Thử thách với nữ Thống đốc đầu tiên Việt Nam

(PLVN) - Theo các chuyên gia, khó khăn và thách thức là điều ai cũng có thể nhìn thấy khi bà Nguyễn Thị Hồng nhậm chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Tuy nhiên, với những tố chất riêng có của người nữ lãnh đạo, vẫn có nhiều kỳ vọng ở phía trước.  
Bà Nguyễn Thị Hồng là nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử ngành Ngân hàng.
Bà Nguyễn Thị Hồng là nữ Thống đốc đầu tiên trong lịch sử ngành Ngân hàng.

Giao nhiệm vụ cho tân Thống đốc và ngành Ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trước hết, cần kế thừa, phát huy truyền thống tốt đẹp của ngành, thực hiện tốt các nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao, trong đó phải thực hiện nhất quán mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng Việt Nam. 

“Đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và cũng là thành quả quan trọng nhiều năm qua, khi lạm phát từ mức trên 18% vào năm 2011 đã giảm xuống dưới 4% trong suốt nhiệm kỳ này…” - Thủ tướng lưu ý. 

Ngoài ra, ngành cần sử dụng công cụ chính sách tiền tệ (CSTT) linh hoạt, hiệu quả, cần ổn định các thị trường tiền tệ, tín dụng, ngoại hối, phấn đấu tăng tỉ lệ dự trữ ngoại hối. Nhiệm vụ quan trọng thứ hai là điều hành linh hoạt, hiệu quả CSTT, tín dụng, góp phần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo thuận lợi cho DN tiếp cận tín dụng chi phí thấp, thủ tục đơn giản. 

“NHNN cần nghiên cứu biện pháp giảm chi phí lãi vay, bởi nhiều ngân hàng lãi lớn trong khi nền kinh tế còn gặp khó khăn, nhiều DN thua lỗ, thậm chí phá sản. Năm nay các ngân hàng không nên đặt mục tiêu lợi nhuận cao để chia sẻ với khó khăn của DN, người dân…” - Thủ tướng đề nghị.

Dù có sự cố gắng lớn, nhưng theo Thủ tướng, tín dụng năm nay tăng trưởng thấp, mới đạt gần 7%, do tác động của đại dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu NHNN nhất định không được để thiếu vốn cho các lĩnh vực và dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả, có nhu cầu, có năng lực sản xuất mới, đặc biệt các dự án ứng dụng công nghệ cao, phát triển kinh tế số để tạo động lực tăng trưởng kinh tế. 

Cùng với cho vay, các ngân hàng cần đồng hành hỗ trợ DN về các phương án sản xuất kinh doanh để ngân hàng có lợi và DN cũng có lợi. Đồng thời ngành Ngân hàng cũng cần tiếp tục xóa, giảm, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ cho các tỉnh miền Trung vừa qua chịu thiên tai, bão lũ trên cơ sở phù hợp các quy định của pháp luật. 

Lưu ý ngành Ngân hàng cần tiếp tục củng cố và tăng cường năng lực hệ thống thanh tra, giám sát ngân hàng, bảo đảm an toàn hệ thống nhất là trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19, Thủ tướng đề nghị ngành Ngân hàng cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu, nhất là đối với các ngân hàng yếu kém.

“Đây là nhiệm vụ trọng yếu Chính phủ và NHNN đã đôn đốc chỉ  đạo, thực hiện thời gian qua, nhưng kết quả chưa như mong muốn. Do đó, NHNN cần có định hướng cụ thể đối với từng ngân hàng thương mại, trước hết giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Một yêu cầu đặc biệt quan trọng trong nhiệm vụ này đối với NHNN là vừa hạn chế nợ xấu gia tăng, vừa giảm nợ xấu đang có, vừa có cơ chế để các TCTD phát triển lành mạnh, bền vững…” - Thủ tướng giao nhiệm vụ.

Phát biểu nhận nhiệm vụ, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng bày tỏ, bên cạnh niềm vinh dự được Đảng, Nhà nước tin tưởng, giao nhiệm vụ, bản thân cũng nhận thấy trách nhiệm lớn lao khi ở cương vị là người đứng đầu, nhất là trong bối cảnh hiện nay khi trong nước, kinh tế đang chịu tác động và chưa có hồi kết của đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình hoạt động và quá trình tái cơ cấu của hệ thống các TCTD. Kinh tế thế giới biến động phức tạp cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc điều hành CSTT để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, tăng sức chống chịu của nền kinh tế trước các tác động lớn.

Bên cạnh đó, sự bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghệ 4.0 và công nghệ tài chính tác động tới mọi mặt hoạt động của đời sống kinh tế - xã hội đòi hỏi hệ thống ngân hàng với vai trò cung ứng dịch vụ cho nền kinh tế cần có những bước đi phù hợp…

Tân Thống đốc NHNN khẳng định sẽ cùng tập thể NHNN chủ động bám sát diễn biến tình hình, nắm chắc chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để thực hiện hiệu quả các giải pháp điều hành, hoàn thành tốt vai trò của một ngân hàng Trung ương, bảo đảm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống… làm sao để hệ thống ngân hàng thực hiện tốt vai trò kênh dẫn vốn hiệu quả của nền kinh tế…

Đọc thêm