Thông điệp 6 chữ vàng

(PLVN) - Ngày 11/5, tại Washington, D.C., Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu quan trọng tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế Hoa Kỳ (CSIS).
Thông điệp 6 chữ vàng

Trong bài phát biểu này, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ ba vấn đề: Một là, cách nhìn của Việt Nam về thế giới hiện nay; Hai là, vai trò của sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm trong thế giới nhiều biến động hiện nay; Ba là, chúng ta cần phải làm gì để thể hiện sự chân thành, tăng cường lòng tin và trách nhiệm, vì một thế giới tốt đẹp hơn.

“Sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm có vai trò đặc biệt quan trọng để giải quyết những vấn đề đặt ra đối với thế giới hiện nay. Chính thiếu vắng sự chân thành, lòng tin và trách nhiệm là một trong những nguyên nhân dẫn đến căng thẳng, xung đột ở nhiều khu vực. Thiếu sự chân thành, tin cậy là nhân tố cản trở nghiêm trọng đến hợp tác song phương giữa các quốc gia cũng như hợp tác đối phó với các thách thức khu vực và toàn cầu. Vì vậy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần đẩy mạnh xây dựng, củng cố sự chân thành, lòng tin giữa các quốc gia”, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Có thể nói “chân thành – lòng tin – trách nhiệm” là 6 chữ vàng thể hiện nhất quán lựa chọn của Việt Nam trong một thế giới đầy biến động, cạnh tranh chiến lược như hiện nay. Không chỉ đối ngoại, đó cũng là phương châm xử thế trong tất cả mọi vấn đề của dân tộc, quan hệ đối tác làm ăn trong môi trường hội nhập hiện nay.

Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng xác định mục tiêu: “... khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Để hoàn thành mục tiêu này, cũng như hoàn thành các mục tiêu phát triển của quốc gia, Việt Nam không thể đi một mình. Muốn đi xa phải có bạn. Kinh nghiệm phòng, chống COVID-19 còn nguyên giá trị thời cuộc.

Trong đại dịch COVID-19, mặc dù còn nhiều khó khăn, song Việt Nam đã viện trợ khẩu trang, một số vật tư y tế cho 51 quốc gia, trong đó có Hoa Kỳ; đồng thời đóng góp tài chính hàng triệu USD cho Chương trình COVAX. Ngược lại, Việt Nam đã nhận được sự giúp đỡ to lớn của cộng đồng quốc tế, trong đó có nguồn cung vaccine lớn, trang thiết bị y tế khác cho Việt Nam nhằm kiểm soát đại dịch. Biết bao vấn đề thách thức truyền thống cũng như phi truyền thống; trong đó có ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện các cam kết theo Thỏa thuận Paris và COP 26, đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050 đang cần sự phối hợp hành động chung giữa các quốc gia.

Không nghi ngờ gì nữa, để vượt qua mọi thách thức, cần “chân thành – lòng tin – trách nhiệm”.

Đọc thêm