoàn toàn) giúp ông không bị phân tán trong những lúc như vậy.
Chính vì thế nên nhiều năm sau này, khi đã thành danh và có điều kiện để thực hiện phẫu thuật có thể khôi phục lại thính lực nhưng Edison vẫn từ chối với lý do ông sợ sẽ khó có thể học lại được cách định hướng dòng suy nghĩ của mình trong một thế giới ồn ào hơn. Điều tiếc nuối duy nhất của nhà phát minh lỗi lạc khi không thể nghe được rõ, theo như tiết lộ của ông, là ông không thể thưởng thức được những âm thanh đẹp đẽ từ tiếng chim hót. Để thỏa mãn niềm yêu thích của mình, dù không nghe được rõ nhưng ông vẫn nuôi một lồng có đến 5.000 con chim…/.