Đoàn công tác tập trung vào các nội dung như: Kiểm tra việc thực hiện công tác kiểm tra, ra soát, hệ thống hoá văn bản QPPL ở cấp tỉnh; kiểm tra các văn bản QPPL do HĐND và UBND cấp tỉnh ban hành còn hiệu lực pháp luật trong các lĩnh vực tổ chức – biên chế, tài chính, đất đai, xây dựng, môi trường… Kiểm tra việc thực hiện theo Nghị quyết 109/NQ-CP năm 2018 của Chính phủ về chuyên đề xây dựng pháp luật, trong đó tập trung kiểm tra việc phát hiện, xử lý các văn bản của ba cấp được ban hành trái pháp luật (sai thẩm quyền, thể thức, nội dung) đã được phát hiện… Đồng thời, đánh giá hậu quả, tác hại và đề xuất biện pháp khắc phục hậu quả do văn bản trái pháp luật gây ra. Bên cạnh đó, thông tin về kết quả kiểm điểm, xử lý đối với tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật.
Ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai (bên phải) cùng chủ trì buổi làm việc |
Báo cáo với đoàn công tác, ông Viên Hồng Tiến, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Nai cho biết, nhìn chung trong những năm vừa qua, công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Đồng Nai liên tục và toàn diện, đáp ứng tốt yêu cầu quản lý nhà nước ở địa phương.
Từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành nhiều kế hoạch triển khai thực hiện công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL. Trong 2 năm 2016 – 2017 và 6 tháng đầu năm 2018 Sở Tư pháp đã tham mưu cho UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh tự kiểm tra 346 văn bản QPPL, trong đó phát hiện ra một số văn bản chưa phù hợp về nội dung, thẩm quyền ban hành, sai sót về căn cứ… Đồng thời, Khi Cục Kiểm tra văn bản QPPL và các bộ ngành khác có kết luận những văn bản của tỉnh ban hành chưa đúng, HĐND và UBND tỉnh cũng nhanh chóng sửa đổi, bãi bỏ, thay thế cho phù hợp.
Vì sửa đổi, bổ sung, thay thế kịp thời nên những sai sót không gây hậu quả đến kinh tế - xã hội và không ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nói chung. Tuy vậy tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành văn bản trái pháp luật, dù chưa gây hậu quả, đều bị kiểm điểm, xử lý khi đánh giá công vụ cuối năm.
Đại diện các Sở, ngành của Đồng Nai cho biết do công tác pháp chế hiện chủ yếu vẫn kiêm nhiệm và đội ngũ mỏng nên hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản còn chậm, thiếu kỹ lưỡng… |
Bên cạnh những thuận lợi, ưu điểm, công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế từ nguyên nhân khách quan. Cụ thể, Luật Ban hành văn bản QPPL 2015 quy định nhiều nội dung mới khiến địa phương lúng túng khi tiếp cận, triển khai. Dẫn đến tình trạng các văn bản tham mưu cho HĐND và UBND các cấp chưa đảm bảo về quy trình. Công tác pháp chế hiện chủ yếu vẫn kiêm nhiệm và đội ngũ mỏng nên hoạt động kiểm tra, rà soát văn bản còn chậm, thiếu kỹ lưỡng…
Đoàn công tác đánh giá, Đồng Nai là một tỉnh rất tích cực, chủ động, kịp thời trong công tác kiểm tra, xử lý và rà soát, hệ thống hoá văn bản QPPL trên địa bàn tỉnh nên đã ngăn chặn được hậu quả xảy ra khi ban hành văn bản sai. Trong 180 văn bản QPPL được đoàn kiểm tra, một số văn bản còn chưa chỉnh về nội dung, thẩm quyền. Về vấn đề này, tại buổi họp, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở ngành của tỉnh “nhanh chóng đề xuất hướng sửa chữa” trình UBND và HĐND tỉnh.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu nhận xét, qua kiểm tra cho thấy, Đồng Nai là một tỉnh luôn ưu tiên tới công tác pháp chế trong chỉ đạo, điều hành. Điều thấy ngay được là việc xử lý rốt ráo các văn bản có dấu hiệu chưa chuẩn theo quy định, mặc dù, Đồng Nai là địa bàn rộng lớn, dân số đông với áp lực nhập cư lớn.
Đoàn công tác liên ngành đề nghị tỉnh Đồng Nai có những phản hồi lên bộ, ngành và Chính phủ để góp ý cho lần xây dựng văn bản pháp luật tới thêm hoàn thiện. |
Theo Thứ trưởng, Bộ Tư pháp nói riêng và Chính phủ nói chung rất quan tâm công tác kiểm tra, xử lý, rà soát các văn bản QPPL. Trong tương lai, Đồng Nai cần đẩy tỷ lệ sai sót xuống mức thấp hơn nữa. Điều này đòi hỏi Đồng Nai cần xây dựng bộ máy pháp chế trong các sở ngành vững mạnh hơn hiện tại. Với một số văn bản chưa phù hợp về thẩm quyền, nội dung được đoàn công tác phát hiện và góp ý trong hai buổi kiểm tra, bên cạnh việc điều chỉnh cho phù hợp, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu đề nghị tỉnh có những phản hồi lên bộ, ngành và Chính phủ để góp ý cho lần xây dựng văn bản pháp luật tới thêm hoàn thiện.
Dự kiến ngày 25/10/2018, đoàn tiếp tục làm việc với tỉnh Bình Dương cũng về nội dung trên.