Thủ đoạn tinh vi cho vay nặng lãi rồi 'cướp' đất?

(PLO) -Hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển quyền sử dụng đất giữa ông Tín và bà Lệ được xác lập từ năm 1997, mục đích ông Tín vay tiền của bà Lê để vào Nam sinh sống (bà Lê cầm giấy CNQSDĐ của ông Tín). Tuy nhiên, hợp đồng được lập, nhưng ông Tín không nhận được tiền từ bà Lê và ông cũng không giao nhà đất cho bà Lê. 
Tòa không chấp nhận đơn kháng cáo, buộc ông Tín phải giao đất cho nguyên đơn
Tòa không chấp nhận đơn kháng cáo, buộc ông Tín phải giao đất cho nguyên đơn

Bà Lê cũng không yêu cầu giao nhà đất cho mình quản lý. Năm 2009, bà Lê âm thầm đi sang tên nhà đất, năm 2014 thì làm “sổ đỏ”. Phải đến khi chính quyền địa phương thông báo thì ông Tín mới ngã ngửa, nhà đất của mình đã thuộc quyền sử dụng của người khác.

Theo đơn khởi kiện của nguyên đơn, năm 1996 ông Trần Trọng Tín (SN 1963, ngụ thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế) vay mượn của bà Nguyễn Thị Lê 2 triệu đồng nhưng sau đó không có khả năng trả nên ông Tín đã tiến hành làm thủ tục chuyển nhượng 200 m2 đất ở thị xã Hương Trà.

Năm 2009, UBND huyện Hương Trà lúc đó đã ký xác nhận việc chuyển nhượng này. Đến năm 2014, UBND thị xã Hương Trà đã cấp giấy CNQDSĐ thửa đất trên cho bà Lê. Tuy nhiên, ông Tín vẫn chiếm dụng bất hợp pháp thửa đất trên từ đó đến nay. Bà Lê khởi kiện, yêu cầu tòa buộc ông Tín phải giao lại thửa đất trên cho bà.

Món tiền 2 triệu biết “sinh nở”? 

Trong khi đó, bị đơn một mực không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Theo ông Tín, năm 1992 ông có vay của bà Lê 2 triệu đồng. Năm 1994, ông được ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Hương Trà cho vay 10 triệu đồng để làm ăn.

Đến hạn trả nợ, do làm ăn thua lỗ, ông không thanh toán được khoản vay nên nhờ bà Lê đến ngân hàng trả nợ thay và lấy giấy CNQSDĐ của ông Tín về cất giữ. Vì còn nợ tiền bà Lê, nên khi bà Lê cất giữ giấy tờ nhà của mình, ông Tín không có ý kiến gì, coi đó là giấy tờ cầm nợ của mình với bà Lê. 

Sau nhiều lần đòi nợ nhưng vì khó khăn, ông Tín không trả được, bà Lê thông báo nếu ông Tín không trả nợ, bà sẽ bán nhà ông Tín. Đến năm 1997, bà Lê yêu cầu ông Tín lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho bà Lê và được chính quyền xác nhận.

Cũng trong năm này, ông Tín bỏ quê, vào Nam làm ăn. Sau trận lụt lịch sử năm 1999, ông trở lại quê hương, tiếp tục với nghề làm gạch. Khi ông Tín sản xuất gạch trở lại, bà Lê buộc ông phải trả 1 triệu đồng cho mỗi lần ra lò gạch. Ông Tín đã trả 12,5 triệu đồng và toàn bộ số gạch xây tầng 2 nhà bà Lê đang ở.

Do trước đây từng bị tai nạn, nên đầu năm 2001, vết thương lại tái phát khiến ông Tín không thể sản xuất gạch được nữa. Trong lúc đó, bà Lê thông báo nếu ông Tín không trả nợ, thì bà sẽ sang tên đổi chủ giấy CNQSDĐ của ông Tín.

Đến năm 2007, vết thương của ông Tín tái phát nặng, cần phải phẫu thuật thay thế khớp háng, chi phí lên đến 150 triệu. Không chạy đâu ra tiền để phẫu thuật, ông Tín đến gặp bà Lê lấy lại giấy CNQSDĐ để mang đi cầm cố vay tiền. Bà Lê yêu cầu ông Tín phải đưa 30 triệu, bà mới trả lại giấy CNQSDĐ.

Lúc này, ông Tín chạy vạy khắp nơi, từ bạn bè đến người thân, nhưng chỉ gom được 20 triệu. Bà Lê không đồng ý nên ông Tín không lấy lại được giấy.Ông Tín cho rằng, việc bà Lê sang tên thửa đất của ông là bất hợp pháp.

Tại phiên sơ thẩm, HĐXX nhận định, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa ông Tín và bà Lê được thực hiện trên cơ sở tự nguyện và hoàn toàn đúng pháp luật. Hoàn toàn không có việc bà Lê tự ý chuyển nhượng đất bất hợp pháp như ông Tín đã nêu. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu của ông Tín. Tòa tuyên buộc ông Tín phải trả lại thửa đất trên cho bà Lê.

Nhiều uẩn khúc

Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Tín kháng cáo bản án. Trong phiên tòa phúc thẩm, cũng như phiên sơ thẩm, nguyên đơn lấy lí do tuổi cao, bệnh tật để không tham gia tố tụng mà ủy quyền lại cho người con dâu đến dự khán.

