Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ vui mừng, đồng thời biểu dương, đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, các nhà đầu tư cùng nhân dân tại nơi có các dự án đi qua.
Thủ tướng khẳng định, Dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình sẽ phục vụ thiết thực cho các dự án quy hoạch trọng điểm như Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, cảng Diêm Điền, Trung tâm Điện lực Thái Bình, các cụm công nghiệp của huyện Tiền Hải, Thái Thụy…, kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình với Sân bay quốc tế Cát Bi, cảng biển, cửa khẩu tại Hải Phòng, Quảng Ninh…
Dự án Khu công nghiệp (KCN) chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng Bắc Bộ sẽ góp phần quan trọng đưa nền nông nghiệp nước nhà nói chung, nông nghiệp vùng Bắc bộ nói riêng phát triển theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh Thái Bình tạo mọi điều kiện để các doanh nghiệp, nhà đầu tư được thuận lợi trong quá trình triển khai, thực hiện xây dựng các dự án, đảm bảo tiến độ, chất lượng đạt yêu cầu, đúng cam kết.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ |
Tuyến đường bộ ven biển Thái Bình có điểm đầu kết nối với tuyến ven biển TP Hải Phòng, điểm cuối kết nối với tỉnh Nam Định, chiều dài 34,42 km, tổng mức đầu tư 3.872 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 1.100 tỷ đồng, ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác 1.593 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư BOT 1.289 tỷ đồng.
Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình đã được Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 348/QĐ-TTg ngày 28/3/2018.
Thái Bình nằm trong quy hoạch chi tiết đường bộ ven biển Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 129/QĐ-TTg ngày 18/1/2010. Tuyến đường bộ ven biển Thái Bình nằm trong tổng thể tuyến đường bộ ven biển Quảng Ninh - Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư tại Văn bản số 878/TTg-KTN ngày 23/6/2015.
Trong đó, đoạn qua huyện Thái Thụy dài 11,63 km, qua huyện Tiền Hải dài 22,036 km và qua huyện Giao Thủy (Nam Định) dài 0,72 km, được xây dựng theo quy mô đường cấp III đồng bằng, rộng 12 m với 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80 km/h. Tuyến có tới 12 cầu, trong đó có 5 cầu lớn vượt sông Trà Lý, sông Hồng, sông Diên Hộ, sông Lân 1 và sông Lân 2 cùng 7 cầu trung và nhỏ. Các cầu lớn được thiết kế bê tông cốt thép dự ứng lực theo công nghệ dầm đúc hẫng, chịu động đất cấp VII, tải trọng va tàu 2.000 DWT.
Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT - một trong những hình thức huy động vốn xã hội, tiết kiệm nguồn vốn Chính phủ, địa phương, tạo nguồn thu ngân sách và thu hút nguồn vốn từ các hoạt động dịch vụ, tạo nhiều việc làm, góp phần tăng trưởng kinh tế quốc gia và kinh tế - xã hội tại địa phương.
Dự án tuyến đường bộ ven biển Thái Bình sẽ phục vụ thiết thực cho các dự án quy hoạch trọng điểm như Khu kinh tế Thái Bình, tuyến đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh, cảng Diêm Điền, Trung tâm Điện lực Thái Bình, các cụm công nghiệp của huyện Tiền Hải, Thái Thụy…, kết nối các tỉnh Nam Định, Thái Bình với Sân bay quốc tế Cát Bi, cảng biển, cửa khẩu tại Hải Phòng, Quảng Ninh… Bên cạnh đó, tạo quỹ đất lớn cho đầu tư sản xuất, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên biển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương, tạo thuận lợi trong cứu hộ, cứu nạn, ứng phó thiên tai, biến đổi khí hậu và tăng cường quốc phòng, an ninh ven biển, đặc biệt là góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, du lịch của cả vùng ven biển Bắc bộ.
|
Các đồng chí lãnh đạo bộ, ban, ngành trung ương và địa phương đến dự buổi lễ |
Dự án Khu KCN chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng đồng bằng Bắc Bộ có quy mô 194,36 ha tại các xã An Thái, An Ninh, An Cầu (huyện Quỳnh Phụ), tổng vốn đầu tư 7.800 tỷ đồng.
KCN chuyên phục vụ nông nghiệp đã được bổ sung vào danh mục phát triển các KCN ở Việt Nam tại Công văn số 1069/TTg-CN ngày 17/8/2018 về việc điều chỉnh quy hoạch phát triển các KCN tỉnh Thái Bình năm 2020.
Dự án bao gồm chuỗi sản xuất khép kín, cung cấp máy nông nghiệp, nông cụ, vật tư nông nghiệp, ứng dụng cơ giới hóa và kỹ thuật từ khâu làm đất đến khâu thu hoạch, đầu tư KCN phục vụ nông nghiệp để sản xuất, chế biến gạo, lương thực thực phẩm…
Dự án có các trục đường chính nối từ đường đê hữu sông Hóa theo hướng Tây Nam, trục chính chạy giữa KCN rộng 31,5 m, đường đê hữu sông Hóa rộng 22,5 m, đường dẫn vào KCN kết nối với Quốc lộ 10 rộng 26,5 m, trục đường quanh KCN kết hợp đê bao.
Mạng kênh bao quanh KCN rộng 25 m kết nối với hệ thống sông, kênh tưới tiêu, vận chuyển hàng hóa. Bến cảng ở phía Đông Bắc KCN kết nối giao thông đường sông cho KCN và đồng bằng sông Hồng…
Các khu chức năng trong KCN gồm Khu trung tâm điều hành - dịch vụ; Khu nhà máy; Khu hạ tầng kỹ thuật điện, nước; Khu vực tập kết chất thải; Khu cây xanh,…
Hoạt động của KCN cùng hệ thống cánh đồng mẫu và cánh đồng liên kết sẽ tác động mạnh mẽ đến phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thái Bình và lan tỏa đến các tỉnh đồng bằng sông Hồng, góp phần thay đổi tư duy, dịch chuyển cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho người nông dân, tạo động lực, thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ phục vụ nông nghiệp, phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng, thương hiệu và an toàn.
Dự án KCN chuyên phục vụ nông nghiệp Vùng Đồng bằng Bắc Bộ sẽ mang lại nguồn thu cho ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm trực tiếp cho hơn 1.200 lao động và hàng chục ngàn lao động gián tiếp, hình thành lực lượng công nhân kỹ thuật nông nghiệp và đội ngũ kỹ sư, chuyên gia chuyên sâu nghiên cứu phát triển nông nghiệp.
Bên cạnh đó, Dự án còn góp phần thay đổi nền sản xuất nông nghiệp tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng thương hiệu nông sản Việt trên trường quốc tế, hướng tới xuất khẩu những mặt hàng nông nghiệp có giá trị thương mại cao.
Đối với nhà đầu tư, KCN phục vụ nông nghiệp được xây dựng tập trung các nhà máy, xí nghiệp sẽ tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, quản lý môi trường tốt hơn, tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp, xây dựng mô hình KCN phục vụ nông nghiệp theo hướng hiện đại gắn chặt với nông dân, nông nghiệp, nông thôn.