Thử nghiệm mới gần gũi khán giả hơn

(PLVN) - Đầu tháng 10 vừa qua, hơn 140 giáo sư, chuyên gia nghiên cứu, lý luận phê bình, đạo diễn dàn dựng, tác giả kịch bản, thiết kế tạo hình, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và hình ảnh, cùng các giảng viên và sinh viên chuyên ngành sân khấu biểu diễn đến từ 19 trường nghệ thuật sân khấu thuộc 16 quốc gia trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã cùng hội ngộ về Hà Nội với một chương trình “Sân khấu - Du lịch” hết sức độc đáo và mới lạ.
Hình thái sân khấu biểu diễn mới kết hợp chặt chẽ giữa giá trị truyền thống và sáng tạo hiện đại.
Hình thái sân khấu biểu diễn mới kết hợp chặt chẽ giữa giá trị truyền thống và sáng tạo hiện đại.

Tăng trí tưởng tượng của người nghệ sĩ

Trong một tuần với lịch làm việc dày đặc, thành viên các trường nghệ thuật sân khấu quốc tế đã giao lưu chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy và học tập chuyên ngành nghệ thuật biểu diễn.

Đặc biệt các buổi giao lưu về kỹ thuật biểu diễn, tiếng nói sân khấu, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và hiệu ứng hình ảnh sân khấu, phương pháp tổ chức thị trường cho một vở diễn sân khấu, cách tiếp cận và sáng tạo các chương trình giao lưu sân khấu quốc tế cộng hợp nhiều bản sắc văn hóa, đã diễn ra hết sức sôi nổi và lý thú. 

Một trong những nội dung đặc sắc của cuộc hội ngộ liên hoan lần này là việc trao đổi chuyên môn sâu qua các bài tập mẫu của từng trường, giúp các thành viên có thể hình dung ra bức tranh tổng thể của công tác giảng dạy và học tập chuyên ngành sân khấu biểu diễn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hiện nay. 

Các bài tập thực hành và phát triển kỹ năng mẫu đã thể hiện những nét tinh túy nhất trong chương trình đào tạo của từng trường. Quan niệm truyền thống sân khấu phải diễn ra trong nhà hát và chỉ có nhà hát mới có nghệ thuật sân khấu đã được thay thế bằng một thông điệp hiện đại hơn: Ở bất cứ nơi đâu có người nghệ sỹ sân khấu với tài năng, lòng đam mê, sự tôn trọng khán giả và truyền thống văn hóa thì ở đó sẽ có nghệ thuật sân khấu xuất hiện.

Những không gian phòng ăn, phòng họp, sân vườn, sảnh khách sạn đã được các thành viên với năng lực thích nghi đầy sáng tạo biến hóa thành những không gian thể hiện các kỹ năng sân khấu độc đáo, mới lạ.

Đạo diễn Lê Quý Dương cho biết: “Đó là một hình thái sân khấu biểu diễn của thời đại mới kết hợp chặt chẽ giữa các giá trị truyền thống và sáng tạo hiện đại để thành một ngôn ngữ biểu diễn hoàn toàn phù hợp với xã hội và công chúng hôm nay”. 

Vẫn lời ông Dương: “Hình thái sân khấu này không chỉ vượt qua các giới hạn của những kiến thức kinh viện giáo điều. Nó vượt qua giới hạn của các rào cản ngôn ngữ và khác biệt văn hóa để giao thoa và hội nhập. Nó trở thành một hình thái sân khấu mang tính khu vực và toàn cầu nhưng vẫn đa dạng và đặc sắc với những di sản văn hóa của từng dân tộc. Nó là một hình thái sân khấu của một thế hệ nghệ sỹ mới thuộc về một thời đại mới, gần gũi với khán giả hơn và đưa khán giả cùng đồng hành vào công cuộc kiếm tìm và khẳng định những giá trị nhân văn”.

