Thế nhưng cuối cùng, dường như là số phận, đúng “chất” của “con nhà nòi”, ông đã trở thành 1 trong những thủ tướng trẻ nhất của Canada.
Có “gien” chính trị từ nhỏ
Ngày 23/6/1971, Văn phòng Thủ tướng Canada thông báo phu nhân của Thủ tướng Pierre Elliott Trudeau là bà Margaret Sinclair đã mang bầu. Chào đời vào dịp Lễ Giáng sinh cùng năm, con trai của Thủ tướng Pierre Elliott trở thành đứa trẻ thứ 2 trong lịch sử Canada chào đời khi cha đang là nguyên thủ và được đặt tên là Justin Trudeau.
Bên cạnh người cha nổi tiếng từng đảm nhận 2 nhiệm kỳ Thủ tướng Canada, Trudeau còn có ông ngoại là James Sinclair – từng giữ chức Bộ trưởng Ngư nghiệp trong chính phủ của Thủ tướng Louis St. Laurent.
Có giai thoại kể lại rằng việc ông Trudeau về sau tiếp bước cha trở thành thủ tướng Canada đã được tiên lượng khi ông mới 4 tháng tuổi.
Cụ thể, vào năm 1972, trong buổi tiệc tiếp đón nhân chuyến thăm của ông Nixon tới Ottawa, Tổng thống Mỹ khi đó đã nâng ly lên vào nói: “Tối nay, chúng ta sẽ dẹp bỏ mọi nghi thức rườm rà. Tôi muốn nâng ly chúc mừng Thủ tướng tương lai của Canada Justin Pierre Trudeau”.
Tuy nhiên, cái giá của việc là con của thủ tướng, được sống trong cảnh mà nhiều người xem là “nhung lụa” thực sự không rẻ. Đầu tiên là việc, cuộc hôn nhân của cha mẹ ông Trudeau không yên ổn. Ông Pierre Elliott và vợ chính thức thông báo ly thân vào tháng 5/1977, khi Trudeau được 5 tuổi.
Cậu con trai được cha chăm sóc. Tháng 11/1983, luật sư của bà Margaret chính thức đệ đơn ly hôn và việc chia tay giữa vợ chồng ngài thủ tướng của Canada hoàn tất vào tháng 4/1984. Trước đó 2 tháng, ông Pierre Elliott thông báo ý định rời khỏi chính trường.
Trong một cuộc phỏng vấn năm 2009, ông Trudeau nói rằng cha mẹ ông thực sự rất yêu nhau nhưng khoảng cách giữa 2 người là do chênh lệch tuổi tác đến 30 năm – ông Pierre Elliott sinh năm 1919, còn bà Margaret sinh năm 1948.
Nói thêm trong cuốn hồi ký được xuất bản năm 2014, ông Trudeau kể rằng cuộc hôn nhân của cha mẹ ông tan rã là kết quả của “sự kết hợp không hoàn hảo giữa một người đàn ông lạnh lùng, lãnh đạm với một người phụ nữ trẻ trung và năng động”. “Đó là một sự kết hợp thảm họa, thậm chí còn hơn thế”, ông viết.
Trong cuốn hồi ký, Trudeau cho biết ông có nhiều kỷ niệm đẹp với cha mẹ và được lớn lên trong cảnh sung túc ở số 24 Sussex Dr. Tuy nhiên, ông cũng kể về những khoảnh khắc đau đớn khi chứng kiến cảnh cha mẹ “cơm không lành, canh không ngọt” năm ông lên 8.
Đó là những lúc mà Trudeau phải cố đẩy tâm trí mình trốn vào những cuốn truyện tranh để quên đi việc cha mẹ đang cãi cọ nhau, là cảnh mẹ ông lầm lũi dọn ra khỏi khu dinh thự của thủ tướng hay cảm xúc khó tả khi phải cố lướt qua những dòng tít lạnh lùng trên báo chí viết về cuộc chia tay của cha mẹ ông.
Trudeau cho rằng cuộc hôn nhân của cha mẹ ông tan vỡ có một phần nguyên nhân từ việc cha ông là con người của công việc, dành quá nhiều thời gian cho những nghĩa vụ với đất nước, khiến người vợ trẻ cảm thấy mình không phải là hôn thể của chồng, bị xem nhẹ so với công việc của thủ tướng.
Trả lời phỏng vấn năm 2008, Trudeau kể rằng, trong những năm tháng đầu đời, ông thích nhất là những chuyến cắm trại của gia đình. Bởi, “ở đó cha của chúng tôi chỉ là cha của chúng tôi, một người cha giữa cánh rừng”.
Thêm vào đó, bà Margaret lại mắc chứng rối loạn lưỡng cực, khiến công chúng có cái nhìn không đúng về bà. Đây cũng là một yếu tố lớn dẫn tới cuộc chia tay của cha mẹ ông Trudeau.
“Sự thật là mẹ tôi rất yếu. Nếu bệnh của bà là dạng vật lý thì mọi người, bao gồm cả gia đình và bạn bè – còn dễ thông cảm và hiểu cho bà hơn”, Trudeau viết. Những thành kiến đối với chứng bệnh được cho là tâm thần đó càng khiến bà Margaret trở nên khó sống hơn với dư luận.
