- Theo thỏa thuận vay với Ngân hàng Thế giới (WB), Hiệp định đóng vào tháng 6/2022 và dự án cũng phải hoàn thành theo mốc thời gian này, nhưng thực tế đến thời điểm nói trên, khối lượng thi công đạt được vẫn rất thấp, thưa ông?
Dự án này có các gói thầu lần lượt được khởi công vào tháng 11/2020 và tháng 3/2021. Tuy nhiên, đến nay, do nhiều nguyên nhân, tiến độ của dự án bị chậm so với kế hoạch đã đề ra ban đầu.
Vì thế, mốc hoàn thành công trình vào tháng 6/2022 không đạt được. Bộ GTVT đã phải xin gia hạn Hiệp định vay vốn và đã được WB đồng ý gia hạn thêm 12 tháng. Chúng tôi phấn đấu đến tháng 6/2023, hoàn thành toàn bộ công trình này.
- Lý do khiến công trình này bị “lụt” tiến độ?
Đến cuối tháng 10/2022, Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ đạt sản lượng khoảng 60%, chậm khoảng 8% so với kế hoạch. Bộ GTVT đã kiểm tra hiện trường, có các văn bản yêu cầu PMU các Dự án đường thủy chỉ đạo nhà thầu tăng mũi thi công, và có giải pháp điều chuyển khối lượng, thay thế nhà thầu nếu không đáp ứng tiến độ.
Quá trình triển dự án là lúc dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp. Trên công trường có lúc bị sụt trượt đất và chậm trễ trong di dời, hoàn trả công trình đường ống nước ngầm cấp nước sạch ngang lòng kênh… dẫn tới chậm tiến độ thi công công trình.
Ngoài ra, việc thi công công trình đường thủy có những đặc thù so với công trình đường bộ. Vì công trình giao thông thủy ngoài đắp đê, xây cầu, làm âu tàu, kè bờ có khi còn lắp đặt thiết bị chuyên dùng và cả làm đường… Những hạng mục này thường liên quan tới nhau và ảnh hưởng đến tiến độ chung của công trình nếu một trong số đó bị chậm.
- Tính đặc thù khi thi công các hạng mục công trình thuộc Dự án WB6 là gì, thưa ông?
Tôi dẫn chứng ở hạng mục đắp đê bằng đất của dự án này. Nếu trời mưa, thì gần như phải ngồi yên, vì mưa xuống đất nhão nhoẹt thì không thể làm được gì.
Tôi thấy có những hôm trên công trường, nhà thầu thi công phải rải đất ra phơi như kiểu… phơi bột làm bánh. Đợi khi rút nước, độ ẩm đảm bảo thì mới tiến hành đắp được đê.
Hay đôi khi ở vùng cửa sông, biển gió lớn quá không đảm bảo an toàn đối với nhân lực thi công, thì nhà thầu và chủ đầu tư cũng thống nhất dừng việc thi công trong một thời gian nhất định… Những yếu tố này, chủ đầu tư đôi khi không chủ động được trong quá trình thi công.
Dự án kênh nối Đáy - Ninh Cơ có 4 gói thầu xây lắp, khởi công từ năm 2020. |
- Lãnh đạo Bộ GTVT khi thực địa công trường đã yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu triển khai biện pháp gì để bù tiến độ, thưa ông?
Tôi trực tiếp theo dõi lĩnh giao thông đường thủy, hàng hải nên thường xuyên có mặt tại hiện trường dự án này để kiểm tra tiến độ, làm việc với chính quyền tỉnh Nam Định nhằm tháo gỡ khó khăn cho dự án; đồng thời động viên anh, em điều hành dự án và các nhà thầu thi công những lúc cần thiết.
Những việc nào thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT, chúng tôi đã chỉ đạo đại diện chủ đầu tư là PMU các Dự án đường thủy, các Vụ, Cục thuộc Bộ phối hợp rà soát lại tiến độ và kế hoạch thi công các gói thầu xây lắp, chỉ đạo Tư vấn giám sát, nhà thầu thi công nghiên cứu lập lại tiến độ thi công để đảm bảo hoàn thành công tác thi công hiện trường trước ngày 30/5/2023.
- Quá trình kiểm tra hiện trường, Bộ GTVT có áp dụng biện pháp mạnh nào đối với các chủ thể triển khai dự án, chẳng hạn như phát hiện có nhà thầu không bố trí đủ tài chính, nhân lực, thiết bị thi công… gây chậm tiến độ?
Công trình này không đảm bảo tiến độ phải gia hạn Hiệp định vay vốn - phần lớn do yếu tố khách quan. Còn phía các nhà thầu xây lắp thì cơ bản đã nỗ lực, nhất là sau thời điểm được gia hạn Hiệp định vay vốn và khi thời tiết đã bớt mưa…
Thực tế việc biến động giá cả về vật liệu xây dựng trong thời gian gần đây cũng đã ảnh hưởng rất lớn đến các đơn vị xây lắp, thậm chí có nhà thầu phản ánh lỗ lã khi nhận thầu thi công công trình này… nhưng Bộ GTVT và đại diện chủ đầu tư đã tích cực động viên, hỗ trợ nhà thầu tháo gỡ những khó khăn trên công trường để từng ngày bù lại tiến độ đã chậm, phấn đấu đến giữa năm 2023 công trình sẽ hoàn thành.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Cụm công trình kênh nối Đáy - Ninh Cơ có tổng mức đầu tư 107,19 triệu USD, trong đó vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới là 78,74 triệu USD, vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 28,45 triệu USD.
Dự án này nhằm tạo kết nối tuyến vận tải ven biển phía Bắc với các cảng thủy trên sông Đáy, khu vực Nam Định, Ninh Bình qua cửa biển Lạch Giang, giúp rút ngắn 20% thời gian hành trình phương tiện thủy từ Quảng Ninh đến Ninh Bình.