'Thông đường' cho thương mại hai chiều giữa Việt Nam - EU tăng trưởng giữa dịch bệnh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA còn được khẳng định mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.
Quang cảnh buổi làm việc.
Quang cảnh buổi làm việc.

Tại trụ sở Tổng cục Hải quan, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành mới đây đã tiếp và làm việc với Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam. Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi về các nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong việc tạo thuận lợi thương mại nói chung và thực thi các cam kết của Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại WTO và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA).

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành cảm ơn ông Carsten Schittek, Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam và các đồng nghiệp đã dành thời gian tham gia buổi làm việc theo đề xuất của Tổng cục Hải quan.

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành nhấn mạnh, quan hệ kinh tế - thương mại giữa Việt Nam và EU ngày càng tăng trưởng nhanh, đặc biệt là kể từ khi Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020. Sau một năm thực thi Hiệp định này, mặc dù trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, tác động không nhỏ tới Việt Nam và EU, song thương mại xuất nhập khẩu hai chiều đều tăng trưởng.

Việc Hiệp định EVFTA được đưa vào thực thi mang ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế trong giai đoạn dịch bệnh. Từ phía doanh nghiệp, EVFTA còn được khẳng định mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp lấy lại đà tăng trưởng hậu dịch bệnh.

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành (bên phải) đề nghị EU đóng góp để có thể cải thiện hơn nữa công tác cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại...

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành (bên phải) đề nghị EU đóng góp để có thể cải thiện hơn nữa công tác cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại...

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm hiện đại hóa và đơn giản hóa quy trình thủ tục hải quan, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, rút ngắn thời gian giải phóng và thông quan hàng hóa, góp phần đáng kể tạo thuận lợi cho thương mại, phục vụ người dân và cộng đồng doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Trong quá trình triển khai các biện pháp tạo thuận lợi cho thương mại, Hải quan Việt Nam đã nhận được nhiều hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như: Đại sứ quán Anh hỗ trợ hoàn thiện các thủ tục phê duyệt Hiệp định TFA, Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ xây dựng cổng Thông tin Thương mại Việt Nam, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) và Bộ Ngoại giao Đan Mạch hỗ trợ đánh giá và tăng cường hệ thống xác định trước tại Việt Nam, Liên minh tạo thuận lợi toàn cầu (GATF) hỗ trợ cơ chế bảo lãnh thông quan và gần đây nhất là USAID với dự án Tạo thuận lợi thương mại (TFP).

Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, trao đổi kịp thời từ phía EU để có thể cải thiện hơn nữa công tác cải cách hiện đại hóa hải quan và tạo thuận lợi cho thương mại, giải quyết kịp thời các bất cập, khó khăn vướng mắc phát sinh nhằm thúc đẩy tạo thuận lợi thương mại hàng hóa giao thương giữa Việt Nam và EU.

Trao đổi về các vấn đề liên quan đến tạo thuận lợi thương mại, ông Carsten Schittek, Tham tán Công sứ Phái đoàn EU tại Việt Nam ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực của Hải quan Việt Nam trong việc thúc đẩy và tạo điều kiện thông quan hàng hóa nói chung và thông quan hàng hóa giữa Việt Nam - EU nói riêng.

Mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19 lần thứ 4, nhưng 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng so với cả thời kỳ trước đại dịch. Tổng kim ngạch hai chiều đạt hơn 41 tỷ USD, tăng hơn 13% so với cùng kỳ năm 2020.

Những mặt hàng chủ lực của doanh nghiệp Việt Nam như thiết bị linh kiện điện tử, máy tính và điện thoại... xuất khẩu sang châu Âu được nhiều người ưu chuộng vì giúp tăng cường kết nối trong thời kỳ giãn cách.

"Những mặt hàng như linh kiện điện tử, máy tính, điện thoại là thế mạnh của Việt Nam. Các sản phẩm của Việt Nam rất cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Tôi nghĩ rằng có nhiều lĩnh vực mà các công ty Việt Nam đã làm rất tốt trong mối quan hệ thống nhất với châu Âu", ông Alan Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) cho hay.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, sau 1 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do EVFTA, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt hơn 54 tỷ USD, tăng hơn 12%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 38 tỷ USD, tăng 11%.

Sau khi nhiều địa phương, thành phố nới lỏng giãn cách, các doanh nghiệp bắt đầu tăng tốc hoạt động trở lại, tăng cường sản xuất an toàn để đảm bảo kịp đơn hàng.

"Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ"

Đọc thêm