Thu hút đầu tư tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều khởi sắc

(PLVN) - Trong 8 tháng đầu năm, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thu hút được 119 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) mới, với tổng vốn hơn 4,487 tỷ USD. Nếu tính cả vốn tăng thêm, vốn góp và mua cổ phần thì toàn vùng thu hút thêm gần 4,99 tỷ USD.

Việt Nam đang có nhiều cơ hội đón “sóng” FDI từ các quốc gia trên thế giới. Ðây cũng là cơ hội để các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL tăng thu hút FDI vào những ngành có thế mạnh như: Nông nghiệp, chế biến, năng lượng sạch. Tính đến nay, vùng ĐBSCL có 1.781 dự án FDI còn hiệu lực.

Trong đó, tỉnh Long An dẫn đầu về thu hút FDI, với 1.122 dự án, vốn đăng ký hơn 8,31 tỷ USD; tiếp đến là Kiên Giang với hơn 4,8 tỷ USD. Bạc Liêu đứng thứ ba với hơn 4,55 tỷ USD nhờ dự án đầu tư mới vào ngành năng lượng có số vốn khủng 4 tỷ USD do Công ty Delta Offshore Energy Pte, Ltd (Singapore) làm chủ đầu tư.

Đây cũng là dự án FDI lớn nhất ở ĐBSCL từ trước tới nay, mở ra cơ hội để Bạc Liêu nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung phát triển, góp phần ổn định năng lượng cho giai đoạn 2020 - 2030 và những năm tiếp theo.

Thi công trụ điện gió ở Bạc Liêu
Thi công trụ điện gió ở Bạc Liêu 
Theo đó, tỉnh Bạc Liêu đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư cho 25 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký trên 17.710 tỷ đồng (tăng 12 dự án và tăng gấp 8 lần về vốn so với cùng kỳ).
Lãnh đạo UBND tỉnh Bạc Liêu nhấn mạnh: Đây là dự án trọng điểm của tỉnh, có vai trò tạo động lực để chuyển đổi cơ cấu kinh tế. Dự án tạo thêm hàng ngàn việc làm trực tiếp và gián tiếp, cùng hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế các loại khi nhà máy đi vào vận hành, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng của địa phương.

Tại Long An, trong tháng 10/2020, tỉnh đã cấp giấy chứng nhận cho 3 dự án với vốn đăng ký 17,24 triệu USD; 10 dự án tăng vốn đầu tư 45,86 triệu USD. Tính từ đầu năm đến nay, Long An đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 67 dự án FDI, với số vốn đăng ký 264,14 triệu USD. Các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; công nghiệp hỗ trợ; sản xuất trang thiết bị y tế; sản xuất linh kiện điện tử; gia công, lắp ráp hàng tiêu dùng; kho bãi và dịch vụ logistics… được các doanh nghiệp đầu tư nhiều nhất.

Các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu sản phẩm thế mạnh của các tỉnh ĐBSCL.
 Các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu sản phẩm thế mạnh của các tỉnh   ĐBSCL.

Với quan điểm đầu tư là phát triển đồng bộ 2 vùng công nghiệp đã được quy hoạch tại huyện Tân Phước và khu vực Gò Công, Tiền Giang nỗ lực đến năm 2021 thu hút hơn 40 dự án, với tổng vốn đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.

Theo hướng này, Tiền Giang đẩy mạnh phát triển các dự án đô thị theo chương trình phát triển nhà ở được phê duyệt, kết hợp với công trình thương mại, dịch vụ tại các đô thị lớn của tỉnh; ưu tiên các dự án hạ tầng du lịch, khai thác lợi thế về du lịch ven sông Tiền; tập trung nguồn lực và quỹ đất sạch phát triển các dự án chế biến nông sản, nông nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến.

Trong chiến lược thu hút FDI, phần lớn các địa phương trong vùng ĐBSCL đều đặt mục tiêu nâng cao chất lượng vốn đầu tư. Nếu như trước đây, thu hút đầu tư trọng tâm để lấp đầy các khu công nghiệp đã quy hoạch thì nay tư duy mời gọi đầu tư của ÐBSCL đã khác. Các địa phương có chiến lược thu hút đầu tư cụ thể, nâng cao chất lượng dự án, tập trung thu hút các dự án khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có của từng địa phương, của vùng trong phát triển kinh tế.

Đọc thêm