Thông cáo của WWF đánh giá, động thái của CITES là bước đi tích cực nhằm hướng tới việc bảo vệ tê giác, khi CITES yêu cầu các nước có liên quan đến hoạt động buôn bán trái phép sừng tê giác thể hiện trách nhiệm.
Hai “điểm nóng”
Theo đó, CITES cũng nhất trí cử các thành viên Ban Thư ký tới Việt Nam và Mozambique để đánh giá tình hình trên thực tế vì coi đây là hai quốc gia có hoạt động buôn bán sừng tê giác mạnh nhất.
Dựa trên kết quả đánh giá của nhóm chuyên gia, CITES có thể sẽ đề nghị áp đặt trừng phạt thương mại nếu không cải thiện đáng kể tình trạng trên. WWF cùng ngày cũng đã ra tuyên bố của chuyên gia Leigh Henry về động vật hoang dã tại WWF.
Tuyên bố nêu rõ: “Ngày hôm nay, CITES đã phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng CITES có thể sẽ không còn nhân nhượng trước hoạt động buôn bán sừng tê giác. Tình trạng luật pháp thiếu hiệu quả cũng như không bắt giữ, khởi tố và kết tội các đối tượng buôn bán, vận chuyển sừng tê giác đơn giản là không thể chấp nhận được. Quản lý nhà nước chặt chẽ có ý nghĩa quyết định tới việc phá vỡ các mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia đứng đằng sau hoạt động buôn bán sừng tê giác và đe dọa tới sự an toàn của quần thể tê giác còn lại trên thế giới. Nếu không có tiến triển đáng kể nào trong thời hạn 1 năm, CITES cần phải áp đặt trừng phạt thương mại”.
Trước đó, nhân Hội nghị lần thứ 17 các bên tham gia Công ước CITES (CoP17), diễn ra từ ngày 24/9-5/10 tại Johannesburg (Nam Phi), ông Carter Roberts - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành WWF - đã có bài viết đăng trên tạp chí Times số ra ngày 20/9, cho rằng các nước liên quan phải chịu
trách nhiệm đối với nạn săn bắn động vật hoang dã. Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ loài tê giác tại châu Phi, các nước – trong đó có Việt Nam - cần phải triệt tận gốc việc mua bán sừng tê giác. Nếu không nỗ lực và có những tiến bộ thực sự trong việc ngăn chặn nạn buôn bán trái phép sừng tê giác, quốc gia đó sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt thương mại theo quy định của CITES.
Loài vật sắp tuyệt chủng
Ở Nam Phi có gần 6.000 con tê giác bị bắn trộm kể từ năm 2007 đến nay. Hầu như không thể có cách nào để cứu loài động vật sắp tiệt chủng này thoát khỏi nạn săn bắn trộm khi công tác bảo tồn động vật hoang dã đòi hỏi phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp liên quan nhằng nhịt với nhau. Lấy ví dụ như vấn đề hổ ở châu Á. Những con hổ châu Á đối mặt với nguy cơ diệt vong và suy yếu trước những kẻ săn trộm hổ để lấy da, xương và các phần khác trên cơ thể hổ. Ở nửa vòng bên kia trái đất, những con bướm chúa di cư biểu tượng của xứ sở Bắc Mỹ cũng đang bị tiêu diệt bởi nạn triệt phá rừng, mở rộng lấy đất làm nông nghiệp và biển đổi khí hậu. Cho đến nay, những kẻ săn bắn trộm tê giác tại châu Phi vẫn tiếp tục săn bắn bất chấp những nỗ lực rất nhiều của chính phủ các nước châu Phi nhằm ngăn chặn, chấm dứt tệ nạn này. Vấn đề ngày trở nên phức tạp hơn khi nạn săn bắn trộm đang được hỗ trợ tiền bạc bởi các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.
Theo WWF, bất chấp hàng loạt bằng chứng cho thấy sừng tê giác được bán công khai, nhà chức trách của một số nước đã không tạo được bước chuyển biến nào đối với việc thu giữ sừng tê giác ở trong nước và cũng chưa hoàn thành vụ truy tố nào đối với các đối tượng liên quan. Theo WWF, các nước được xác định là “điểm nóng” cần phải nhất trí áp dụng các quy định mới nhằm coi loại tội phạm buôn bán động vật hoang dã là “tội phạm nghiêm trọng”, với khung hình phạt tối thiểu bốn năm tù giam. Ngoài ra, CITES cũng kêu gọi các quốc gia cấm hoạt động thương mại với Việt Nam trong tất cả các mặt hàng động vật hoang dã theo quy định của CITES.
Một con tê giác bị giết và cưa mất sừng |
Khẩn cấp đấu tranh, ngăn chặn
Tại Việt Nam, về mặt pháp luật, việc mua bán sừng tê giác bị cấm theo như quy định trên toàn thế giới đưa ra năm 1977. Tuy nhiên, trên thực tế, còn chưa nhiều những hành động quyết liệt để ngăn chặn nạn buôn bán này. Rất nhiều vụ tịch thu lớn đều không phải là được phát hiện bên trong lãnh thổ mặc dù có nhiều thông tin cung cấp cho các nhà chức trách. Đặc biệt, chưa có một truy tố nào cho việc mua bán sừng tê giác cho dù có nhiều bằng chứng đây là một thị trường rất phát triển.
Gần đây nhất, ngày 17/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ra Chỉ thị số 28/CT-TTg về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trên địa bàn rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái pháp luật; tập trung kiểm tra các làng nghề, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các địa điểm du lịch, sân bay, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền…, và công khai kết quả xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bộ Công an được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, NN&PTNT, TN&MT thực hiện các chuyên án triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tạm nhập tái xuất trái phép mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động bày bán, buôn bán qua mạng, quảng cáo, sử dụng trái phép mẫu vật sừng tê giác và ngà voi trong thị trường nội địa.
Đặc biệt, Chỉ thị của Thủ tướng nhấn mạnh các cơ quan có thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử, giải quyết vi phạm hành chính tập trung rà soát các vụ việc vi phạm liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, chế biến, tàng trữ, quảng cáo, sử dụng trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã, đặc biệt là ngà voi, sừng tê giác, mẫu vật hổ, khẩn trương xử lý dứt điểm các vụ việc theo quy định của pháp luật hiện hành và công khai trước công luận kết quả xử lý...