Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đều công nhận những lợi thế và tiềm năng vốn có của Bạc Liêu sẽ là “bàn đạp” để giúp tăng trưởng và phát triển kinh tế địa phương.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự vui mừng về kết quả Bạc Liêu đã đạt được và cho rằng “Đó là cố gắng rất lớn”. Đồng thời, Thủ tướng đánh giá cao sự đoàn kết thống nhất của Đảng bộ, nhân dân tỉnh “là nhân tố rất quan trọng để phát triển địa phương”.
Nói về định hướng phát triển của Bạc Liêu, Thủ tướng cho rằng, Bạc Liêu cần phát triển theo hướng xanh với 4 trụ cột: đánh bắt nuôi trồng, chế biến thủy sản với trọng tâm là nuôi tôm công nghệ cao, siêu thâm canh; chế biến thủy sản với trọng tâm là chế biến tôm chất lượng cao; phát triển du lịch, dịch vụ, quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo.
Với những lợi thế và tiềm năng vốn có, Thủ tướng khẳng định việc Bạc Liêu phấn đấu trở thành địa phương phát triển khá trong khu vực và trung bình khá trong cả nước là hoàn toàn có thể, thậm chí còn hơn nếu đi đúng hướng. Thủ tướng cũng chỉ ra: “Nếu biết khai thác hiệu quả bền vững tiềm năng, lợi thế về du lịch, dịch vụ, Bạc Liêu có thể trở thành viên ngọc xanh bên bờ biển Tây Nam của Tổ quốc”. Nhưng quan trọng là “để đạt được mục tiêu đề ra chúng ta phải có khát vọng tầm nhìn trong phát triển để tỉnh nhà vươn lên phát triển mạnh mẽ. Nếu không có khát vọng không thể nào phát triển được” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Để thực hiện mục tiêu phát triển địa phương, Thủ tướng lưu ý, tầm nhìn, định hướng phát triển của Bạc Liêu cần kết nối chặt chẽ với Đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh cả về quy hoạch, thị trường và các yếu tố trong quá trình sản xuất của địa phương. Bạc Liêu cần trở thành trung tâm công nghiệp tôm cả nước về giống, thức ăn và chế biến. Phải giữ được chất lượng tôm và nguồn nước qua quy trình ứng dụng công nghệ mới, “nước là tôm, tôm là nước”. Bên cạnh đó, cần phát động phong trào trong toàn dân để xử lý nghiêm kẻ phá hoại thương hiệu tôm. Theo Thủ tướng: “Muốn phát triển nhanh và bền vững cần đảm bảo nhân lực có kỹ năng, công nghệ tiên tiến và chất lượng môi trường. Đó là vấn đề lớn của một nước phát triển bền vững. Vì vậy cần phải tạo thời cơ trong đào tạo giáo dục, đặc biệt là lớp trẻ”.
Đối với một số tồn tại về điều hành quản lý, Thủ tướng đề nghị Bạc Liêu xây dựng chính quyền đối thoại và cải cách hành chính mạnh mẽ hơn. “Cải cách hành chính của Bạc Liêu phải hòa vào dòng cải cách của cả nước, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, tạo sức sống mới cho địa phương thu hút phát triển. Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Bạc Liêu quan tâm đến yếu tố nhân hòa, mối quan hệ với doanh nghiệp và nhà đầu tư, đồng hành cũng xem thành công của doanh nghiệp, của địa phương, của quốc gia.
Theo Ban tổ chức, tại Hội nghị sẽ có 10 dự án được cấp phép đầu tư, hơn 20 dự án đăng ký đầu tư và ký kết hợp tác đầu tư với tổng số vốn lên đến hơn 110.000 tỉ đồng ở các lĩnh vực: điện gió, điện mặt trời; nuôi tôm, các ngành công nghiệp hỗ trợ tôm; bệnh viện, nhà hàng, khách sạn, trung tâm thương mại...