Việc ra quyết định thi hành án đối với các khoản thu khác cho Nhà nước được thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS (sửa đổi, bổ sung năm 2014). Đồng thời, khoản 3 Điều 6 Nghị định 62/2015/NĐ-CP giải thích “các khoản thu khác cho Nhà nước” như sau: “Các khoản thu khác cho Nhà nước quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS thuộc diện chủ động ra quyết định thi hành án bao gồm khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước”.
Đây là các quy định nhằm đảm bảo những khoản thu nộp ngân sách nhà nước được thu hồi kịp thời, tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước. Điển hình là một số vụ việc tham nhũng, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế xảy ra những năm gần đây (như vụ của Vinashin, Vinaline…).
Tuy nhiên, hiện nay các loại tội phạm liên quan đến chức vụ quản lý kinh tế, tham nhũng ngày càng nhiều nên không ít vụ án mà Tòa án tuyên buộc cá nhân, tổ chức phải bồi thường cho các DN 100% vốn nhà nước, nhất là các ngân hàng, công ty TNHH một thành viên có đại diện phần vốn góp của Nhà nước. Vậy việc thi hành đối với các khoản bồi thường cho Nhà nước sẽ ra quyết định chủ động hay theo đơn đang có những quan điểm khác nhau, cần có hướng dẫn thống nhất.
Cụ thể, theo điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS và khoản 3 Điều 6 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì với các khoản thu khác – tiền bồi thường cho Nhà nước, cơ quan THADS sẽ chủ động ra quyết định thi hành án, không cần DN - người được thi hành án làm đơn yêu cầu thi hành án. Tuy nhiên, cũng có quan điểm cho rằng trong trường hợp này các DN nhà nước, công ty TNHH một thành viên cho dù có phần vốn góp hoặc 100% vốn của Nhà nước nhưng việc bồi thường theo bản án là bồi thường cho DN.
Hơn nữa, do các DN đều bình đẳng nên để thi hành án thì DN phải có đơn yêu cầu thi hành án và cơ quan THADS chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu thi hành. Có thế mới có thể nâng cao trách nhiệm của người đại diện pháp luật của DN trong việc thu hồi tiền, tài sản trong các vụ án, thuận lợi cho cơ quan thi hành án trong quá trình tổ chức THADS.
Hiện nay, khi số lượng các vụ án liên quan đến trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại đặc biệt nghiêm trọng liên quan trực tiếp đến việc thu hồi tiền, tài sản cho các DN nhà nước hoặc có đại diện vốn góp của Nhà nước ngày càng gia tăng thì đòi hỏi cơ quan thi hành án phải thống nhất ra loại quyết định thi hành án cho phù hợp để đảm bảo thuận lợi cho việc giải quyết thi hành án sau này.
Vì vậy, đại diện Cục THADS TP Đà Nẵng kiến nghị: Đối với các bản án của Tòa án tuyên có thu hồi các khoản tiền, tài sản bồi thường (bao gồm khoản truy thu thuế; khoản viện trợ cho Nhà nước và các khoản bồi thường cho Nhà nước trong các vụ án xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tham nhũng thuộc loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; các khoản thu khác nộp trực tiếp vào ngân sách nhà nước) được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 36 Luật THADS và hướng dẫn tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì trường hợp khi cơ quan THADS thi hành các bản án có hiệu lực pháp luật, buộc cá nhân, tổ chức bồi thường cho DN, ngân hàng có 100% vốn nhà nước hoặc có đại diện phần vốn góp của Nhà nước thì nên ra quyết định thi hành án theo đơn yêu cầu.
Bởi lẽ DN, ngân hàng có 100% vốn nhà nước hoặc có đại diện vốn góp của Nhà nước nhưng cũng thực hiện sản xuất, kinh doanh hạch toán lỗ, lãi bình thường như những tổ chức kinh tế khác. Việc bồi thường theo bản án là bồi thường cho DN và do DN đều bình đẳng nên để thi hành án thì DN phải có đơn yêu cầu thi hành án và cơ quan THADS chỉ ra quyết định thi hành án khi có đơn yêu cầu.
Việc quy định thống nhất trên sẽ góp phần nâng cao trách nhiệm của DN đối với việc thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước. Đồng thời, sẽ giúp cơ quan THADS thuận tiện trong việc phối hợp xác minh, cung cấp điều kiện thi hành án.