Thủ tướng chủ trì hội nghị "Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội"

(PLVN) - Sáng 16/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị “Tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội”.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Xác định nhà ở là 1 trong 3 trụ cột của an sinh xã hội

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến, kết nối từ trụ sở Chính phủ tới 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng dự ở đầu cầu trụ sở Chính phủ có Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lãnh đạo các bộ, ngành, các chuyên gia, các tổ chức tài chính, ngân hàng, hiệp hội bất động sản.

Việc chăm lo giải quyết nhu cầu nhà ở cho người dân, đặc biệt là đối tượng thu nhập thấp và công nhân tại các khu công nghiệp luôn được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm và được xác định là một nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Đặc biệt, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 338/QĐ-TTg về "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030". Chúng ta cũng có Chương trình 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư vay với mức lãi suất thấp.

Thời gian qua, một số địa phương đã có cách làm tốt, đẩy nhanh tiến độ các dự án trên địa bàn và bước đầu cho thấy kết quả tích cực của chính sách này. Dù vậy, những điểm sáng như trên không nhiều. Một số địa phương trọng điểm dù có nhu cầu lớn về nhà ở xã hội nhưng việc đầu tư xây dựng còn hạn chế so với mục tiêu của đề án.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, hội nghị này nhằm bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Quan điểm của Đảng, Nhà nước xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước có 3 trụ cột chính: Xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Xuyên suốt quá trình này, chúng ta luôn coi con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, mục tiêu cho sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Thủ tướng nêu rõ, chúng ta xác định nhà ở là 1 trong 3 trụ cột của an sinh xã hội; có “an cư mới lạc nghiệp”. Đây là một trong những giải pháp phù hợp đường lối, chính sách của Đảng, phù hợp đạo đức, truyền thống văn hoá của dân tộc; trong điều kiện khó khăn hiện nay, muốn làm được gì thì đều phải có chính sách; cơ chế, chính sách, luật pháp đều do ta; quy hoạch đất đai có hay không, tổ chức thực hiện cũng đều do ta; do đó, xã hội phải làm, nhân dân phải làm, doanh nghiệp phải làm.

Chúng ta cần suy nghĩ, xem lại xem chủ trương này đã “đúng, trúng” chưa? Đã “đúng, trúng” rồi mà chưa làm được thì nguyên nhân khách quan, nguyên nhân chủ quan là gì, cách tháo gỡ như thế nào? Nhà nước, doanh nghiệp, nhân dân phải tháo gỡ cái gì? Mỗi chủ thể liên quan phải hành động, mỗi người, mỗi chủ thể đều có chức năng riêng; các khâu phải vận hành tốt.

Chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật; phải chăng cơ chế, chính sách còn thiếu, chưa phù hợp? Quy hoạch đất đai chưa “đúng và trúng”. Các chủ thể có liên quan phải mỗi người, mỗi tổ chức trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phải làm hết trách nhiệm, tâm huyết. Từng chủ thể phải phát huy hết khả năng của mình, đạo đức xã hội, truyền thống lịch sử, văn hoá của dân tộc, “lá lành đùm lá rách”, người có điều kiện giúp người chưa có điều kiện.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, chỉ rõ những việc đã làm được và chưa làm được - Ảnh VGP/Nhật Bắc

Phát triển nhà ở xã hội chưa như mong muốn

Theo Bộ Xây dựng, mặc dù Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm, có nhiều chính sách, tuy nhiên, kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa như mong muốn.

Đến nay, cả nước đã quy hoạch 1.316 khu đất, với quy mô 8.611 ha làm nhà ở xã hội. Từ năm 2021 đến năm 2023, trên địa bàn cả nước có 499 dự án nhà ở xã hội được triển khai với quy mô hơn 411 ngàn căn. Đặc biệt, gói tín dụng 120 ngàn tỷ cho vay nhà ở xã hội, đến nay, các ngân hàng đã cam kết cấp tín dụng cho 15 dự án với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng, trong đó đã có 8 dự án nhà ở xã hội tại 7 địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 640 tỷ đồng.

Thông tin về một số hạn chế khi thực hiện đề án, báo Chính phủ cho biết, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời trong giai đoạn đầu của Đề án, như: Trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn;

Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh Bất động sản số 29/2023/QH15 đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6, đã có thêm các chính sách ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; đơn giản thủ tục và các điều kiện để được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;...

Tuy nhiên, đến ngày 01/01/2025 thì Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 mới có hiệu lực thi hành, do vậy đến nay việc phát triển nhà ở xã hội vẫn còn gặp một số khó khăn vướng mắc như nêu trên.

Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp. Chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm.

Chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đôthị,khu công nghiệp; ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập.

Chưa quyết tâm, chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao tại Đề án; chưa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án để đảm bảo hoàn thành mục tiêu đề ra; một số thành phố lớn, tập trung nhiều người lao động thu nhập thấp, có nhu cầu về nhà ở xã hội cao tuy nhiên địa phương đăng ký nhà ở xã hội hành thành trong năm 2024 thấp như: Hà Nội 1.181 căn, TP. Hồ Chí Minh 3.765 căn, Đà Nẵng 1.880 căn, Cần Thơ 1.535 căn...

Một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng các các cấp chính quyền địa phương chưa quan tâm, tạo điều kiện trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng.

Một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng chưa được nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ.

Một số dự án đã đủ điều vay vốn ưu đãi, tuy nhiên chưa được UBND cấp tỉnh rà soát để công bố danh mục được vay vốn ưu đãi.

Nguồn vốn 120.000 tỷ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ chưa được giải ngân hiệu quả do: Việc công bố danh mục nhà ở xã hội đủ điều kiện vay còn hạn chế. Đến nay đã có 127 dự án nhà ở xã hội, với quy mô 114.934 căn được khởi công xây dựng. Tuy nhiên, mới chỉ có 28 địa phương công bố danh mục 68 dự án đủ điều kiện vay theo Chương trình với nhu cầu vay vốn hơn 30.000 tỷ đồng. Như vậy còn 61 dự án đã khởi công nhưng chưa được đưa vào Danh mục đủ điều kiện vay của các địa phương.

Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã 02 lần hạ lãi suất nguồn vốn 120.000 tỷ đồng, tuy nhiên với lãi suất áp dụng trong nửa đầu năm 2024 là 8%/năm đối với chủ đầu tư và 7,5% đối với người mua nhà và Thời hạn được hưởng lãi suất ưu đãi ngắn (3 năm đối với chủ đầu tư, 5 năm đối với khách hàng cá nhân) chưa thực sự thu hút người vay.

Đọc thêm