Không có Sở nào có phòng Pháp chế
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Tư pháp đã báo cáo công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hoá văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, qua công tác kiểm tra văn bản cho thấy, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh đã đi vào nề nếp, đáp ứng được yêu cầu quản lý Nhà nước ở địa phương; các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đúng theo quy trình luật định, được góp ý, thẩm định trước khi ban hành, hầu hết văn bản quy phạm pháp luật do UBND tỉnh, HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã ban hành đều đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật.
Từ ngày 1/6/2016 đến ngày 30/8/2018, Sở Tư pháp đã tham mưu giúp UBND tỉnh thực hiện tự kiểm tra 118 văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, năm 2016 ban hành 64 văn bản, năm 2017 ban hành 32 văn bản. Trong 6 tháng đầu năm 2018 ban hành 22 văn bản.
Cũng theo lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương, hiện nay ở các sở không có một phòng Pháp chế nào. Theo lãnh đạo Sở Tư pháp Bình Dương, chính những quy định pháp luật chưa rõ ràng nên lực lượng cán bộ làm công tác pháp chế chưa được “chính thức hoá”.
Cụ thể, hiện tại Thông tư của các bộ, ngành không quy định về việc thành lập Phòng Pháp chế tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc tỉnh không có đội ngũ pháp chế chuyên trách thực hiện công tác rà soát văn bản nói riêng và công tác pháp chế nói chung. Đa phần cán bộ pháp chế là kiêm nhiệm, vì vậy việc này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động rà soát văn bản trước và sau khi ban hành.
Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 55/CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế |
Cần sớm rà soát, xử lý, khắc phục
Trong nhiều kiến nghị với đoàn công tác, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đề nghị Bộ Tư pháp kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 55/CP Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế để tỉnh chủ động thành lập, bố trí các đơn vị pháp chế tại địa phương.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đánh giá cao những kết quả mà Bình Dương đạt được trong công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật cũng như công tác kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị Bình Dương cần sớm rà soát, xử lý, khắc phục đối với những văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu sai hoặc còn sai sót; đề nghị tỉnh cần có sự quan tâm, giám sát chặt chẽ, chỉ đạo kịp thời đối với công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá văn bản pháp luật cũng như quan tâm hơn nữa trong vấn đề bố trí đội ngũ pháp chế trong tỉnh.
Trong đợt này, Đoàn công tác liên ngành (gồm các bộ Tư pháp, Tài chính, Nội vụ, Văn phòng Chính phủ…) do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu làm trưởng đoàn đã có làm việc tại hai tỉnh Đồng Nai và Bình Dương. Mục đích nhằm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nhiệm vụ được Chính phủ giao năm 2018 tại chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8/2018 (theo Nghị quyết số 109/NQ-CP) và chỉ đạo của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hoà Bình về công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hoá các văn bản QPPL năm 2017...Qua đó đánh giá những ưu, nhược điểm và kiến nghị, đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra. Bên cạnh đó, thông tin về kết quả kiểm điểm, xử lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật.