Khấm khá nhờ trồng chuối xuất khẩu
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có gần 4.000ha chuối mật mốc, trong đó tập trung chủ lực ở huyện Hướng Hóa với khoảng 3.800ha. Nhờ khí hậu ưu đãi nhiều nắng, cộng với nền thổ nhưỡng bazan màu mỡ phù hợp nên sản phẩm chuối ở đây cho trái to đẹp, vỏ sắc vàng mịn, vì thế rất được lòng người tiêu dùng.
Đặc biệt, năm 2018, sản phẩm chuối Hướng Hóa đã được Cục Sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận Nhãn hiệu tập thể. Bên cạnh đó, đề án canh tác chuối hữu cơ tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng càng giúp nông dân vững vàng trên hành trình nâng tầm thương hiệu. Chính vì vậy mà chuối quả ở miền biên viễn này đã chinh phục người tiêu dùng trong và ngoài nước, trong đó được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Lào, Thái Lan, đồng thời đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa.
Nhiều năm nay, việc trồng chuối đã mang lại thu nhập cao và ổn định cho hàng ngàn hộ dân ở huyện vùng núi này, giúp bà con vươn lên thoát nghèo, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ thị trường Trung Quốc mua mạnh, việc xuất khẩu thuận lợi, chuối được giá nên đời sống của bà con khấm khá hơn trước. Theo thống kê, mỗi năm, huyện Hướng Hóa xuất khẩu khoảng hơn 500 tấn chuối tươi sang quốc gia này.
Bà con ở đây cho hay, trừ lúc dịp Tết giá chuối tăng cao, còn thì thông thường giá chuối bán đi cho thương lái xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc rơi vào khoảng tầm từ 5.000 – 7.000 đồng/kg chuối tươi.
Tuy nhiên từ sau Tết Nguyên đán 2020, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh ở Trung Quốc và lây lan ra các nước thì việc xuất khẩu chuối sang thị trường này bị tạm dừng, khiến đầu ra cho sản phẩm bị ảnh hưởng.
Giá chuối tươi tại khu chợ đầu mối ở đây rơi xuống còn tầm 3.000 - 4.000 đồng/kg, đồng thời hoạt động mua bán cũng không còn tấp nập như trước.
Cùng với đó, lượng chuối tiêu thụ nội địa cũng giảm bởi các lễ hội trong nước tạm dừng tổ chức; các nhà hàng, quán ăn đóng cửa; vận tải liên tỉnh tạm dừng hoạt động; học sinh, sinh viên nghỉ học…
Để xuất bán được chuối, người dân ở đây cùng thương lái phải tìm hướng mở rộng thị trường, trong đó xuất khẩu sang Thái Lan, Lào và vận chuyển đến các tỉnh, thành trong nước để tiêu thụ.
Tuy nhiên, hiện nay lượng chuối quả tươi đưa sang hai thị trường Thái Lan và Lào cũng giảm xuống khá nhiều do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng một số lý do khác. Điều này buộc thương lái không thể nhập chuối khiến các hộ dân không bán được, nếu có thì với mức giá rất thấp, chỉ còn 2.000 đồng/kg chuối quả tươi.
Bài toán đầu ra sản phẩm
Hiện tại, việc giải quyết đầu ra cho sản phẩm chuối quả của người dân gặp không ít khó khăn. Với sản lượng chuối thu hoạch mỗi ngày từ 40 – 50 tấn, trong khi thị trường nội địa khó tiêu thụ nên chuối để chín ùn ứ.
Bà Lê Thị Dàn – Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thành (huyện Hướng Hóa) cho biết, toàn xã hiện trồng gần 600ha chuối. Do dịch Covid-19 nên không thể bán chuối được vì thị trường Trung Quốc không nhập đã khiến đời sống của bà con nông dân, tiểu thương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề.
“Phía chính quyền cũng cân nhắc bà con trong sản xuất, đồng thời vận động các đơn vị kinh doanh, tư thương ở trên địa bàn nghiên cứu, xem xét có kế hoạch thu mua giúp bà con. Đồng thời đề xuất các cơ quan, ban ngành liên quan tạo điều kiện để hàng hóa của bà con lưu thông được thuận lợi” - bà Dàn nói.
Trước thực trạng này, để tháo gỡ khó khăn trước mắt và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nói chung, mặt hàng chuối quả tươi nói riêng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Quảng Trị đã ban hành văn bản đề nghị ngành Công Thương chỉ đạo, thường xuyên theo dõi sát tình hình sản xuất và lưu thông nông sản trên địa bàn; kịp thời thông báo tình hình nhập khẩu nông sản từ Trung Quốc đến các doanh nghiệp, người sản xuất để chủ động điều chỉnh kế hoạch sản xuất và nhu cầu của thị trường.
Cùng với đó, ngành Công Thương cần chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT và các ngành liên quan thống kê các mặt hàng nông sản trên địa bàn và liên kết với các siêu thị lớn để cung ứng, tiêu thụ nông sản trong thị trường nội địa; khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh thu mua nông sản, nhất là rau, củ, quả, thủy sản có thời gian bảo quản ngắn ngày; tăng cường kiểm tra, giám sát, kiên quyết xử lý các hành vi trục lợi ép giá, gian lận thương mại, gây tâm lý hoang mang cho người sản xuất và người tiêu dùng; thiết lập website riêng để bán hàng online hoặc giao hàng tự động cho người dân thông qua các cửa hàng bán lẻ, siêu thị bán lẻ trên địa bàn.
Thực tế lâu nay cho thấy, không riêng gì chuối quả, nông sản Việt Nam nhiều lần rơi vào tình trạng ùn ứ khi phía Trung Quốc có động thái ngừng thu mua, điều đó cho thấy chúng ta quá phụ thuộc vào một thị trường. Khi thị trường mua không có nhu cầu hoặc gặp trục trặc thì người dân lại tiếp tục rơi vào thế bị động.
Để giải quyết nút thắt này đòi hỏi cơ quan quản lý, doanh nghiệp phải có những hướng đi mới, đa dạng hóa nguồn cung, tìm đến những thị trường xuất khẩu mới, bền vững, tránh tình trạng khi một thị trường dừng mua hàng thì nông sản của ta ngay lập tức lâm vào cảnh “bí đường” đến nơi tiêu thụ.