Lợi ích thu được chưa mang tính đột phá
Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh đánh giá, các FTA ta đã tham gia cho tới nay về cơ bản là với các nước có cơ cấu kinh tế tương đối giống ta. Cơ cấu xuất khẩu của nước ta khá tương đồng, thậm chí là cạnh tranh với ta như Ấn Độ, ASEAN, Trung Quốc... nên lợi ích thu được từ các FTA chưa mang tính đột phá.
Một số mặt hàng nông sản của Việt Nam cũng có sức cạnh tranh chưa cao do sản xuất nghiêng về số lượng, thị trường đối mặt với nhiều rủi ro. Một số doanh nghiệp không đảm bảo được chất lượng theo tiêu chuẩn của các nước đối tác. Trên 80% nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, kim ngạch còn thấp do giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác.
Các doanh nghiệp của ta nhìn chung cũng còn gặp nhiều hạn chế trong việc tham gia các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, chuyển dịch cơ cấu hàng xuất khẩu còn chậm, tỷ lệ tận dụng ưu đãi chưa cao. Mặc dù kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng nhưng sự phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn rõ nét.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, các doanh nghiệp Việt Nam bộc lộ nhiều yếu kém cần cải thiện như quy mô nhỏ, phân tán, công nghệ sản xuất lạc hậu, năng lực quản lý, kinh doanh còn hạn chế, sức cạnh tranh kém so với các đối thủ quốc tế. Ngoài ra, tâm lý sử dụng hàng ngoại của người Việt cũng là một yếu tố khiến sản phẩm trong nước khó cạnh tranh và giảm quy mô sản xuất.
Tại phiên làm việc chiều 22/7, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc thực hiện cơ chế giải quyết tranh chấp theo các FTA đặt ra những thách thức lớn hơn trong việc xây dựng và thực thi pháp luật, phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả tranh chấp, vướng mắc với nhà đầu tư.
Do đó, để kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật để bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ, công bằng, minh bạch, không phân biệt đối xử; nâng cao hiệu quả công tác thi hành pháp luật và giám sát thi hành pháp luật để đảm bảo pháp luật được thực hiện đúng về nội dung, về trình tự thủ tục và về thời hạn nhằm hạn chế tranh chấp phát sinh với nhà đầu tư nước ngoài; nâng cao hiệu quả công tác hỗ trợ sau đầu tư, giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư, tránh phát sinh thành mâu thuẫn, tranh chấp giữa nhà đầu tư và cơ quan nhà nước; nâng cao hiệu quả hoạt động giải quyết tranh chấp tại trọng tài, tòa án và hoạt động thi hành phán quyết trọng tài; tiếp tục hoàn thiện cơ chế cảnh báo sớm để phòng ngừa tranh chấp đầu tư.
Làm rõ trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cần làm rõ trách nhiệm trong việc chậm ban hành các văn bản so với kế hoạch vì có văn bản chậm đến 5-6 tháng; thậm chí là 11 tháng. Việc ban hành văn bản là hành lang pháp lý hết sức quan trọng để triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do mà nếu thiếu sẽ gây khó khăn cho thực hiện, còn nếu như không sửa thì sẽ phải đối mặt với việc bị kiện không thực hiện các cam kết.
Còn Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của QH Hoàng Văn Cường đánh giá, thời gian qua, việc thu hút đầu tư nước ngoài đúng là được nhiều nhưng đã đạt được mục tiêu làm thay đổi những vấn đề phát triển trong nước, tăng được năng lực nội tại hay không là vấn đề cần xem xét.
Ông Cường cho rằng: “Cái yếu của chúng ta là chưa đưa ra được các công cụ, biện pháp để bảo vệ chính chúng ta nhằm sàng lọc các nhà đầu tư, bảo vệ, hoặc lựa chọn hàng hóa, vật tư, sản phẩm đưa vào. Các FTA đều nói loại bỏ rào cản phi thuế quan, nhưng thực ra không nước nào loại bỏ, cố gắng tăng lên. Như vậy, chúng ta không có hệ thống luật pháp về việc này, chúng ta đang bỏ trống. Tôi cho rằng có lẽ đấy là điểm cần suy nghĩ trong việc chậm ban hành luật pháp ảnh hưởng đến thu hút đầu tư”.
Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Công Thương tập trung xây dựng các Nghị định chưa ban hành như Nghị định về những vấn đề liên quan đến giải quyết cạnh tranh; liên quan đến vấn đề hàng tân trang; liên quan đến xác minh, xuất xứ hàng hóa bởi đây là những nghị định ảnh hưởng lớn việc tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên.
Bà Lê Thị Yến - Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội – chỉ ra rằng, trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trừ quy định về giải quyết các tranh chấp đầu tư theo Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU đã được QH ban hành nghị quyết riêng để thực hiện cam kết về đầu tư của Việt Nam tại các FTA đã đảm bảo phù hợp với chính sách pháp luật của Việt Nam nên đều được áp dụng trực tiếp mà không đòi hỏi phải sửa đổi, ban hành văn bản pháp luật.
Tuy nhiên, trong báo cáo của VCCI có kiến nghị hiện các cam kết mở cửa thị trường đầu tư trong CPTPP được liệt kê trong nhóm cam kết được áp dụng trực tiếp nhưng trên thực tế các cam kết này rất phức tạp và hầu như không thể có cách hiểu thống nhất và có thể áp dụng ngay. Đây cũng chính là nguy cơ phát sinh tranh chấp đầu tư quốc tế nên VCCI kiến nghị Chính phủ phải ban hành văn bản hướng dẫn về các cam kết mở cửa dịch vụ vào đầu tư CPTPP.
Ủy viên Ủy ban Kinh tế của QH Trần Hoàng Ngân cho rằng, “Làm sao tạo được những hàng rào để sàng lọc được các nhà đầu tư vì hiện nay chúng ta nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài nên cần làm sao xây dựng được các tiêu chí về suất đầu tư hay tiêu chí công nghệ, môi trường, giá trị gia tăng hoặc khả năng liên kết… Bộ đã có sự chuẩn bị để ban hành các tiêu chí này hay chưa để từ đó chúng ta sớm có rào cản cho công nghệ lạc hậu có thể vào Việt Nam thời gian tới?”.