Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp “bật mí” những điểm mới trong Luật Lâm nghiệp

(PLO) - Ngay sau khi được Quốc hội thông qua với số phiếu tán thành rất cao, chiều nay (15/11), Thứ trưởng Thường trực Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn đã có buổi trả lời nhanh với báo chí xung quanh những điểm mới có trong Luật Lâm nghiệp 2017. 

Là người tham gia trong tổ công tác soạn thảo, xin Thứ trưởng cho biết những điểm mới, nội dung đáng chú ý được quy định trong Luật Lâm nghiệp 2017?

- Luật Lâm nghiệp lần này được xây dựng trên cơ sở kế thừa Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 1991 và Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thay đổi năm 2004  nhưng cũng thể hiện 3 tư tưởng mới. 

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn

Thứ nhất, Luật mới ban hành là thể chế hóa các Nghị quyết, Chỉ thị của TW Đảng về phát triển nông nghiệp nông thôn. Trong đó coi lâm nghiệp là một ngành kinh tế có vai trò hết sức quan trọng, vừa thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giải quyết công ăn việc làm, đảm bảo đời sống ổn định cho người trồng rừng, để người trồng rừng có thể sống được và từng bước có thu nhập cao hơn. Cùng với đó vừa phát huy vai trò xã hội, thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu, vừa đảm bảo nhiệm vụ an ninh-quốc phòng. 

Thứ hai, theo tinh thần của Hiến pháp mới, Luật Lâm nghiệp cũng xác định khá cụ thể về quyền sở hữu. Theo đó, chỉ có tài nguyên rừng mới được coi là sở hữu toàn dân nhà nước thống nhất quản lý. Còn lại rừng được hình thành từ các hộ gia đình, từ cộng đồng, từ doanh nghiệp… thì khi xác định được ai là người đầu tư, người đó sẽ được ghi nhận là chủ sở hữu. Từ quan điểm về quyền sở hữu như vậy sinh ra một loạt chế định khác từ quản lý cho tới chế độ chính sách đối với các chủ rừng. 

Thứ ba, tuy có kế thừa, nhưng Luật Lâm nghiệp mới được thông qua cũng có nhiều điểm mới, phát triển thêm so với 2 Luật Bảo vệ và Phát triển rừng trước đó. Ví dụ trước đây nói đến việc hình thành rừng tức là đề cập tới quản lý, bảo vệ, phát triển rừng thì lần này xây dựng theo chuỗi thêm lĩnh vực chế biến và thương mại cho phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu sắc với nhiều hiệp định Afta về lĩnh vực lâm nghiệp. Có thể nói, đó là 3 điểm lớn, đáng chú ý của Luật lâm nghiệp lần này. 

Với tên gọi mới là Luật Lâm nghiệp và trong đó có nhấn mạnh khá nhiều đến yếu tố kinh tế, liệu chúng ta có quá đề cao nhu cầu phát triển kinh tế làm nhẹ vai trò quản lý, bảo vệ rừng hay không, thưa Thứ trưởng? 

- Tôi khẳng định, Luật Lâm nghiệp lần này mở rộng nội dung nhưng nội hàm về bảo vệ rừng thì không giảm đi so với luật năm 2004. Tất cả các nội dung trong chế định quản lý và bảo vệ rừng của luật 2004 là được kế thừa, thậm chí đã được làm sâu sắc hơn về bảo vệ, quản lý rừng một cách bền vững.  

Là lãnh đạo phụ trách lâu năm và nhiều kinh nghiệm về lĩnh vực lâm nghiệp, vậy theo Thứ trưởng, Luật Lâm nghiệp mới được ban hành sẽ có tác động như thế nào đối với người làm nghề rừng?  

- Luật lần này có thể nói chúng tôi kỳ vọng là sẽ có tác động mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao hơn cho các chủ rừng và những người tham gia bảo vệ rừng. Cao hơn ở chỗ quyền và nghĩa vụ của từng loại chủ rừng lần này đã được quy định rất rõ trong từng điều luật. Mỗi loại chủ rừng được quy định quyền và nghĩa vụ riêng trên tinh thần mở rộng quyền sở hữu đối với những người có công sức đầu tư vào rừng. 

Làm gì để chúng ta không phải chặt gỗ, không phải khai thác lâm sản nhưng vẫn có nguồn thu? Luật Lâm nghiệp lần này quy định điểm rất mới đó chính là dịch vụ môi trường rừng. Năm nay, nguồn thu phi lâm sản này được khoảng 1.650 tỷ đồng và nó sẽ tăng lên vì luật lần này còn mở rộng thêm các hoạt động dịch vụ môi trường rừng khác, đặc biệt là thực hiện tín chỉ Các bon (việc mua bán sự phát thải khí CO2 - PV). Với nguồn thu tăng cao hàng năm như vậy chúng tôi hy vọng về lâu dài nó sẽ trở thành nguồn tài chính quan trọng. Khi có nguồn thu này chắc chắn sẽ làm tăng thu nhập cho người làm nghề rừng. 

Ngoài ra, cũng cần phải lưu ý, Luật Lâm nghiệp mới cũng có quy định về quản lý rừng bền vững và chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Khi chúng ta thực hiện được chứng chỉ quản lý rừng bền vững có nghĩa là chúng ta đã xác nhận bảo vệ phát triển rừng lâu dài, ổn định và tạo được niềm tin từ thị trường. Khi tạo được những điều đó thì cũng sẽ làm tăng giá trị đối với sản phẩm của chúng ta. Một điều tôi cũng muốn chia sẽ là khi xây dựng Luật Lâm nghiệp chúng tôi - những người tham gia soạn thảo, kỳ vọng Luật được ban hành, đi vào cuộc sống làm sao để chúng ta không phải chặt rừng nhưng vẫn tăng được thu nhập cho người trồng rừng./.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

87,78% đại biểu Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp

Nhất trí cao với Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 15/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp với 447 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết, bằng 91,04% tổng số đại biểu Quốc hội. Kết quả biểu quyết: có 431 đại biểu tán thành, chiếm 87,78% tổng số đại biểu Quốc hội; 16 đại biểu không tán thành, chiếm 3,26%.

Luật Lâm nghiệp gồm 12 chương, 108 Điều, tăng 11 Điều so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Luật Lâm nghiệp quy định về quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; sử dụng rừng; chế biến thương mại, lâm sản; quyền và nghĩa vụ của chủ rừng; định giá rừng, đầu tư, tài chính trong lâm nghiệp; khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế về lâm nghiệp; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm.

Đọc thêm