Thủ tướng: Bí thư, Chủ tịch phải ra tay để có mặt bằng cho thi công

(PLVN) - Thủ tướng đề ra mục tiêu đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long là bằng mọi biện pháp, phải giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Vì vậy, các Bí thư, Chủ tịch phải ra tay để có mặt bằng cho thi công.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc làm việc.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận cuộc làm việc.

Kết luận cuộc làm việc với các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận các ý kiến, trong đó có nhiều tỉnh quyết tâm giải ngân 100%, không điều chỉnh chỉ tiêu. Thủ tướng cũng đánh giá các địa phương đã khắc phục tốt hơn các hậu quả của hạn mặn, đã quyết liệt, hiệu quả phòng chống COVID-19.

Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ bảo đảm môi trường vĩ mô ổn định, thúc đẩy mở rộng phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bổ sung cơ chế chính sách, văn bản pháp luật, tháo gỡ nút thắt, khắc phục chồng chéo, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nhất là phân cấp phân quyền cho các địa phương chủ động tốt hơn nữa.

Về phần mình, địa phương phải kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho các địa bàn, đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ sản xuất,  tạo việc làm; triển khai có hiệu quả các gói hỗ trợ, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để trục lợi chính sách. Địa phương còn phải quan tâm, không để đổ vỡ hệ thống doanh nghiệp địa phương, quan tâm đến đồng bào dân tộc, người nghèo, công nhân, người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Thời gian tới, Thủ tướng đề cao tinh thần là làm gì, dù tình hình thế nào thì cũng phải bình tĩnh, có ý chí và quyết tâm vượt qua khó khăn. Đối với công tác phòng chống dịch bệnh, cần cảnh giác, kịp thời, áp dụng công nghệ, truy vết, bao vây ngay khi có ổ dịch xuất hiện.

Trong phát triển kinh tế - xã hội, cố gắng tăng trưởng dương. “Tăng trưởng GRDP toàn vùng không thấp hơn mức trung bình của cả nước. Bằng mọi biện pháp giải ngân vốn đầu tư công đạt 100%. Các đồng chí Bí thư, Chủ tịch phải ra tay để có mặt bằng cho thi công”, Thủ tướng yêu cầu.

Bên cạnh kinh tế truyền thống, có thể lưu ý phát triển một số ngành mới như thương mại điện tử, kinh tế số, kinh tế ban đêm… Phát triển kinh tế số dựa vào tiềm năng, thế mạnh, lợi thế của các địa phương trong vùng; tăng cường áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng những cánh đồng “thông minh”.

Về nông nghiệp, hướng sản xuất là nông nghiệp hàng hóa chất lượng, giá trị và giá trị gia tăng cao với 3 trọng tâm: thủy sản - cây ăn quả - lúa gạo theo tỷ lệ, cơ cấu phù hợp với diễn biến của khí hậu, môi trường. Các trường, trung tâm đào tạo nghề chất lượng cao, đại học đa năng chất lượng cao theo mô hình đào tạo gắn liền với nhu cầu về nhân lực và hoạt động sản xuất của các nhà máy, khu công nghiệp, khu kinh tế.

Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương tích cực, chủ động hỗ trợ các địa phương trong vùng kết nối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn đa quốc gia đang có xu hướng chuyển dịch vốn đầu tư vào Việt Nam để thu hút đầu tư thời gian tới.

Đọc thêm