Thủ tướng chỉ đạo chủ động phòng chống thiên tai

(PLVN) - Kết luận hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2018, triển khai nhiệm vụ trong thời gian tới được tổ chức tại Hà Nội sáng 20/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh việc xây dựng các kịch bản ứng phó phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là cần thiết, không để lúng túng, bị động khi có thiên tai xảy ra. 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thiên tai diễn biến bất thường, khó dự báo

Hội nghị còn có sự tham dự của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về Phòng chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Lần đầu tiên, một hội nghị trực tuyến thu hút sự tham gia của 27.000 người với 63 tỉnh, thành và nhiều Bộ, ban ngành Trung ương.

Ông Nguyễn Xuân Cường (Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết thiên tai đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng với những yếu tố hết sức cực đoan, bất thường, khó dự báo. Năm 2018, mặc dù đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, thiệt hại về người và tài sản có giảm, song vẫn còn rất nặng nề với 224 người chết và mất tích (giảm 30% so với năm 2017 là 386 người), thiệt hại kinh tế khoảng 20.000 tỷ đồng (giảm 67% so với năm 2017 là 60.000 tỷ đồng).

Từ đầu năm 2019 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 12 loại hình thiên tai làm 23 người chết và mất tích. Tổng thiệt hại về kinh tế ước tính trên 337 tỷ đồng. Bộ trưởng Cường cho rằng, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai có diễn biến bất thường, cực đoan hơn cả về cường độ, thời gian, địa điểm xuất hiện và trái quy luật; nhiều nơi có mưa cục bộ cường độ lớn, mưa trái mùa đến sớm, bão đổ bộ vào khu vực trước đây ít xuất hiện, lũ lớn kéo dài ở Đồng bằng sông Cửu Long, dông lốc, sét thường xuyên xảy ra gây thiệt hại cho hầu hết các khu vực trên cả nước.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2019, bão hoạt động muộn hơn trung bình nhiều năm. Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới ít hơn so với trung bình nhiều năm. Về lũ và hạn hán, ở Bắc Bộ, từ tháng 7-10/2019, trên các sông suối khu vực Bắc Bộ sẽ xuất hiện nhiều đợt lũ. Mực nước hạ lưu sông Hồng tại Hà Nội thấp hơn báo động 1 từ 1-2m.

Về công tác Phòng chống thiên tai thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, sẽ xây dựng Trung tâm  điều hành Phòng chống thiên tai Quốc gia vào cuối năm 2019. Xây dựng Đề án tổng thể Phòng chống thiên tai các khu vực: Miền núi phía Bắc (tập trung chính vào nâng cao năng lực ứng phó với lũ quét, sạt lở đất); miền Trung, Tây Nguyên (Nâng cao năng lực ứng phó với bão mạnh, siêu bão, đặc biệt với khu vực ít xảy ra bão) và triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP về Đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thành việc lắp đặt thí điểm cảnh báo lũ quét sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi. Tại Hội nghị, Văn phòng Chính phủ đã công bố Quyết định 01/TTg-CP ngày 9/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ về kiện toàn Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.

Xây dựng các kịch bản ứng phó thiên tai 

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Việt Nam là đất nước thường xuyên có thiên tai, công tác Phòng chống thiên tai  luôn đặt lên hàng đầu và phải luôn chủ động, không được chủ quan. “Nếu chúng ta chủ quan, hậu quả thiệt hại sẽ rất lớn. Tính mạng của nhân dân là trên hết, bảo vệ người dân và tài sản, giảm thiểu rủi ro là mục tiêu lớn nhất, làm sao không ai bị bỏ lại khi thiên tai xảy ra”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng đánh giá cao những kết quả và nỗ lực mà các Bộ, ban ngành, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã đạt được trong năm 2018, trong đó phương châm “4 tại chỗ” được Thủ tướng coi là yếu tố then chốt khi có thiên tai xảy ra. 

Trong năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đã hỗ trợ các địa phương 10.000 tỷ đồng trong công tác Phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai gây ra. “Ngoài ngân sách của Nhà nước, chúng ta cần xã hội hóa các nguồn lực để phòng ngừa thiên tai. Đó cũng là trách nhiệm với nhân dân của Chính phủ, của các Bộ, ban ngành trước mỗi mùa mưa bão đến”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng vui mừng đánh giá trong thời gian vừa qua, công tác Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam đã có nhiều nỗ lực và cố gắng, thậm chí đã thể hiện vai trò quốc tế khi tham gia tìm kiếm cứu nạn tại biển Đông, thể hiện trách nhiệm, tinh thần cao độ tương thân tương ái khi có sự cố, thiên tai xảy ra như cứu 22 ngư dân Philippines, chữa cháy tàu hàng của Singapore...

Cùng với đó, Thủ tướng không quên nhắc nhở những việc cần làm trong thời gian tới đối với từng lĩnh vực, Bộ, ban ngành cụ thể bởi thiệt hại do thiên tai gây ra vẫn còn rất lớn. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhanh chóng rà soát, kiểm tra an toàn các hồ đập, hồ chứa trước khi mùa mưa bão đến. Đồng thời gia cố, sửa chữa đảm bảo an toàn để không có vấn đề gì xảy ra khi lũ lên nhanh hay bất ngờ. 

Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường cần nâng cao công tác dự báo, cảnh báo đối với thiên tai, áp dụng khoa học kỹ thuật để đảm bảo tốt thông tin kịp thời tới các cơ quan chức năng và người dân.

Đối với các địa phương, Thủ tướng nói: “Cần cân đối ngân sách dự phòng cho công tác Phòng chống thiên tai hợp lý, kịp thời. Phát triển kinh tế - xã hội phải gắn liền với các yếu tố thiên tai, phải biết quy hoạch để đảm bảo an toàn cho người dân”. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 10 nhiệm vụ cần làm đối với toàn thể hội nghị và các địa phương, trong đó khẳng định việc xây dựng các kịch bản ứng phó Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là cần thiết, không để lúng túng, bị động khi có thiên tai xảy ra. 

Cuối cùng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: “Xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai là việc của cả hệ thống chính trị, của tất cả các Bộ, ban ngành và địa phương cả nước. Giảm thiểu rủi ro thiên tai từ cộng đồng phải là những chương trình hành động cụ thể, có hiệu quả cao và được áp dụng rộng rãi”.

Đọc thêm