Hội thảo do Viện Nghiên cứu quốc tế về chống thuốc tân dược giả (IRACM) và Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Nội vụ Pháp đồng tổ chức, khai mạc sáng qua (14/10) tại Hà Nội.
Hội thảo có sự tham dự của đại diện một số nước ASEAN, các chuyên gia thuộc các cơ quan chuyên ngành của Pháp và các tổ chức quốc tế như UNODC và Interpol.
Tướng Hiển cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển nhanh và năng động ở châu Á, thu nhập người dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu chăm sóc sức khỏe được quan tâm, chú trọng.
Trong khi đó, dược phẩm đóng vai trò đặc biệt, có tầm quan trọng sống còn đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe, ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng của con người và là một trong những tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá về mức sống của mỗi quốc gia trên thế giới.
Tuy nhiên, việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, sản xuất, tàng trữ và mua, bán dược phẩm giả, kém chất lượng ngày càng gia tăng về cả quy mô lẫn mức độ. WHO gần đây ước tính, 1/3 các loại thuốc được bán trên toàn thế giới là bất hợp pháp, đe dọa mạng sống của hàng triệu người trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo Tướng Hiển, dự báo thời gian tới, tội phạm sản xuất, buôn bán hàng giả và xâm phạm sở hữu trí tuệ nói chung, trong đó có tội phạm, vi phạm về dược phẩm giả, kém chất lượng tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều thủ đoạn ngày càng tinh vi, các đối tượng phạm tội sử dụng kỹ thuật, công nghệ cao, thiết bị phương tiện hiện đại để phục vụ hoạt động vi phạm, gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng.
Ông Hiển cho hay, hàng năm, lực lượng Công an Việt Nam đã tổ chức phát hiện, xác lập nhiều chuyên án, vụ án để điều tra xử lý các đối tượng, đường dây sản xuất, buôn bán dược phẩm giả, kém chất lượng có quy mô lớn. Kết quả xử lý đã có tác dụng răn đe với các đối tượng vi phạm, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật và cho thấy nỗ lực trong việc thực thi pháp luật và các cam kết của Việt Nam về thực thi quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên...
Đánh giá cao thiện chí và nỗ lực hợp tác của các bên khi tổ chức Hội thảo, Tướng Hiển bày tỏ tin tưởng rằng qua trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm từ chuyên gia quốc tế, cán bộ tham gia Hội thảo của Việt Nam đã thu được nhiều kiến thức mới và hữu ích, cũng như có cơ hội tiếp cận với các phương pháp và kỹ thuật hiện đại của Pháp để qua đó, củng cố thêm kỹ năng chuyên môn đáp ứng tốt hơn yêu cầu công tác của mình.
Hội thảo tại Hà Nội là hoạt động nối tiếp Hội thảo tại Phnom Penh do Campuchia và IRACM tổ chức vào tháng 11/2018.
Diễn ra trong hai ngày, tại hội thảo, các đại biểu đi sâu tìm hiểu rõ hơn về phạm vi hiện tượng thuốc giả trong khu vực, đồng thời đánh giá những khó khăn trong việc đối phó với hiện tượng này, đặc biệt dưới góc độ pháp chế, quy định luật pháp, tư pháp và răn đe. Tại hội thảo, các đại biểu cũng sẽ đưa ra những đề xuất và khuyến nghị chung, cả ở phương diện quốc gia và khu vực, nhằm nâng cao hiệu quả của công cuộc đấu tranh chống thuốc giả.
Chủ tịch IRACM Jean-David Levitte dẫn số liệu thống kê của WHO cho thấy hàng ngàn người hiện là nạn nhân, thậm chí mất nhiều năm tuổi thọ vì sử dụng thuốc giả. “Đáng buồn là khu vực Đông Nam Á là một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi hiện tượng này. Và cần phải gọi được hiện tượng này bằng cái tên thực sự của nó chứ không chỉ làm nhái thuốc như bán sản phẩm nhái của LV. Người mua những sản phẩm nhái như vậy biết được chức năng của sản phẩm đó là gì nhưng một người mẹ nếu mua phải thuốc giả cho con uống có thể cướp đi mạng sống của đứa con. Vì vậy việc sản xuất, buôn bán thuốc giả thực sự là tội ác”, ông Levitte nhấn mạnh.