Theo số liệu của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, hiện các NH đã cho vay cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho 166.544 khách hàng với dư nợ 62.835 tỷ đồng; đã miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho 14.368 khách hàng với dư nợ 12.319 tỷ đồng; đã hạ lãi suất cho 289.204 khách hàng có dư nợ hiện hữu với tổng dư nợ 948.407 tỷ đồng, số tiền lãi dự kiến hạ cho khách hàng là 3.530 tỷ đồng.
Ngoài ra, các NH cũng cho vay mới lãi suất ưu đãi cho 146.571 khách với dư nợ cho vay mới đạt 511.230 tỷ đồng. Riêng Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho 102.930 khách hàng với dư nợ 2.815 tỷ đồng, cho vay mới đối với 516.668 khách hàng với dư nợ 18.825 tỷ đồng. Như vậy, quy mô gói hỗ trợ mà các NH đưa ra tính đến thời điểm này đã lên tới khoảng 600.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, số liệu của NHNN cũng cho thấy, tính đến ngày 16/4, tín dụng toàn ngành tăng 0,78% so với cuối năm 2019 là khá chậm. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, do dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, cung và cầu suy giảm, DN hầu như không có nhu cầu vay mới mà tập trung vào trả nợ.
Để kịp thời có biện pháp xử lý, triển khai hiệu quả hơn trong việc hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, cho nền kinh tế, Thống đốc NHNN yêu cầu toàn bộ hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) cần nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm của Ngành với nền kinh tế, triển khai mạnh mẽ các biện pháp cơ cấu lại nợ, cho vay mới, giảm lãi suất cho vay.
“Phải xác định việc hỗ trợ khách hàng vay vốn cũng là hỗ trợ cho chính các TCTD, giúp hệ thống TCTD hoạt động tốt hơn trong giai đoạn khó khăn. Hỗ trợ cho khách vay vốn có tác dụng đối với cả hệ thống NH lẫn khách hàng vay vốn, là trách nhiệm của từng TCTD đối với ngành NH nói riêng và cả nền kinh tế nói chung...”, ông Hưng nhấn mạnh.
Thống đốc NHNN chỉ đạo, ngay sau cuộc họp, các TCTD có vốn của Nhà nước phải tổ chức quán triệt tới tất cả các chi nhánh các quy định về hỗ trợ khách hàng để tiếp tục đẩy nhanh tiến trình làm việc với khách hàng, xử lý tháo gỡ các vấn đề phát sinh trong thực tế.
Đồng thời lưu ý, các TCTD phải thực hiện tối đa việc giảm chi phí để hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế, phải xem xét chủ động cân đối nguồn vốn để đầu tư cho những dự án khả thi, phải coi cho vay mới hỗ trợ phục hồi sau dịch là yếu tố then chốt giúp nền kinh tế tăng trưởng trong năm nay…
Chia sẻ khó khăn về phía NH, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, những DN kêu không tiếp cận được vốn hầu hết là các DN không có phương án kinh doanh đảm bảo, không có vốn tự có… “Các NH chỉ có thể tăng số hóa để phục vụ khách hàng nhanh hơn chứ không thể giảm chuẩn tín dụng được” - Đại diện Vietcombank khẳng định.
Trước thực tế này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng yêu cầu các TCTD phải tiếp tục tập trung chỉ đạo đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn nhưng không nới lỏng điều kiện tín dụng để đảm bảo chất lượng an toàn tín dụng, duy trì tính lành mạnh của hoạt động NH trong những năm tới.
Đồng thời, có cơ chế khuyến khích phù hợp để chi nhánh, phòng giao dịch, cán bộ thực hiện tháo gỡ khó khăn cho khách hàng nhưng cũng phải xử lý với các chi nhánh, các cán bộ thiếu trách nhiệm, gây khó khăn phiền hà, chậm trễ trong việc hỗ trợ người dân, DN.