Thử bom khinh khí và thông điệp của Triều Tiên

(PLO) - Sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Triều Tiên, ngày 7/1, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, trong đó nhấn mạnh Bắc Kinh không thể phớt lờ những động thái của Bình Nhưỡng.
Ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom H (hay còn gọi là bom nhiệt hạch)
Ngày 6/1, Triều Tiên tuyên bố thử nghiệm thành công bom H (hay còn gọi là bom nhiệt hạch)
Cùng ngày, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho hay trong vài ngày tới, cơ quan này sẽ bỏ phiếu về dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Ngoại trưởng Kerry cho biết, trong cuộc điện đàm ông nói rõ cách tiếp cận của Trung Quốc với Triều Tiên đã không thành công. Phát biểu với báo giới, ông cho rằng Trung Quốc đã có cách tiếp cận đặc biệt trong vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng nhưng không hiệu quả và phía Mỹ không thể “để mặc” tình hình này. 
Mỹ - Trung phối hợp
Ông Kery còn cho biết, ông và Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng đã nhất trí phối hợp để quyết định những biện pháp có thể được đưa ra đối với Triều Tiên trong bối cảnh mối lo ngại ngày càng gia tăng về vụ thử hạt nhân. Nhà Trắng cùng ngày ra tuyên bố khẳng định Mỹ muốn hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc để có phản ứng phù hợp nhất với vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. 
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết đang tiếp tục phối hợp với Hàn Quốc để cân nhắc các phương án đáp trả vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng, đồng thời tái khẳng định cam kết của Washington đối với an ninh của Seoul. 
Trong khi đó, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Bắc Kinh trong việc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và bảo vệ hòa bình cũng như sự ổn định tại bán đảo Triều Tiên. Theo ông Vương Nghị, Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với các bên liên quan, trong đó có Mỹ. 
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Paul Ryan cho hay trong vài ngày tới, cơ quan này sẽ bỏ phiếu về dự luật mở rộng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Ông Ryan không công bố thời điểm tiến hành bỏ phiếu về dự luật, vốn bị trì hoãn từ tháng 2/2015, song một nguồn tin quốc hội nói rằng phiên bỏ phiếu sẽ diễn ra sớm nhất vào ngày 11/1. 
Những câu hỏi được đặt ra
John Nilsson-Wright, người đứng đầu Chương trình châu Á của Chatham House, có bài phân tích sâu về vụ việc “nóng nhất” trên bán đảo Triều Tiên. 
Trả lời câu hỏi “Động cơ của Triều Tiên là gì”, bài báo cho rằng ban lãnh đạo ở Triều Tiên đang cố gắng làm hai việc. Thứ nhất, tăng cường quyền lực của ông Kim Jong-un bằng cách chứng minh rằng Bình Nhưỡng đang tiến tới mục tiêu của mình là tăng cường khả năng quân sự, đặc biệt trong lĩnh vực hạt nhân. 
Từ những năm 1960, các nhà lãnh đạo kế tiếp của Triều Tiên đã tìm cách phát triển một chương trình vũ khí hạt nhân có hiệu quả, như một “phương tiện” để nhấn mạnh quyền tự chủ về chính trị và chiến lược, đồng thời tăng cường uy tín cá nhân của các nhà lãnh đạo. Vụ thử nghiệm bom H được tiến hành chỉ vài ngày trước sinh nhật của ông Kim Jong-un.
Thứ hai, kích thích sự chú ý của quốc tế qua việc hướng sự chú ý ngoại giao quay trở lại Triều Tiên, buộc cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Mỹ, phải đàm phán với Triều Tiên. 
Chính phủ Bình Nhưỡng hy vọng thông qua các cuộc đàm phán sẽ dẫn tới một hiệp ước hoà bình chính thức kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên, có được sự công nhận ngoại giao của Washington, một biện pháp hội nhập nào đó với nền kinh tế toàn cầu và nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế. 
Tuy nhiên, theo John Nilsson-Wright, còn quá sớm để có thể nói rằng đã diễn ra một thử nghiệm bom H thực sự. Tin tức ban đầu về các địa chấn quanh nơi thử nghiệm được giả định tại vùng Đông Bắc gợi ý rằng đó là một thử nghiệm bom 6 kiloton, tương đương với vụ thử nghiệm lần gần đây nhất của Triều Tiên vào tháng 2/2013. 
“Một trái bom H thực thụ có nhiều khả năng sẽ gây ra một chấn động cao hơn nhiều. Do đó, các chuyên gia kỹ thuật vẫn hoài nghi về tuyên bố của Triều Tiên đã thực hiện thử nghiệm một quả bom hydro hoàn thiện”. 
Một số người đồn đoán rằng, đồng vị hydro có thể đã được sử dụng trong dây chuyền phản ứng hạt nhân, với xác nhận có giới hạn chính thức về đặc tính của bom H, nhưng như vậy chưa phải là một thiết bị thực sự. 
Sẽ mất nhiều thời gian thu thập dữ liệu kỹ thuật đủ để xác định bản chất chính xác của vụ thử nghiệm trên. Đánh giá từ quá trình thu thập dữ liệu từ xa sau thử nghiệm năm 2013, sẽ phải mất hàng tuần, hàng tháng để các khoa học gia quốc tế và các cơ quan giám sát có thể đưa ra một cái nhìn rõ ràng về vụ thử này. 
Việc Triều Tiên từ từ, đều đặn tăng cường khả năng của lực lượng thông thường và hạt nhân của mình sẽ đặt ra mối nguy hiểm chiến lược ngày càng gia tăng tại vùng. Lo lắng lớn nhất là qua vụ thử nghiệm mới nhất, Triều Tiên sẽ có thể thu nhỏ một đầu đạn hạt nhân (một vũ khí hydrogen có sức công phá lớn hơn so với một quả bom nguyên tử) và sau đó gắn lên đầu một tên lửa đạn đạo trên đất liền hay trên tàu ngầm cũng đều có khả năng tấn công các mục tiêu ở Hàn Quốc, Nhật Bản hay bờ biển phía Tây nước Mỹ. 
