Thưa ông, đến thời điểm hiện nay, thu NSNN đã đạt kết quả như thế nào?
- Tổng thu NSNN luỹ kế 10 tháng đạt xấp xỉ 85% dự toán, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2017, ước cả năm vượt 3% so dự toán, trong đó cả thu nội địa, thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đều vượt dự toán.
Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội, đánh giá tổng thu NS năm 2018 vượt dự toán 3%; tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 24,5% GDP, trong đó huy động từ thuế, phí đạt 20,7% GDP. Đây là kết quả tích cực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế đánh giá đạt trên 6,7% (mục tiêu là 6,7%), tiếp tục cắt giảm sâu thuế quan theo các cam kết hội nhập...
Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành, địa phương quyết liệt phấn đấu thu cao hơn mức ước thực hiện nêu trên, giảm tối thiểu số địa phương hụt thu, trong đó có cả những địa phương là những trọng điểm tăng trưởng kinh tế - đồng thời cũng là trọng điểm thu, có đóng góp lớn cho NSNN nói chung và NSTW nói riêng.
Có thể đánh giá là kết quả thu NSNN năm nay ước vượt dự toán. Vậy từ nay đến cuối năm, có khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
- Mặc dù dự toán thu NSNN năm nay vượt 3% dự toán nhưng xét ở các góc độ khác nhau, vẫn có những thách thức nhất định đối với thu NSNN.
Thứ nhất, thu từ 3 khu vực trọng điểm không đạt dự toán. Nguyên nhân chủ yếu do dự toán năm 2018 tính cao: khu vực DNNN tăng 13,1% so với năm 2017; khu vực FDI tăng 30,1%; khu vực kinh tế ngoài quốc doanh tăng 20,4%.
Bên cạnh đó còn do nền ước thu năm 2017 để tính dự toán thu năm 2018 cao. Thực tế thực hiện, thu năm 2017 từ 3 khu vực này thấp hơn trên 34 nghìn tỷ đồng so với nền ước tại thời điểm tính dự toán năm 2018. Một lý do nữa là hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của một số ngành có số nộp NS lớn chưa đạt tốc độ tăng trưởng như kỳ vọng; chẳng hạn ngành viễn thông (thuế thu nhập doanh nghiệp 9 tháng đạt khoảng 59%) ngành thuốc lá (thu 9 tháng ước đạt 70,6%), bia rượu (khoảng 69,5%);...
Thứ hai, thu NS của một số địa phương trọng điểm cũng chưa đạt dự toán. Theo báo cáo của các địa phương thời điểm tổng hợp dự toán, một số địa phương hụt thu so với dự toán.
Lý do là các địa phương trọng điểm thu, cũng là các khu vực trọng điểm về kinh tế, có quy mô kinh tế lớn, công nghiệp và dịch vụ tăng trưởng khá, có nhiều dư địa về thu ngân sách,... Do vậy, khi xây dựng dự toán thu, Chính phủ thường giao cho các địa phương này ở mức phấn đấu cao hơn mức bình quân chung, trên cơ sở yêu cầu bám sát điều kiện phát triển kinh tế trên địa bàn và đẩy mạnh công tác quản lý thu, chống thất thu, xử lý thu hồi nợ thuế,..
Chẳng hạn, dự toán thu nội địa năm 2018, trong khi dự toán thu nội địa từ SXKD của cả nước tăng 13%, thì dự toán của nhóm 16 địa phương có điều tiết về TW tính tăng 21,2% so với ước thực hiện năm 2017.
Thứ ba, tình trạng chuyển giá, trốn thuế, nợ thuế còn phức tạp. Thời điểm 31/12/2016, số nợ thuế là 77,3 nghìn tỷ đồng; Thời điểm 31/12/2017, con số này là 73,1 nghìn tỷ đồng; Đến thời điểm 30/9/2018, số nợ thuế xấp xỉ 83 nghìn tỷ đồng (tăng 9,8 nghìn tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2017).