Tại trường học, nhiều người bạn đã cố tình châm chọc Trudeau vì cuộc chia ly của cha mẹ ông. Ông kể lại rằng, có lần, một học sinh lớn tuổi đã cố tình cho ông xem bức ảnh mẹ ông trên một tạp chí của người lớn. Trudeau kể rằng ông chưa từng nhìn thấy bức ảnh đó, vì thế nó đã khiến ông xây xẩm mặt mày. Tuy nhiên, ông biết rằng, nếu ông để lộ ra sự đau đớn hay bị sốc vì bức ảnh, đó sẽ là sự kiện mở màn cho những vụ việc tiếp theo.
“Tôi học được ở trường Brebeuf rằng không được để người ta chứng kiến phản ứng cảm tính mà họ muốn thấy khi tấn công cá nhân. Chính kỹ năng đó đã giúp tôi vượt qua mọi thứ trong những năm về sau”, Trudeau viết trong nhật ký khi nói về cách thức giúp ông vượt qua những cuộc công kích của những người bảo thủ trong suốt nhiều năm liền.
Nỗ lực vượt qua chiếc bóng của cha
Trudeau thừa nhận, trong suốt thời gian đi học ông chỉ là một học sinh trung bình, đăng ký những khóa học mà ông thích và bỏ qua những phần còn lại, khiến cha ông rất thất vọng.
Theo Trudeau, ông đã cố tình bỏ qua một khóa học để được nhận vào trường luật McGill. Việc làm đó giống như tuyên bố thể hiện suy nghĩ bấy lâu trong ông rằng ông không giống cha dù cha vẫn luôn là “anh hùng, hình mẫu, sách hướng dẫn sống” của ông.
“Tôi không vào trường luật để buộc bản thân và cha tôi chấp nhận sự thực rằng tôi sẽ không thể đạt được học vị cao như ông ấy. Đó không phải là con đường của tôi”, ông nói.
Trên thực tế, Trudeau đã đi con đường của riêng ông. Ông có bằng đại học về văn học và giáo dục. Ông đã tới tỉnh British Columbia và trở thành một võ sỹ quyền anh, một hướng dẫn viên trượt tuyết và sau đó là một giáo viên.
|
Thủ tướng Canada Justin Trudeau |
Theo đương kim thủ tướng Canada, trong khi người em trai Alexandre cố gắng tiếp bước cha thì em út Michel lại nổi loạn và tìm cách sống ẩn danh còn ông thì có suy nghĩ trung tính.
“Cái tên Trudeau với tôi rất đỗi tự hào nhưng tôi muốn được đánh giá dựa trên những thành tích của chính tôi, một con người có tình cảm, trí tuệ và thái độ tách biệt với cha tôi”, ông nói.
Trong nhiều năm, Trudeau đã cố ý tách khỏi các hoạt động chính trị. Tuy nhiên, trong một cuộc họp của ban lãnh đạo Đảng Tự do vào năm 2006, khi có mặt để ủng hộ nghị sỹ Gerard Kennedy, Trudeau phát hiện ra rằng ông thực sự yêu thích và có tài năng “chính trị”, trong đó có việc gặp mặt, nói chuyện với các cử tri để vận động sự ủng hộ của họ.
Phát hiện này đã giúp ông Trudeau dẹp bỏ được lo lắng sẽ bị so sánh với người cha quá cố và đưa đến quyết định dấn thân vào hoạt động chính trị của ông. “Tôi không phải chỉ là con trai của bố tôi mà còn là cháu của ông Jimmy Sinclair”, ông nói.
Chiến dịch tranh cử 78 ngày
Sau khi quyết định gia nhập chính trường, năm 2007, ông Trudeau tiến hành chiến dịch vận động dựa vào cộng đồng nhằm giành đề cử của Đảng Tự do đại diện khu vực Papineau tại Hạ viện.
Trong 2 năm 2009 và 2010, ông trở thành đại diện Đảng Tự do về các vấn đề quyền lợi của giới trẻ, nhập cư, quyền công dân, và đa văn hóa tại Quốc hội Canada. Năm 2011, ông tái đắc cử Hạ nghị sĩ đại diện Papineau. 2 năm sau, với việc chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử lãnh đạo Đảng Tự do, trở thành Chủ tịch của Đảng.
Năm 2015, Trudeau đã cùng đảng Tự do bước vào cuộc bầu cử liên bang với chiến dịch vận động tập trung xây dựng một phong trào tiến bộ mới cho người Canada. Ông đã làm việc chặt chẽ với nhóm vận động để xây dựng kế hoạch để tạo ra việc làm, phát triển nền kinh tế và tăng cường tầng lớp trung lưu của Canada.
Với sự lãnh đạo của Justin, kế hoạch của Đảng Tự do đã nhấn mạnh cơ hội kinh tế công bằng cho mọi người, tôn trọng và quảng bá tự do, hướng tới một chính phủ dân chủ hơn và thực sự đại diện cho người dân Canada.
Với những thông điệp mạnh mẽ như vậy, ngày 19/10/2015, Đảng Tự do và ông Trudeau đã giành chiến thắng vang dội tại cuộc tổng tuyển cử. Tại cuộc bầu cử này, đảng của ông giành được nhiều hơn đến 150 ghế trong Hạ viện so với bầu cử năm 2011, và lần đầu tiên sau 10 năm lấy lại thế đa số trong Quốc hội. Đảng của ông có ghế ở tất cả các tỉnh và lãnh thổ trên khắp Canada.
Ngày 4/11/2015, ông Trudeau chính thức nhậm chức Thủ tướng Canada. Ở tuổi 45, ông là Thủ tướng trẻ thứ hai trong lịch sử Canada.