Có mặt tại tòa từ sớm, vợ chồng bị đơn mặt mày rầu rĩ. Cảm giác ngôi nhà thân thuộc sắp bị lấy mất khiến khuôn mặt ông cứ méo mó, ủ dột. Ông Tín trình bày trước tòa, hồi đó ông và vợ mới li hôn. Gia đình đổ vỡ, chuyện làm ăn thì rơi vào bế tắc, khiến cuộc sống của ông vô cùng bức bối, ngột ngạt.

“Tui với bà Lê chẳng phải họ hàng, bà con, nhưng có qua lại thân thiết. Bà còn nói, tui không vợ không con, cứ ở nhà o (cô – pv) cũng được. Sau này muốn lấy vợ thì lấy, o đi hỏi cưới cho. Tình cảm thân thiết như rứa, tui mô có nghĩ o sẽ lừa tui”. 

Năm đó, thấy ông Tín làm ăn không được, nợ ngân hàng đến hạn cũng không thể trả, nên mới mở lời giúp. “Bà nói với tui, “con làm ăn không được, viết mấy chữ o ra lấy giấy CNQSDĐ về cho”. Tui viết trên trời dưới đất rứa, đến tên tuổi của o cũng không ghi vô, mà o vẫn lấy được giấy từ ngân hàng về”. 

Tòa hỏi bị đơn: “Anh có làm hợp đồng chuyển nhượng đất cho bà Lê không?”. “Dạ có. Hồi đó bà nói tui làm chi thì tui làm nấy”. Tòa: “Giả sử anh không làm theo thì chuyện gì xảy ra?”. Bị đơn: “Lúc đó tui cần tiền vào Nam làm ăn. Nên bà nói làm gì, tui đều làm theo, để bà đưa tôi tiền đi làm ăn”. “ Có khi nào ông viết đơn yêu cầu hủy thẻ đỏ của bà Lê không?”. “Dạ không”.

Tại phiên tòa, bị đơn tỏ ra ấm ức khi cho biết, ông và nguyên đơn là mối quan hệ chủ nợ và con nợ. Tuy nhiên, trong quá trình tòa thụ lý vụ án, ông không có cơ hội gặp mặt nguyên đơn để đối chất trong các buổi hòa giải. Kể cả phiên sơ thẩm, ông cũng không thể đối chất được với chủ nợ của mình, vì bà này đã ủy quyền cho con dâu tham gia tố tụng thay.

“Sang tên đổi chủ nhà đất của tui, bà cũng phải chốt nợ lại với tui trước đã. Xem tui còn nợ bao nhiêu để tui trả, chứ đâu thể âm thầm đi sang tên thửa đất của tui. Nếu sau này địa chính không thông báo, tui cũng không thể biết đất của mình đã đổi thành tên người khác”, ông Tín bày tỏ.

Cho vay nặng lãi rồi “cướp” đất?

Luật sư bảo vệ quyền lợi của bị đơn cho rằng, hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển quyền sử dụng đất giữa ông Tín và bà Lê, xét về thực chất không phải nhằm mục đích mua bán, mà chỉ nhằm hợp thức hóa việc chiếm giữ giấy CNQSDĐ của bà Lê và ràng buộc trách nhiệm trả nợ của ông Tín.

Theo hợp đồng mua bán, giá trị chuyển nhượng thửa đất là 30 triệu đồng. Nhưng thực tế ông Tín không nhận 30 triệu theo hợp đồng, ông cũng không giao nhà đất cho bà Lê như hợp đồng đã ký. Bà Lê cũng không yêu cầu giao nhà đất, không quản lý sử dụng nhà đất đã được chuyển nhượng. Ông Tín vẫn quản lý, sử dụng và làm nghĩa vụ thuế với nhà nước cho đến năm 2014. 

Cũng theo luật sư, việc nguyên đơn chiếm giữ giấy tờ đất của bị đơn 20 năm, đã gây nhiều khó khăn, trở ngại cho bị đơn trong việc thực hiện quyền lợi, nghĩa vụ của mình theo quy định của luật đất đai.

Việc nguyên đơn sử dụng hợp đồng mua bán nhà ở và chuyển quyền sử dụng đất năm 1997, đến năm 2009 mới sang tên đổi chủ, sau đó làm sổ đỏ vào năm 2014 là không đúng quy định của pháp luật về quản lý nhà ở, đất đai.

Ngoài ra, việc nguyên đơn thu hồi nợ cho vay của mình đối với ông Tín bằng cách xác lập chủ quyền của mình trên thửa đất mà ông Tín đang quản lý và sử dụng là trái pháp luật. Luật sư đề nghị tòa cấp tỉnh hủy bản án sơ thẩm để giải quyết lại vụ án theo thủ tục sơ thẩm.

Tại phiên tòa, luật sư cũng cho rằng, không có việc mua bán, sang nhượng nhà đất. Đó chỉ là mánh khóe của những kẻ cho vay nặng lãi “bẫy” con nợ. Đại diện phía nguyên đơn phản bác, cho rằng mẹ chồng mình không sang tên đổi chủ mảnh đất là muốn để bị đơn có thời gian từ từ trả nợ.

“Luật sư nói mẹ tôi cho vay nặng lãi, nhưng thực ra bà chẳng cầm đồng nào của anh Tín”. Còn bị đơn rầu rĩ: “Bả kêu tui viết gì, ký gì tui cũng làm, là để bà đưa tui tiền vô nam làm ăn. Nhưng cuối cùng bà có đưa đồng nào đâu”.

Khác với mong mỏi của bị đơn, tòa không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn, buộc ông phải giao đất cho nguyên đơn. Nguyên đơn ra về, mặt mày tươi roi rói. Phía bên này, bị đơn như mọc rễ trên ghế, cứ bần thần ngồi mãi không chịu về.

Đọc thêm