Tại Kỳ họp lần này HĐND tỉnh Hải Dương xem xét các báo cáo của UBND tỉnh, báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND tỉnh, thảo luận và đánh giá về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công, kết quả thực hiện dự toán ngân sách địa phương năm 2024, kế hoạch năm 2025. Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ năm 2024, địa phương dự kiến vượt và đạt 13/15 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra. Trong đó, nổi bật là tăng trưởng kinh tế đạt cao, ước tăng 10,2% (vượt mục tiêu tăng trên 9%), đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, vượt mục tiêu tăng trưởng; quy mô tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) đạt trên 211.000 tỷ đồng, tăng gấp 1,13 lần so với năm 2023, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng.
Thu ngân sách năm 2024 tăng đột phá, cao nhất từ trước đến nay, ước đạt gần 29.000 tỷ đồng (vượt 46,7% dự toán), tăng 28,5% so với năm 2023.
Đồng thời, trong năm 2024, Hải Dương đã tập trung đẩy nhanh tiến độ, dự kiến đầu tư hoàn thành 13 công trình. Trong đó có 4 dự án giao thông kết nối liên vùng đã góp phần tạo động lực, không gian phát triển mới. Một số khó khăn, vướng mắc về thủ tục đầu tư, triển khai dự án, đặc biệt là vướng mắc về giải phóng mặt bằng trong nhiều năm qua từng bước được quan tâm giải quyết. Địa phương cũng đã tập trung triển khai thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, xử lý các dự án chậm tiến độ trên địa bàn đạt kết quả bước đầu.
Tỉnh cũng tích cực, chủ động ban hành theo thẩm quyền các văn bản để tổ chức triển khai Luật Đất đai, Luật Nhà ở năm 2024, các văn bản luật mới và các nghị định hướng dẫn thi hành. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất ban hành nhiều cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư, hỗ trợ y tế, giáo dục, đào tạo lao động, giảm nghèo, hỗ trợ các đối tượng chính sách và người có công...
Bên cạnh kết quả đã đạt được, tại kỳ họp các đại biểu cũng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của địa phương như: Thu ngân sách nội địa tuy có tăng 45,3%, nhưng tỷ trọng nguồn thu từ đất vẫn chiếm khá cao (xấp xỉ 35%). Thu hút đầu tư chưa như kỳ vọng, không tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Tỷ lệ doanh nghiệp thành lập mới không đạt mục tiêu đề ra; một số dự án chậm tiến độ có nguy cơ gây lãng phí chưa được xử lý dứt điểm. Kế hoạch đầu tư công còn phải điều chỉnh nhiều lần. Cơ sở vật chất trang thiết bị ngành y tế tuy đã được quan tâm đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Việc triển khai một số thủ tục hành chính, thực hiện chuyển đổi số còn hạn chế....