Thay đổi để làm giàu ngôn ngữ nghệ thuật

Từ ngày 4-13/10, Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế đã và đang diễn ra cùng những hào hứng thưởng thức những sáng tạo mới mẻ của các đoàn tham gia. Khác với sân khấu thông thường, sân khấu thử nghiệm ra đời với mục đích giới thiệu những khám phá, đổi mới nhằm cách tân sân khấu, về nhiều mặt, cả hình thức và nội dung.

Sân khấu thử nghiệm ra đời với mục đích giới thiệu những khám phá, đổi mới nhằm cách tân sân khấu, về nhiều mặt, cả hình thức và nội dung.
Sân khấu thử nghiệm ra đời với mục đích giới thiệu những khám phá, đổi mới nhằm cách tân sân khấu, về nhiều mặt, cả hình thức và nội dung.

Các nghệ sĩ mong muốn thông qua sân khấu thử nghiệm để làm giàu thêm ngôn ngữ của hình thể, cấu trúc, ngôn ngữ của nghệ thuật sân khấu, thay đổi nhận thức về văn hóa nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho biết, Liên hoan sân khấu thử nghiệm quốc tế với rất nhiều điều mới mẻ và sáng tạo táo bạo, ở nhiều thể loại phong phú, từ bi kịch, hài kịch đến chính kịch, từ kịch nói, các loại hình sân khấu dân gian của Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương… cho đến loại hình rất khó thử nghiệm như múa rối, xiếc… 

Sân khấu luôn cần thể nghiệm, bởi nó sẽ mở rộng khả năng diễn tả cho những gì đã được coi là truyền thống. Các nghệ sĩ Nhà hát Múa rối Thăng Long không thể nhớ hết những lần ngã khi tập vở “Mơ rồng”. Nhiều diễn viên múa rối nước vốn chỉ quen đứng sau màn tre dưới nước đã bước lên cạn để diễn vai của mình. Nó đòi hỏi cả diễn hình thể, cảm xúc, cả trên bờ, dưới nước. Họ ngã rất nhiều vì sàn diễn trơn.

Những con rối cũng đa dạng hơn, to hơn, dù màu sắc vẫn là ngũ sắc theo truyền thống. Những con rối nước đã bị nhấc lên cạn, đây là điều rất khác biệt. Các diễn viên đã quá quen ở trong trình thức quy định của trình diễn múa rối nước của cha ông để lại.

Khi đặt vấn đề về mở rộng không gian ra, diễn ở trên cạn, diễn ở trên không, diễn bóng, diễn dây, sao cho bể nước là trung tâm thì có thể nói anh em diễn viên rất thích. Các diễn viên năng động và sẵn sàng đón nhận cái mới...

Có thể thấy, nền sân khấu Việt đã có sự khởi sắc. Hàng loạt Liên hoan thử nghiệm, giao lưu với gần 20 trường nghệ sân khấu quốc tế đã tạo cơ hội để các nghệ sĩ trong nước và quốc tế thể hiện tài năng sáng tạo nghệ thuật, tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, mở rộng giao lưu văn hóa, trao đổi, học tập kinh nghiệm, góp phần phát triển nghệ thuật sân khấu của Việt Nam, khu vực và quốc tế trong thời kỳ mới.

Chương trình “Sân khấu - Du lịch” được tổ chức với sự đồng hành của Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam, Tam Group, B. deli và Trung tâm Đào tạo Sự kiện và Sân khấu biểu diễn MP Centre của Đạo diễn Lê Quý Dương. Điều đặc biệt thú vị là lần đầu tiên tại Hà Nội, hơn 100 sinh viên sân khấu biểu diễn xuất sắc được tuyển chọn từ 19 trường nghệ thuật trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương với những nét truyền thống văn hóa hết sức khác nhau đã cùng hội nhập trong không khí vô cùng thân thiện, chuyên nghiệp và sáng tạo.

Đọc thêm