[links()]Chủ cơ sở xẻ gỗ có hành vi giam giữ công nhân (CN) lao động với chế độ làm việc khắc nghiệt khiến hai CN đào thoát dẫn đến vụ chết người đã bị bắt tạm giam 3 tháng để điều tra về hành vi “Giữ người trái pháp luật”; đồng thời tiếp tục điều tra nhiều hành vi vi phạm pháp luật khác.
Chiều qua (4-7), Công an huyện Dầu Tiếng đã tổ chức buổi tiếp xúc với báo chí liên quan vụ chủ cơ sở xẻ gỗ Trần Tấn Phong, 51 tuổi, ngụ Dầu Tiếng bạc đãi CN lao động gây xôn xao dư luận mấy ngày qua. Thiếu tá Hồ Văn Dũng, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT, Phó Trưởng Công an huyện Dầu Tiếng cho biết, trưa cùng ngày, Công an huyện đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với ông Trần Tấn Phong về hành vi “Giữ người trái pháp luật” theo phê chuẩn của Viện KSND cùng cấp.
Theo cơ quan điều tra, cơ sở của ông Trần Tấn Phong hoạt động chính thức từ năm 2002, chuyên đóng balet gỗ tại ấp Cà Tong, xã Thanh An, huyện Dầu Tiếng. Cơ quan điều tra xác định, trong quá trình sản xuất thông qua những môi giới lao động ở các Bến xe Miền Đông, Bến xe Miền Tây (TP.HCM). Đối tượng tuyển dụng vào làm việc cho ông Phong thường là những người dân tộc Khơme, hiểu biết hạn chế, không am hiểu về pháp luật, trong đó có một vài lao động ở tuổi vị thành niên. Khi nhận vào làm việc, ông Phong “hứa hẹn” tạo công ăn việc làm ổn định, nuôi cơm 2 bữa, lo chỗ ăn, ở chu đáo cho người lao động (NLĐ) nhằm đưa các nạn nhân “vào bẫy” của mình.
Thiếu tá Hồ Văn Dũng cho biết, theo kết quả điều tra ban đầu, hàng ngày lao động làm việc trong chế độ khắc nghiệt, khoảng 4 giờ sáng họ bị đánh thức dậy, sau đó dọn dẹp vệ sinh xung quanh cơ sở. Đến sáng, NLĐ được chủ cho ăn mì tôm (được tính trừ vào lương), sau đó lao động đi làm đến 12 giờ trưa, được ăn cơm sơ sài đến 13 giờ làm việc đến 17 giờ 30 phút mới nghỉ, có hôm các lao động phải tăng ca đến 19 giờ mới được nghỉ ăn cơm. Hầu hết các CN đều bị “nhốt” vào buổi tối cho đến ngày làm việc mới. Trong suốt thời gian làm việc tại cơ sở, các lao động không được tiếp xúc với “thế giới bên ngoài”.
Theo cơ quan điều tra, để tránh cho CN bỏ trốn, ông Phong đã dùng nhiều thủ đoạn “giữ chân” CN có ý định bỏ việc bằng cách giữ điện thoại, giấy tờ hay “giam lương” của NLĐ. Tại cơ quan điều tra, ông Phong khai nhận, việc lắp đặt 8 chiếc camera là để giám sát CN vượt ra khỏi ngoài vòng kiểm soát, nhất là đề phòng CN bỏ trốn khỏi cơ sở. Quá trình thu thập chứng cứ và từ lời khai của ông Trần Tấn Phong được biết, từ khi các CN Sơn Bồ Rót, Vũ Văn Đương đến làm khoảng một tuần, tất cả đều bị khóa trái cửa nhốt vào ban đêm. Trong đó, ông Phong trang bị cho CN chiếc bô để đi vệ sinh ngay tại chỗ ngủ nghỉ. Qua quá trình điều tra, đủ căn cứ để chứng minh ông Trần Tấn Phong đã có hành vi “Giữ người trái pháp luật”, thiếu tá Hồ Văn Dũng cho hay.
Theo cơ quan điều tra, với chế độ làm việc khắc nghiệt này, hầu như chưa có CN nào làm quá 1 tháng. Đó cũng là câu trả lời vì sao có nhiều trường hợp CN bỏ trốn trong đêm, được người dân hỗ trợ bỏ trốn khỏi cơ sở. Riêng nguyên nhân dẫn đến cái chết của CN Sơn Bồ Rót được xác định chết do ngạt nước. Thiếu tá Hồ Văn Dũng cũng khẳng định, qua điều tra không có việc anh Rót và anh Đương bơi đua tại hồ Cần Nôm mà nguyên nhân là các nạn nhân bị nhốt, cực khổ nên anh Đương và anh Rót đã bàn nhau bỏ trốn. “Các CN dường như bỏ trốn do lo sợ thế lực nào đó của ông Phong”, ông Dũng nói.
Trả lời câu hỏi của P.V Báo Bình Dương, Thiếu tá Hồ Văn Dũng cho biết, nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Sơn Bồ Rót ở hồ Cần Nôm do bỏ trốn, Cơ quan CSĐT đang tiếp tục phối hợp cùng Công an tỉnh Bình Dương điều tra, làm rõ. Trả lời câu hỏi của P.V về việc xuất hiện hàng loạt tờ rơi, bài báo lên tiếng bênh vực chủ cơ sở ngược đãi lao động gây hoang mang, bức xúc trong dư luận, Thiếu tá Hồ Văn Dũng cho biết, sẽ tiến hành điều tra làm rõ động cơ của tác giả, người phát tán những bài viết này.
Cơ quan điều tra đang lấy lời khai Trần Tấn Phong |
Trước đó, sau khi báo Bình Dương vào cuộc phanh phui sự việc với loạt bài điều tra về sự ngược đãi lao động tại cơ sở heo hút cạnh hồ Cần Nôm, ấp Cà Tong, Thanh An, Dầu Tiếng dẫn đến cái chết tức tưởi của CN Sơn Bồ Rót (25 tuổi, ngụ Sóc Trăng), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Cung đã có công văn chỉ đạo, giao Công an tỉnh, UBND huyện Dầu Tiếng khẩn trương điều tra, làm rõ các sai phạm của cơ sở gỗ Trần Tấn Phong. Công văn cũng yêu cầu UBND huyện Dầu Tiếng cần làm rõ trách nhiệm của Đảng ủy, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể xã Thanh An trong công tác quản lý Nhà nước tại địa phương; đồng thời kiến nghị việc xử lý đối với các cá nhân, đơn vị liên quan.
Tối cùng ngày, sau khi hay tin ông chủ cơ sở ngược đãi lao động Trần Tấn Phong bị bắt giữ, người dân hai ấp Thanh Tân và Cà Tong, xã Thanh An rất phấn khởi, vui mừng, hoan nghênh tinh thần khẩn trương làm việc của cơ quan chức năng. Họ luôn tin tưởng tuyệt đối vào công lý, tin tưởng chính quyền huyện Dầu Tiếng đã và đang quyết liệt làm sáng tỏ những hành vi vi phạm pháp luật tại cơ sở này.
Theo Nhóm P.V (Bình Dương Online)