Thủ tướng chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương

(PLVN) - Sáng 2/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương nhằm đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch COVID-19 khiến nền kinh tế toàn cầu sụt giảm trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay.

Là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý II tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.

Dịch COVID-19 tuy đã cơ bản được khống chế ở Việt Nam nhưng còn diễn biến phức tạp trên thế giới, làm cho các ngành thương mại, du lịch, vận tải và xuất nhập khẩu tiếp tục gặp khó khăn do chịu tác động trực tiếp của dịch bệnh, doanh nghiệp đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất, thu hẹp quy mô và tạm dừng hoạt động. Áp lực kiểm soát lạm phát, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng cao sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội.

Theo các chuyên gia kinh tế, điểm đáng chú ý là GDP quý II/2020 ước tính chỉ tăng 0,36% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 bởi đây là giai đoạn Chính phủ chỉ đạo thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nhằm giãn cách xã hội... 

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, với chủ trương chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm tính mạng và sức khỏe của người dân, thì mức tăng trưởng này cũng “không phải điều gì quá tồi tệ”. Thậm chí, Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ tăng trưởng dương trong bối cảnh dịch bệnh hầu như “hạ gục” hết các nền kinh tế lớn toàn cầu.

Tại hội nghị, Thủ tướng gợi mở một số vấn đề để các đại biểu tập trung thảo luận. Một là, mặc dù kinh tế vĩ mô nhìn chung ổn định nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong đó giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, rủi ro tỷ giá, thương mại, đầu tư, tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng. Tất cả các cấp, các ngành cần nhận diện, xác định rõ các rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành đồng bộ, hiệu quả, kịp thời.

Thứ hai là về điều hành công cụ chính sách kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách tài khóa và tiền tệ, kích cầu thúc đẩy tăng trưởng. Theo Thủ tướng, không chỉ phòng thủ dịch bệnh mà phải tiến công để phát triển. Khác với đa số các nước, dư địa tài khóa và tiền tệ của chúng ta còn khá lớn. Vấn đề đặt ra là trong bối cảnh khó khăn, việc duy trì chính sách tài khóa, tiền tệ chặt chẽ, thận trọng có phải là định hướng đúng, phù hợp không? Trong khi đó, nhiều nước giảm lãi suất xuống còn 0% hoặc âm, bơm tiền rất lớn vào thị trường…

Thứ ba, là giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Cho biết có gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, số vốn cần giải ngân trong năm nay, Thủ tướng nhấn mạnh, nếu giải ngân tốt thì đây sẽ là biện pháp kích cầu ngắn hạn hiệu quả, tạo động lực cho tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm và đầu năm 2021.

Thứ tư là trong điều kiện thị trường quốc tế bị thu hẹp, cầu nội địa giảm, chúng ta phải có những biện pháp cụ thể gì để mở rộng thị trường quốc tế, thúc đẩy thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng nội địa, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận.

Thứ năm, phải tập trung rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật và cắt giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương đề xuất, kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật nào, cắt giảm thủ tục hành chính nào, cần có cơ chế chính sách nào mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay.

Vấn đề thứ sáu cần bàn là chỉ đạo phát triển một số lĩnh vực kinh tế mới như kinh tế ban đêm, kinh tế số, kinh tế đô thị. Có địa phương mà cả năm không có một dự án nào khởi công trong khi nhu cầu rất lớn thì làm sao có thể phát triển được, Thủ tướng lưu ý.

Thứ bảy, làm thế nào thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, nguồn vốn FDI và phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương. Thủ tướng hoan nghênh cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân năng động đổi mới phương thức sản xuất kinh doanh, liên kết chặt chẽ, nỗ lực vượt khó. “Tuy nhiên, chúng ta thấy cố gắng này của doanh nghiệp, của người sản xuất kinh doanh chưa đủ mà chính chính quyền phải ra tay hỗ trợ”.

Tại Hội nghị, Chính phủ và các địa phương sẽ thảo luận các kịch bản, các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế.

Đọc thêm