Thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế gặp nhiều khó khăn

(PLVN) - Ngày 11/11 tại TP.HCM, Tổng Cục Thi hành án dân sự (THADS), Bộ Tư pháp phối hợp với Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp quốc (UNODC) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự tham nhũng, kinh tế.
Ông Võ Quang Huy- Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM cho rằng còn nhiều bất cập trong công tác thu hồi tài sản tại các vụ án kinh tế, tham nhũng
Ông Võ Quang Huy- Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM cho rằng còn nhiều bất cập trong công tác thu hồi tài sản tại các vụ án kinh tế, tham nhũng

Quyết liệt thu hồi tài sản từ những vụ án kinh tế, tham nhũng

Tại Việt Nam, tổ chức thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế được xác định là một nhiệm vụ quan trọng trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay. Việc không thu hồi được tài sản trong các vụ án tham nhũng sẽ làm hạn chế hiệu quả hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tham nhũng, tạo tâm lý coi thường pháp luật, khiến cho dư luận bất bình. Chính vì vậy, đấu tranh phòng chống tham nhũng có hiệu quả không chỉ là khẩu hiệu mà trở thành quyết tâm chính trị của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đưa ra nhiều chủ trương và giải pháp quyết liệt, trực tiếp về vấn đề này. Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 xác định: “Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, bảo đảm đúng pháp luật. Thực hiện quyết liệt nghiêm minh có hiệu quả cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng”.

Để tăng cường hiệu quả công tác thu hồi tài sản, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 04-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế. Chỉ thị giao Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS thực hiện hai nhiệm vụ nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng.

Trong những năm qua, các cơ quan tố tụng nói chung và cơ quan THADS nói riêng đã thu hồi được một tỉ lệ không nhỏ tài sản trong các vụ án hình sự, nhất là trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Giai đoạn 2013-2019, các cơ quan THADS đã thu hồi được trên 31,7 nghìn tỷ đồng. Năm 2020, thu hồi được trên 15 nghìn tỷ đồng. Năm 2022 đã thi hành xong gần 1,9 nghìn việc, thu được gần 16 nghìn tỷ đồng từ các vụ án kinh tế, tham nhũng, tăng gần 12 nghìn tỷ đồng, tương đương tăng 290% về tiền so với năm 2021.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn vừa qua cũng cho thấy một số vướng mắc, bất cập trong các quy định pháp luật hiện hành về thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Rất nhiều bất cập

Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu lên những vấn đề còn bất cập trong quá trình thu hồi tài sản từ những vụ án này. Ông Võ Quang Huy, Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM đặt vấn đề, liệu có nên có biện pháp để kê biên tài sản của những đối tượng trong các vụ án này ngay từ giai đoạn phát giác hoặc có đơn tố giác tội phạm nhằm ngăn chặn việc tẩu tán tài sản? Nếu kê biên, ngăn chặn trong giai đoạn chưa khởi tố vụ án thì ai sẽ làm việc này, nếu lỡ kê biên tài sản nhưng sau này xác định những tài sản đó không nằm trong vụ án thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm...

Đại biểu Trần Anh Dũng - đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân Cấp cao tại TP.HCM cho rằng, hiện nay vẫn còn tình trạng có sự nhận thức chưa thống nhất về mặt pháp luật ngay trong cùng một vụ việc. Ví dụ cùng vụ việc đó khi giao cho thanh tra vào cuộc nhưng phía thanh tra cho rằng không vi phạm pháp luật, nhưng sau đó cơ quan điều tra vào cuộc thì phát hiện có dấu hiệu phạm tội. Có khi cùng một vụ án nhưng cấp sơ thẩm xử khác, phúc thẩm xử khác, giám đốc thẩm, tái thẩm lại xử khác... Chính sự thiếu thống nhất trong nhận thức pháp luật đôi khi dẫn đến nhiều tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng khó hoặc không thu hồi được.

Số tài sản trong vụ án Huyền Như mới thu được 2,8% trên tổng số khoảng 15 nghìn tỷ đồng

Số tài sản trong vụ án Huyền Như mới thu được 2,8% trên tổng số khoảng 15 nghìn tỷ đồng

Đại diện Cục THADS TP.HCM - nơi chiếm 90% số tiền phải thi hành về án kinh tế, tham nhũng của cả nước cho biết, năm 2022 tổng số việc thụ lý đối với án kinh tế, tham nhũng tại Cục là 230 việc với tổng số tiền gần 69 nghìn tỷ đồng, trong đó số tiền có điều kiện thi hành là gần 40 nghìn tỷ và đã thi hành xong hơn 14 nghìn tỷ đồng. Việc thi hành đạt kết quả chưa cao có nhiều nguyên nhân như: do các đối tượng tẩu tán tài sản, thất thoát tài sản trong quá trình phạm tội... Tiêu biểu như vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, nghĩa vụ thi hành án của bà Nguyễn Thị Lành là hơn 9 nghìn tỷ đồng, nhưng qua xác minh tài sản của bà Lành chỉ còn hơn 10 tỷ đồng. Số tiền hơn 9 nghìn tỷ còn lại không thu hồi được vì bà Lành không còn tài sản. Hay như nghĩa vụ của bà Nguyễn Thiên Lý trong vụ án này là gần 1,3 nghìn tỷ đồng, nhưng tài sản của bà này chỉ còn hơn 200 tỷ đồng, do vậy hơn 1 nghìn tỷ còn lại cũng không thu hồi được vì không còn tài sản... Hiện nay vụ án Huyền Như mới chỉ thi hành được 2,8% trên tổng số tiền thiệt hại của vụ án.

Một số đại biểu cho rằng, những người thi hành án phần lớn là bị án đang phải chấp hành hình phạt tù, không có tài sản để thi hành án hoặc tài sản không đủ để thi hành án. Một số tài sản được kê biên trong quá trình điều tra không rõ ràng về giấy tờ pháp lý, địa điểm. Một số tài sản trong quá trình phát mãi đã phát sinh nhiều vướng mắc, tranh chấp do có sự chồng lấn lên tài sản của người khác hay hiện trạng, diện tích có sự lệch nhau trong giai đoạn điều tra và giai đoạn thi hành án...

Từ đó, các đại biểu cho rằng, pháp luật cần được sửa đổi bổ sung để hoàn thiện hơn, thống nhất hơn, đồng bộ hơn. Bên cạnh đó, sự phối hợp chặt chẽ, thường xuyên giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với cơ quan thi hành án là điều hết sức cần thiết để tránh trường hợp mạnh ai nấy làm dẫn đến tòa ra bản án, nhưng cơ quan thi hành án lại không thể thi hành được...

Đọc thêm