Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Bạc Liêu cần phát huy nội lực sẵn có để phát triển kinh tế xã hội

(PLVN) - Chiều 4/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng  và những nhiệm vụ trọng tâm đến hết năm 2022.

Phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện gió, điện mặt trời

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao, biểu dương và ghi nhận những kết quả đạt được của Bạc Liêu trong thời gian qua. Đồng thời, yêu cầu Bạc Liêu cần phải nắm rõ tình hình thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng để có phương hướng, kế hoạch cụ thể trong chỉ đạo, lãnh đạo phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ Bạc Liêu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc với Tỉnh uỷ Bạc Liêu.

“Bạc Liêu cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, chỉ đạo của Trung ương, bộ, ngành trong thời gian tới. Trong phát triển kinh tế, Bạc Liêu phát huy kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, trong đó gạo và tôm là chủ lực; nâng cao chất lượng chương trình mỗi địa phương 1 sản phẩm (OCOP); phát triển năng lượng tái tạo trong đó có điện gió, điện mặt trời; phát triển du lịch gắn với đờn ca tài tử. Tỉnh cũng cần phải tập trung phát triển cơ sở hạ tầng; nâng cao dân trí, đào tạo nguồn lực chất lượng, bồi dưỡng nhân tài và tạo việc làm cho lao động địa phương; chú trọng y tế, giáo dục,… phát triển kinh tế tập thể, tạo điều kiện cho doanh nghiệp an tâm sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, Bạc Liêu tập trung đẩy mạnh vốn đầu tư công; huy động các nguồn lực hợp tác đầu tư; rà soát, phân loại cụ thể các ngân hàng, các tổ chức tín dụng an toàn, bền vững để trên cơ sở đó nâng cao hạn mức tín dụng, hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển đổi số; tinh giản bộ máy gắn với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; đẩy mạnh tiêm vaccine COVID-19; Đồng thời, cần phải đảm bảo công tác an sinh xã hội, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công, người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau, phát huy giá trị văn hóa truyền thống” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu.

Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác tại Tỉnh uỷ Bạc Liêu.

Quang cảnh buổi làm việc của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác tại Tỉnh uỷ Bạc Liêu.

Tại buổi làm việc, ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Trong 11 tháng đầu năm 2022, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là dịch COVID-19 vẫn còn tiềm ẩn nhưng tăng trưởng kinh tế của Bạc Liêu ước tăng 9,6%, đảm bảo kế hoạch đề ra. Công nghiệp năng lượng tái tạo phát triển tốt, với 08 dự án điện gió tổng công suất 469 MW đang vận hành ổn định. Xuất khẩu hàng hóa có nhiều khởi sắc; kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 779,16 triệu USD (tăng 10,18% so cùng kỳ).

Tỉnh Bạc Liêu đã cấp quyết định chủ trương đầu tư, giấy phép đầu tư cho 11 dự án (gồm 10 dự án trong nước, với tổng vốn đăng ký 8.639 tỷ đồng; 01 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đăng ký 18,35 triệu USD). Đồng thời, tổ chức thành công Hội nghị Xúc tiến đầu tư, với sự tham gia của hơn 500 đại biểu; đã trao chủ trương đầu tư cho 13 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 17.000 tỷ đồng, đồng thời kêu gọi đầu tư 195 dự án trên hầu hết các lĩnh vực trọng tâm của tỉnh.

Ông Thiều cho biết: Tính đến hết ngày 02/12/2022, giải ngân được 2.174/3.341 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 65,1% (tăng 22,1% so với cùng kỳ). Và hiện nay sau khi điều chỉnh kế hoạch vốn thì công tác giải ngân đang trong giai đoạn “tăng tốc”, bình quân mỗi ngày giải ngân tăng được khoảng gần 2%, tương đương mức vốn khoảng 60 – 70 tỷ/ngày; dự kiến đến cuối năm 2022 giải ngân đạt 95%,...

Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác.

Ông Phạm Văn Thiều - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác.