“Tuy nhiên, hiện có các bằng chứng cho thấy phải vài năm nữa Triều Tiên mới có thể đạt được khả năng như vậy.” - John Nilsson-Wright lập luận.
Bán đảo Triều Tiên căng thẳng
Một ngày sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch, một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết nước này đang yêu cầu Mỹ nhanh chóng triển khai các loại vũ khí chiến lược trên bán đảo Triều Tiên. Mỹ và nhiều chuyên gia về vũ khí đã tỏ ý nghi ngờ về khả năng vụ thử vừa qua sử dụng công nghệ tân tiến như những gì Triều Tiên tuyên bố.
Trong khi đó, nhiều người kêu gọi áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với quốc gia bị cô lập này vì chương trình hạt nhân nguy hiểm mà họ đang theo đuổi. 
Vụ thử cũng khiến Trung Quốc hết sức tức giận bởi tuy là đồng minh thân thiết của Bình Nhưỡng song Bắc Kinh không hề được thông báo về vụ việc này. Trong một cuộc điện đàm, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã nhất trí với Tổng thống Mỹ Barack Obama rằng quốc tế cần tỏ thái độ cương quyết trước hành động vừa qua của Bình Nhưỡng. Ông Obama cũng đã nói chuyện với người đồng cấp tại Hàn Quốc về các phương án đối phó. 
Hàn Quốc, trên thực tế vẫn đang trong tình trạng chiến tranh với Triều Tiên, cho biết sẽ không tiến hành răn đe hạt nhân với nước láng giềng, bất chấp lời kêu gọi của các lãnh đạo đảng cầm quyền Saenuri. Trong khi đó, giới chuyên gia cho rằng Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ không tái triển khai các tên lửa gắn đầu đạn hạt nhân chiến thuật mà họ từng dỡ bỏ khỏi Hàn Quốc năm 1991. 
Anthony Cordesman - chuyên gia chính sách quốc phòng tại Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược, có trụ sở tại Washington - cho rằng Mỹ cũng sẽ hạn chế các phản ứng quá gay gắt về mặt quân sự do lo ngại kích động chính quyền Bình Nhưỡng. Ông nói: “Những phản ứng mạnh tại khu vực này có thể dẫn tới không chỉ một cuộc đối đầu giữa hai miền Nam, Bắc mà còn kéo theo cả Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản vào xung đột”. 
Triều Tiên từng nhiều lần đưa ra những tuyên bố đầy tính khiêu khích nhằm vào Mỹ và các đồng minh châu Á của họ, song chưa từng hiện thực hóa các đe dọa này. Vụ thử hôm 6/1 diễn ra chỉ hai ngày trước sinh nhật của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Bình Nhưỡng gọi loại bom được thử nghiệm vừa qua là “quả bom H của sự công bằng”, song hãng thông tấn chính thức khẳng định Bình Nhưỡng sẽ hành xử như một quốc gia hạt nhân có trách nhiệm, và sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân nếu chủ quyền quốc gia không bị đe dọa.
Sẽ phải mất thêm một thời gian nữa để xác thực các thông tin về vụ thử vừa qua. Một nguồn tin trong chính quyền Mỹ nói rằng Washington cho rằng đây là vụ thử bom nguyên tử mới nhất trong hàng loạt diễn biến trước đó. Quy mô vụ nổ khá giống với các vụ thử trước đây và cũng diễn ra tại cùng một địa điểm. Mỹ từng nhiều lần dự đoán về khả năng Triều Tiên thử nghiệm hạt nhân, nhờ các thông tin tình báo về hoạt động chuẩn bị, chẳng hạn như đào thêm các đường hầm nằm sâu dưới lòng đất trong khu vực này. 
Trong khi đó, hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc đưa tin nước này đã nối lại các buổi phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên dọc theo biên giới giữa hai nước vào trưa qua (8/1), hai ngày sau khi Bình Nhưỡng thông báo đã tiến hành vụ thử hạt nhân.
Yonhap cho biết các chương trình phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên được bắt đầu từ thời điểm trên tại 11 điểm dọc biên giới hai miền có lắp đặt các loa phóng thanh. Yonhap dẫn lời một quan chức quân đội Hàn Quốc nói rằng, hệ thống loa phóng thanh sẽ hoạt động ngẫu nhiên vào ban ngày và ban đêm trong khoảng 2 đến 6 tiếng/ngày. 
Việc Hàn Quốc nối lại chương trình phát thanh tuyên truyền chống Triều Tiên dọc biên giới hai miền được cho là nhằm trả đũa trước tuyên bố ngày 6/1 của Bình Nhưỡng về việc thử thành công bom nhiệt hạch (bom H).
Động thái này đã được quyết định tại cuộc họp ngày 7/1 của Hội đồng An ninh Quốc gia của Hàn Quốc và có thể sẽ làm gia tăng tình trạng căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên. 
Quân đội Hàn Quốc đã thực hiện chiến dịch tuyên truyền tâm lý qua loa phóng thanh như vậy trong nhiều tuần hồi năm ngoái sau khi xảy ra vụ nổ mìn trong khu phi quân sự giữa hai miền làm 2 binh sỹ nước này bị thương. Chiến dịch trên đã được ngừng lại theo thỏa thuận liên Triều ngày 25/8/2015 nhưng lúc đó Hàn Quốc tuyên bố sẽ nối lại hoạt động này khi xảy ra những trường hợp “bất thường”.

Đọc thêm