Thử thách 7 ngày hành động vì không khí sạch

(PLVN) - Ngày 19/12/2019, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã quyết định chọn ngày 7/9 hàng năm kể từ năm 2020 là “Ngày Quốc tế Không khí trong lành cho bầu trời xanh”. 
Hình minh họa
Hình minh họa

Tại Việt Nam, trong chuỗi hoạt động thiết thực nhằm góp phần khắc phục, hạn chế ô nhiễm, cải thiện chỉ số chất lượng không khí đô thị, đáng quan tâm có thể kể tới cuộc thi trực tuyến – thử thách “7 ngày hành động vì không khí sạch” được phát động bởi UBND quận Hoàn Kiếm. 

Báo động ô nhiễm không khí tại Việt Nam 

Chất lượng không khí nói chung và tại các đô thị lớn nói riêng đều có dấu hiệu ô nhiễm và chuyển biến xấu trong nhiều năm nay. Bụi, khí thải, rác thải có chiều hướng gia tăng cùng với tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, và các hoạt động giao thông vận tải dày đặc. 

Chỉ nói riêng lượng khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như ô tô, xe máy tại nước ta đã là một con số khổng lồ. Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến tháng 2/2020, toàn quốc có tổng số trên 3,5 triệu xe ô tô và khoảng 45 triệu xe máy đang lưu hành.

Trong đó, TP Hà Nội có gần 6 triệu xe máy, TP Hồ Chí Minh có hơn 8 triệu xe máy lưu thông hàng ngày, chưa tính đến các phương tiện giao thông của người dân từ các địa phương khác đi qua. Không chỉ bởi số lượng xe cộ lớn lưu thông sẽ phát thải khí nhà kính ra môi trường mà trong số các phương tiện đang lưu hành, nhiều phương tiện quá niên hạn, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải, không được bảo dưỡng thường xuyên, khiến nồng độ chất độc hại và bụi trong khí thải cao. 

Trên thực tế, trong nửa cuối năm 2019, khu vực miền Bắc đã xảy ra một số đợt cao điểm ô nhiễm không khí. Điển hình, chỉ số chất lượng không khí tại hai đô thị như Hà Nội, Hồ Chí Minh có nhiều thời điểm ở mức xấu với chỉ số AQI từ 150 đến 200, có khi vượt 200 tương đương mức rất xấu. Nguy hại nhất là bụi mịn gồm những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung như PM2.5 (dưới 2.5 micromet), khi thẩm thấu qua đường hô hấp có thể gây hại đến sức khoẻ cộng đồng. 

Đầu năm 2020, chất lượng không khí ở hai thành phố này có xu hướng cải thiện hơn so với cùng kì năm trước, đặc biệt trong thời gian cả nước thực hiện cách ly xã hội để phòng ngừa dịch bệnh Covid-19. Đây cũng là những khoảng thời gian ghi nhận lượng phương tiện tham gia giao thông trong các khu vực nội đô giảm thiểu đáng kể so với cùng kì năm 2019, đồng thời nhiều hoạt động kinh tế - xã hội phải tạm dừng hoặc giảm.

Báo cáo năm 2018 của Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) cho biết giao thông vận tải đóng góp 24,34% lượng khí thải các-bon mỗi năm. Do vậy, vấn nạn mà hai thành phố lớn nhất của Việt Nam đang đối mặt cũng chính là bài toán nan giải của hầu hết tất cả đô thị trên thế giới. 

Hành động vì không khí sạch

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây ra khoảng 7 triệu ca tử vong hàng năm, trở thành nguy cơ môi trường lớn nhất đối với sức khỏe con người. Nguy hại nhất là bụi mịn gồm những hạt nhỏ bay lơ lửng trong không trung như PM2.5 (dưới 2.5 micromet), khi thẩm thấu qua đường hô hấp, được mệnh danh là “sát thủ âm thầm” gây ra hoặc thúc đẩy các bệnh về hô hấp, nhồi máu cơ tim, rối loạn chức năng gan, suy giảm trí nhớ nghiêm trọng…

Bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau và có quá trình phát triển lâu dài, hiện ô nhiễm không khí đã trở thành một vấn nạn toàn cầu, tác động sâu rộng trên mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Cũng theo WHO, ô nhiễm không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ em và người lớn tuổi và có tác động tiêu cực đến các hệ sinh thái và gây khủng hoảng khí hậu.

Nếu không có biện pháp can thiệp tích cực, ước tính số ca tử vong do ô nhiễm không khí sẽ tăng hơn 50% vào năm 2050. Chất lượng không khí kém sẽ là một trở ngại lớn trong bối cảnh phát triển bền vững của tất cả các quốc gia, đặc biệt là ở các thành phố và khu đô thị ở các nước đang phát triển.

Trong Hội nghị Liên Hợp quốc về phát triển bền vững mang tên “Tương lai mà chúng ta cùng mong muốn”, các quốc gia thành viên đều nhận thấy sự cần thiết phải giảm đáng kể số người chết và nhiễm bệnh do hoá chất độc hại và ô nhiễm không khí, nước, đất vào năm 2030. Trong đó, chất lượng không khí tại các đô thị lớn trên toàn cầu cần sự quan tâm đặc biệt.

Ngày 19/12/2019, Đại hội đồng Liên Hợp quốc đã thông qua một nghị quyết chọn ngày 7/9 hàng năm là “Ngày Quốc tế Không khí trong lành cho bầu trời xanh”. Các hoạt động trong ngày này nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe của con người, nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường của cộng đồng, phát huy được vai trò trách nhiệm của người dân trong công tác bảo vệ môi trường không khí. 

Bên cạnh đó Liên Hợp quốc cũng phát động chiến dịch BreatheLife (tạm dịch: Thở - Sống), kết hợp chuyên môn về y tế cộng đồng và kiến thức về biến đổi khí hậu nhằm mục đích tăng cường ý thức cộng đồng hướng dẫn các quốc gia, khu vực, thành phố, cá nhân thực hiện các giải pháp chống ô nhiễm không khí, đảm bảo sức khoẻ cộng đồng và hỗ trợ các mục tiêu phát triển toàn cầu.

Chiến dịch được hỗ trợ bởi WHO, UNEP, Ngân hàng Thế giới và Liên minh Khí hậu và Không khí sạch, đến nay đã phát triển thành một mạng lưới toàn cầu bao gồm 76 thành phố, khu vực và quốc gia, trong đó có TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Hưởng ứng Ngày Quốc tế về không khí sạch 7/9 đầu tiên, UBND quận Hoàn Kiếm đã ban hành Văn bản số 1153/UBND-TNMT về việc tham gia thử thách “7 ngày hành động vì không khí sạch”. Nội dung, cách thức tham dự cuộc thi bằng hình thức thi trực tuyến trên trang facebook: 350.org Vietnam với thời gian thực hiện từ 7/9 đến 13/9/2020.

Các thử thách bao gồm: “Ngày 1- Giảm phát thải từ giao thông”, “Ngày 2 – Theo dõi chất lượng không khí”, “Ngày 3 – Trồng cây xanh”, “Ngày 4 – Sử dụng khẩu trang hợp lý”, “Ngày 5 – Sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng tiết kiệm hiệu quả”, “Ngày 6 – Không đốt rác, xả rác bừa bãi”, “Ngày 7 – Không sử dụng bếp than tổ ong”. Đây được coi là những nỗ lực tiên phong tích cực trong nước về việc giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí. 

Đọc thêm