Ông Phạm Văn Thiều cũng đề xuất và kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Đoàn công tác các nội dung. Cụ thể, về phát triển lĩnh vực năng lượng (phát triển điện gió) kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương xem xét, tạo điều kiện cho tỉnh sớm được bổ sung quy hoạch điện gió của tỉnh giai đoạn đến 2025 tổng cộng 2.000 MW (gồm 500 MW điện gió trên bờ và 1.500 MW điện gió ngoài khơi), để phát huy đúng mức tiềm năng điện gió của tỉnh theo quy hoạch của Bộ Công Thương. Về đầu tư lưới điện truyền tải xem xét, sớm phê duyệt quy hoạch đường dây truyền tải 500kV Bạc Liêu đi Thốt Nốt, Cần Thơ; đồng thời chấp thuận đưa dự án đầu tư đường dây truyền tải này vào danh mục các dự án đầu tư được phê duyệt trong quy hoạch điện VIII; trường hợp khó khăn thì cho cơ chế đặc thù để doanh nghiệp đầu tư vốn xây dựng đường dây truyền tải và thu hồi vốn đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành,...

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cũng kiến nghị và đề xuất Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn công tác tăng cường phân cấp cho địa phương trong việc quyết định chuyển mục đích sử dụng đất (chuyển đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ vào các mục đích khác) áp dụng đối với phần diện tích đất đã có trong kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; cho phép tỉnh Bạc Liêu được sử dụng nguồn đất dôi dư (trong nạo vét kênh mương, cải tạo ao nuôi tôm…) để phục vụ cho các dự án, công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh; xem xét, ban hành chính sách hỗ trợ kinh phí mua Bảo hiểm Y tế cho các đối tượng mới thoát nghèo ở địa phương.

Bồi thường giải phóng mặt bằng cho các tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) đã tích cực giao mặt bằng để thực hiện Dự án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm hỏi người dân xã Vĩnh Lộc (huyện Hồng Dân) đã tích cực giao mặt bằng để thực hiện Dự án.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã khảo sát công tác giải phóng mặt bằng đường cao tốc Bắc Nam phía Đông, tuyến Cần Thơ – Cà Mau đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu.

Tại buổi khảo sát, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải thẩm định Phê duyệt dự án thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư; chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác thiết kế và bàn giao hồ sơ và cọc mốc giải phóng mặt bằng cho địa phương để thực thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; đảm bảo bố trí đủ vốn cho địa phương để tổ chức thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng theo quy định; phối hợp với địa phương trong quá trình triển khai công tác giải phóng mặt bằng và tiếp nhận mặt bằng sạch để tổ chức thi công dự án…

Đồng thời, các Bộ ngành căn cứ theo chức năng nhiệm vụ của đơn vị mình, chủ động phối hợp Bộ Giao thông vận tải và các địa phương có tuyến cao tốc đi qua xử lý tháo gỡ khó khăn, vướng mắc (nếu có), chủ yếu là về thủ tục đầu tư, về bố trí vốn, về xử lý quy hoạch kế hoạch sử dụng đất, về hỗ trợ hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành…

“Các địa phương phải phối hợp chặt chẽ trong triển khai các nhiệm vụ; rà soát, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đảm bảo đủ cơ sở để thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; tiếp nhận hồ sơ, cọc mốc giải phóng mặt bằng từ Chủ đầu tư; chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng cho các tổ chức, hộ gia đình bị ảnh hưởng, bố trí tái định cư và di dời các công trình hạ tầng trong phạm vi dự án theo quy định hiện hành.

Tổ chức bàn giao mặt bằng sạch đã được bồi thường giải phóng mặt bằng cho Bộ Giao thông vận tải đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tổ chức thi công dự án; chỉ đạo các Sở ngành thông báo giá vật liệu xây dựng và chỉ số giá kịp thời, phù hợp với thực tế; phối hợp với Bộ Giao thông vận tải trong suốt quá trình triển khai dự án và kịp thời xử lý các vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng và các nội dung khác theo trách nhiệm của địa phương” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Cũng tại buổi khảo sát, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thúc đẩy việc thử nghiệm sử dụng cát biển làm vật liệu san lấp, các địa phương không cục bộ về nguồn vật liệu.

Tuyến Cần Thơ – Cà Mau dài khoảng 110km, 11 nút giao liên thông với tổng vốn đầu tư khoảng 27.500 tỷ đồng. Có khoảng 3.800 hộ dân phải di dời, hiện nay các cơ quan đã đền bù đạt khoảng 85% kinh phí để sẵn sàng giải phóng mặt bằng, vượt tiến độ nên cần bố trí thêm kinh phí cho giải phóng mặt bằng.

Dự án trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đi qua 2 xã Vĩnh Lộc và Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân với chiều dài 7,7 km. Giai đoạn hoàn chỉnh là đường cao tốc vận tốc thiết kế 100 km/h. Tổng giá trị thực hiện giải phóng mặt bằng đoạn qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu khoảng 184,51 tỷ.

Đọc thêm