Tuy nhiên, nếu tính theo tỷ trọng số nợ thuế trên tổng thu nội địa thì xu hướng là giảm (thời điểm 31/12/2016 ở mức 8,7%; 31/12/2017 là 7,6% và 30/9/2018 là 7,5%. Nếu loại trừ số nợ thuế của người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự,... (bao gồm cả số nợ gốc và nợ tiền chậm nộp), hiện chiếm khoảng 35% tổng số tiền nợ thuế, thì tỷ lệ nợ thuế khoảng 4,4% tổng thu nội địa, là ngưỡng chấp nhận được theo thông lệ quốc tế (thấp hơn 5%).
Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các địa phương phấn đấu tăng thu, giảm tối đa số địa phương hụt thu; trường hợp địa phương dự kiến hụt thu, phải chủ động sắp xếp, giảm, giãn các nhiệm vụ chi, đồng thời sử dụng các nguồn lực của địa phương để đảm bảo các nhiệm vụ chi, không phải điều chỉnh giảm dự toán. Đồng thời, tăng cường thanh tra, kiểm tra, thu đúng, thu đủ các nguồn thu của NSNN; rà soát số nợ thuế phản ánh đúng thực chất hơn; khẩn trương trình các cấp thẩm quyền việc sửa đổi Luật Quản lý thuế, tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp thuế, song song với việc bao quát các nguồn thu mới, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý thu và đánh giá thực chất số nợ thuế.
Đối với năm 2019, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội việc dự toán số thu sát thực tế hơn. Theo đó, dự toán thu nội địa từ SXKD năm 2019 dự kiến tăng 12,8%, phù hợp với kế hoạch tăng trưởng kinh tế 6,6%-6,8% và lạm phát khoảng 4%. Đối với 16 địa phương có điều tiết về TW, dự toán thu năm 2019 tăng bình quân khoảng 13,1% so ước thực hiện 2018.
Bộ Tài chính sẽ ưu tiên các giải pháp trọng tâm nào để phấn đấu hoàn thành cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm nay, thưa ông?
- Để hoàn thành mức cao nhất nhiệm vụ thu NSNN năm nay, trong thời gian còn lại của năm, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chủ trương chung của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư thông qua việc cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, sửa đổi, bổ sung các chính sách đảm bảo phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, qua đó tạo nguồn thu vững chắc cho NSNN.
Vừa qua Bộ Tài chính đã tổ chức họp trực tuyến với các địa phương để bàn các giải pháp tăng cường công tác thu, chống thất thu, xử lý nợ đọng thuế, nhất là các địa bàn, lĩnh vực trọng điểm thu, các hoạt động kinh doanh qua mạng, nhà hàng, khách sạn, khu vực kinh tế phi chính thức, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI),...
Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Chỉ thị 04/CT-BTC ngày 15/10/2018 về tăng cường công tác quản lý nợ và cưỡng chế thu hồi nợ thuế để giảm nợ đọng ngành thuế quản lý; trong đó đề ra nhiều giải pháp nhằm tăng cường quản lý thu, chống thất thu, giảm nợ đọng thuế.
Trong chỉ đạo điều hành, Chính phủ cũng đã trình Quốc hội yêu cầu các địa phương phấn đấu thu vượt dự toán để có nguồn đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; trường hợp dự kiến thu không đạt dự toán phải chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi theo quy định của Luật NSNN đồng thời, chủ động sử dụng các nguồn lực để đảm bảo như: 50% nguồn dự phòng ngân sách địa phương, các nguồn tài chính hợp pháp khác của địa phương (quỹ dự trữ tài chính, kết dư ngân sách,...); đây cũng là động lực để các địa phương nỗ lực phấn đấu tăng thu để có nguồn đảm bảo các nhiệm vụ chi theo dự toán.
Xin cám ơn ông!