Nguồn tin từ Bộ GTVT cho hay, ngày 24/10, Thứ trưởng Bộ này - ông Nguyễn Nhật đã có buổi tiếp và làm việc với Đoàn công tác của Ngân hàng Thế giới (WB), do bà Almud Weitz - Giám đốc phụ trách Giao thông và Thông tin truyền thông khu vực Đông Nam Á - Thái Bình Dương của WB làm Trưởng đoàn.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đã thay mặt Bộ GTVT đánh giá cao sự ủng hộ, hỗ trợ của bà Almud Weitz nói riêng và WB nói chung đối với ngành GTVT. Theo đó, các chương trình, dự án của WB đã, đang đóng góp hiệu quả vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển các dịch vụ xã hội, góp phần thay đổi đời sống kinh tế - xã hội ở nhiều địa phương của Việt Nam.
Việt Nam hiện mới có khoảng 746km đường bộ cao tốc |
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho biết, trong bối cảnh hiệu suất của nền kinh tế còn thấp, tích lũy cho đầu tư phát triển của Nhà nước còn nhiều khó khăn thì nguồn vốn ODA, vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài có lãi suất thấp, kỳ hạn trả nợ tương đối dài vẫn là nguồn vốn quan trọng để đầu tư phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông của Việt Nam.
Đại diện Bộ GTVT đã đề xuất WB về các dự án ưu tiên tài trợ; ưu tiên của Bộ GTVT trong kế hoạch đầu tư mà WB có thể hỗ trợ nằm trong khuôn khổ đối tác quốc gia của WB giai đoạn 2017 – 2021...
Cụ thể, Thứ trưởng Nguyễn Nhật đề nghị WB xem xét, ưu tiên tài trợ các dự án giao thông quan trọng như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, Dự án xây dựng sân bay Long Thành và Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam...
Trao đổi với PLVN về một trong số các dự án mà Bộ GTVT vừa đề nghị WB quan tâm, Thứ trưởng Nhật cho hay, việc đầu tư các tuyến cao tốc là bước đi đúng cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông Việt Nam, phù hợp với chiến lược và các quy hoạch chuyên ngành GTVT được Thủ tướng phê duyệt.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật : “Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam chỉ sử dụng khoảng 93 ngàn tỷ đồng vốn ngân sách”. |
“Hiện tại, giao thông trên đường QL1 là hỗn hợp, tốc độ khai thác thấp, tỷ lệ tai nạn giao thông cao, trong khi không thể nâng cấp mở rộng thêm nữa. Đường sắt cũng cần thiết, nhưng rõ ràng suất đầu tư khá lớn (55 tỷ USD) nếu làm đường sắt cao tốc; ngoài ra, lĩnh vực này đòi hỏi phải đồng bộ toàn tuyến mới đem lại hiệu quả được.
Còn đường bộ cao tốc có thể đầu tư theo từng đoạn tuyến và quan trọng nhất là nó có thể cho khai thác ngay và phát huy được hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội”, Thứ trưởng Nhật nói về sự cần thiết phải hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 230 ngàn tỷ đồng. Dự kiến, sẽ sử dụng vốn ngân sách Nhà nước hơn 90 ngàn tỷ đồng, số còn lại sẽ kêu gọi triển khai theo hình thức xã hội hóa đầu tư.
“Chúng ta đang có 746 km đường cao tốc, trong khi theo quy hoạch đến năm 2020 phải hoàn thành 2.500 km. Từ nay đến đó, thời gian không còn dài, vì vậy chúng ta cần phải quan tâm đầu tư”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật nhấn mạnh.