Thống nhất trình Quốc hội tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng

(PLVN) - Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế giá trị gia tăng theo Tờ trình của Chính phủ; đề nghị Chính phủ tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, tăng sự thuyết phục của việc giảm thuế trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh phát biểu tại phiên họp.

Đề nghị tiếp tục giảm thuế đến hết năm 2024

Sáng nay, 13/6, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).

Theo Tờ trình của Chính phủ, trên cơ sở báo cáo đánh giá tình hình thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) theo Nghị quyết số 110/2023/QH15 và đã được thực hiện ổn định trong năm 2022, 2023 theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 101/2023/QH15, Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế GTGT như nội dung chính sách giảm thuế GTGT đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15.

Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ bao gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đồng thời, giao Chính phủ hướng dẫn việc giảm thuế suất thuế GTGT và tổ chức triển khai thực hiện chính sách này bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả.

Chính phủ đề nghị áp dụng việc giảm thuế trong thời gian từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024.

Chính phủ cho biết, nếu tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT cho 6 tháng cuối năm thì dự kiến cả năm 2024 giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 47,488 nghìn tỷ đồng.

Tạo động lực cho việc duy trì xu hướng phục hồi của nền kinh tế

Tại phiên họp, các ý kiến phát biểu bày tỏ đồng tình cao với tờ trình của Chính phủ. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh chỉ ra rằng, hiện nay, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi, còn rất nhiều khó khăn. Do đó, việc tiếp tục thực hiện giảm thuế GTGT sẽ có giá trị cho việc tạo động lực để các đối tượng tiêu dùng chi tiêu, duy trì được xu hướng phục hồi.

“Việc tiếp tục giảm thuế sẽ tạo động lực các đối tượng nộp thuế phát triển sản xuất để tăng thu thuế của những năm tới; duy trì được sản xuất, duy trì được tăng thu, kích cầu tiêu dùng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị chỉ tiếp tục thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2024, không phải dài hạn.

Đồng tình với việc tiếp tục giảm 2% thuế GTGT, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, khi thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận và đều đồng ý với việc tiếp tục giảm thuế.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng lưu ý, Quốc hội đã biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và đã thống nhất bổ sung nội dung này vào chương trình Kỳ họp thứ 7.

Do vậy, đã đầy đủ cơ sở pháp lý trình để trình Quốc hội quyết về nội dung này tại Kỳ họp. “Nếu Quốc hội đồng ý, đây là lần thứ 3, Quốc hội quyết định kéo dài thời gian thực hiện chính sách này”, ông Tùng nói.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, về thuế GTGT, Bộ Chính trị đã đồng ý về mặt chủ trương và có văn bản kết luận.

Kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét quyết định giảm thuế GTGT theo Tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến cơ quan thẩm tra để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, tăng sự thuyết phục của việc giảm thuế trình Quốc hội xem xét, quyết định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ rút kinh nghiệm trong việc dự báo tình hình, phản ứng chính sách, không để xảy ra tình trạng một chính sách nhưng nhiều lần trình Quốc hội cho phép áp dụng, cho phép gia hạn áp dụng như giảm thuế GTGT thời gian qua, tổ chức thực hiện chính sách đảm bảo mục tiêu đề ra, không để xảy ra khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Chịu trách nhiệm điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu, không làm ảnh hưởng dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội.

Thực hiện đúng tiến độ việc chỉnh sửa, bổ sung các luật thuế, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng, đáp ứng chiến lược cải cách thuế, trong đó có thuế GTGT.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết trình Quốc hội và các cơ quan thẩm tra. Đề nghị Ủy ban Tài chính ngân sách thẩm tra chính thức, trong đó nêu rõ quan điểm trình Quốc hội xem xét và thảo luận tại tổ trong một thời gian thích hợp do Văn phòng Quốc hội bố trí để xem xét quyết định và đưa thành một nội dung trong Nghị quyết kỳ họp thứ 7.

Đọc thêm