Thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo: Không làm theo phong trào

(PLVN) - Khẳng định tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) và cần có chính sách khuyến khích nhà đầu tư (NĐT) có năng lực phát triển NLTT, tuy nhiên ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế TW lưu ý không làm theo phong trào và tránh xảy ra tình trạng xếp hàng đợi ưu đãi…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tiềm năng

Thông tin tại Tọa đàm “Góp ý cơ chế, chính sách phát triển NLTT” do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 29/10, ông Đỗ Đức Quân, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và NLTT, Bộ Công Thương cho biết, trong khoảng thời gian chưa đầy 2 năm, số lượng dự án điện mặt trời (ĐMT) đưa vào vận hành đã tăng lên tới 100 dự án với tổng công suất  lên tới 5.829 MW, đạt gần 9% tổng công suất đặt hệ thống.

Hiện đã có khoảng 187 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất khoảng 11.687 MW và 137 dự án nhà máy ĐMT với tổng công suất 13.618 MW đã được bổ sung quy hoạch. Khoảng 312 dự án/78.035 MW các dự án điện gió và 331 dự án /36.581 MW các dự án ĐMT hiện đang được các địa phương tiếp tục đề xuất phát triển.

Ngoài ra, các loại hình NLTT còn lại (điện sinh khối, điện rác...), mặc dù có tiềm năng khá lớn nhưng chưa thực sự phát triển tương xứng với tiềm năng. Để phát huy tối đa tiềm năng NLTT của đất nước, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên năng lượng, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao năng lực của các ngành công nghiệp chế tạo, dịch vụ phụ trợ ngành năng lượng và theo định hướng trên, tỷ lệ nguồn NLTT vào các năm 2030 và 2045 dự kiến đạt lần lượt khoảng 30% và 43% tổng điện năng sản xuất toàn quốc.

“Tuy nhiên, để tiếp tục thu hút được các NĐT, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia phát triển NLTT, vẫn cần có những cam kết mạnh mẽ, những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư bền vững và dài hạn cho lĩnh vực này từ Chính phủ nhằm tạo sự tin tưởng từ các NĐT”- ông Quân nhấn mạnh.

Sớm hoàn thiện cơ chế chính sách

Theo Chủ tịch HĐQT Tập đoàn HBRE, ông Hồ Tá Tín, tỷ lệ dự án NLTT đến nay đi vào vận hành chỉ đạt khoảng 32% đối với ĐMT và chỉ khoảng 3,8% đối với dự án điện gió trên tổng số dự án được bổ sung quy hoạch. Điều này nói lên thực trạng triển khai dự án NLTT trên thực tế không phải dễ dàng và hầu hết các dự án hiện nay chỉ nằm trên giấy, nguy cơ xảy ra quy hoạch “treo” là hiện hữu nếu không có giải pháp kịp thời và hữu hiệu.

“Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị thực sự là một đột phá và nó đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt của ngành năng lượng. Theo ghi nhận của tôi, Nghị quyết đã thực sự khiến cả xã hội bừng sáng, đặc biệt là ở khu vực DN tư nhân…”- ông Phan Văn Quý, Chủ tịch Tập đoàn Thái Bình Dương phát biểu.

Tuy nhiên, DN này thẳng thắn khi cho rằng, hầu hết các DN Việt Nam đang gặp phải khó khăn trong việc đầu tư dự án NLTT khi phải mua hoàn toàn trang thiết bị ở nước ngoài. “Thực tế, sau ngày 30/10/2021, các DN tư nhân chúng tôi không biết nên trả lời cũng như triển khai các kế hoạch mới như thế nào. Trong dự án gần đây, chúng tôi đã phải chấp nhận thêm 5% chi phí từ nhà cung cấp nước ngoài, do kế hoạch ban đầu có hạn chốt là ngày 17/7/2021 và chúng tôi đã bắt buộc phải đẩy lùi kế hoạch thêm 3 tháng. Tôi hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ có một lộ trình hợp lý, từ dài hạn đến trung hạn, thấp hạn, qua đó giúp các NĐT có thể chủ động được…”- DN này đề nghị.

Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, bên cạnh vốn, thách thức, khó khăn hiện nay là hệ thống pháp lý chưa hoàn chỉnh, quy hoạch điện VIII chuẩn bị ban hành nhưng thực tế cho thấy đã khá chậm. Luật PPP được xem là nền tảng quan trọng đẩy nhanh phát triển NLTT nhưng phải đến 1/1/2021 mới có hiệu lực… “Cơ chế chính sách ban hành chậm, thời gian kéo dài ngắn 1-2 năm không đủ để DN xoay xở. Thiết nghĩ cần có chính sách cho từng loại NLTT khác nhau, phân ra các loại như NLTT mặt trời, NLTT gió onshore, NLTT offshore…”- Chuyên gia này đề nghị.

Ưu đãi nhưng không phải xin - cho

Phân tích những hạn chế của các dự án năng lượng truyền thống, GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (VAFIE), cho rằng giai đoạn đầu cần có chính sách ưu tiên đủ dài cho các NĐT NLTT. Ông cũng nhấn mạnh, hầu hết dự án NLTT đã và đang triển khai là đầu tư tư nhân nhưng quy trình cấp phép đầu tư, phát triển, xây dựng, vận hành dự án khá phức tạp, tốn nhiều thời gian và chi phí của NĐT, trong đó thủ tục cấp đất, giải phóng mặt bằng thường tốn nhiều thời gian nhất…

Đồng tình với ý kiến của Chủ tịch VAFIE về việc cần lưu ý yếu tố an ninh quốc gia trong quá trình phát triển các dự án năng lượng, trong đó có NLTT khi lựa chọn NĐT nước ngoài, ông Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướngnhấn mạnh: “Giá FIT là để nhà nước bằng mọi cách ưu tiên cho DN Việt nhưng hiện nay lại có hiện tượng có DN xin cấp phép xong, được bổ sung vào quy hoạch lại bán dự án cho NĐT nước ngoài…”.

Tại Tọa đàm, ông Nguyễn Đức Hiển, Phó trưởng ban Kinh tế TW khẳng định Nghị quyết 55 khuyến khích tư nhân tham gia cả truyền tải điện quốc gia và gần đây có dự án đã làm 17 km đường dây truyền tải trong 102 ngày. “Tuy nhiên, cần làm sao từ thí điểm đó biến thành cơ chế, chính sách để khuyến khích tư nhân tham gia truyền tải điện gắn với NLTT? Làm sao tăng trách nhiệm của các địa phương khi nhiều dự án là quy hoạch giữ đất, giữ chỗ trong khi các NĐT có năng lực lại không thực hiện được? “- Ông Hiển trăn trở.

Về cơ chế về giá FIT, ông Hiển cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến: Một là gia hạn ưu đãi giá FIT điện gió kéo dài năm 2023, ngoài khơi là năm 2035. Nhưng cũng có ý kiến là phải cạnh tranh, không thể cứ ưu đãi để khuyến khích giữ chỗ, xin cho.

Ngoài ra, muốn phát triển điện gió, ĐMT cũng cần đặt thêm các ưu tiên khác thay vì chỉ về giá, như thời gian, chính sách thuế, tín dụng. Ưu đãi cũng phải là dự án công suất lớn, vận hành hiệu quả…

Phó trưởng ban Kinh tế TW cũng cho biết, hiện có DN khẳng định có thể sản xuất được lượng lớn thiết bị cho các dự án điện gió, nhưng chưa cụ thể chính sách ưu đãi. Nghị quyết 55 nhấn mạnh là ưu tiên nhưng chưa được thể chế hoá. Nghị quyết cũng nêu rõ tập trung làm một số trung tâm có năng lực về NLTT không thể dàn trải, cào bằng..

 “Do đó, một mặt khuyến khích NĐT có năng lực, nhưng không làm phong trào, để tránh xảy ra tình trạng xếp hàng đợi ưu đãi. Ngoài ra, hệ thống tiêu chí NĐT để được hưởng  rất quan trọng, đó là những DN có năng lực như về vốn, công nghệ… Ưu đãi không phải là xin cho mà tư duy “cho người chiến thắng”…”- ông Hiển nhấn mạnh.

Đọc thêm