Tại Nhà thi đấu tỉnh Đồng Nai, hôm nay, 30/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ, trao đổi với 3.000 công nhân lao động đến từ các tỉnh thành phía Nam gồm: Đồng Nai, TPHCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang. Trong không khí gần gũi, thân tình, Thủ tướng đã lắng nghe, chia sẻ thoả đáng tất cả các vấn đề bức xúc của công nhân lao động.
Bức xúc nhà ở, nhà gửi trẻ, đồng lương và bảo hiểm xã hội…
Tại cuộc gặp gỡ, công nhân phản ánh về nhà ở cho công nhân lao động và nhà trẻ cho con công nhân hiện chưa đáp ứng cho nhu cầu thực tế, công nhân cho rằng đây là vấn đề đang là bức xúc của người lao động, vậy Chính phủ có giải pháp gì giúp công nhân?
Thủ tướng cho biết: Vấn đề nhà ở công nhân, nhà trẻ cho con em công nhân còn nhiều bất cập trong hệ thống khu công nghiệp Việt Nam, dù Chính phủ đã có quy định nhưng tổ chức thực hiện nhiều bất cập. "Hôm nay tôi ghi nhận ý kiến và yêu cầu các khu công nghiệp, tỉnh thành trong cả nước phải xây dựng KCN đi kèm khu nhà ở, nhà trẻ cho công nhân và con em họ. Chúng ta cần xã hội hóa nhà ở, để công nhân có nơi cư trú, con em họ có trường mẫu giáo học đàng hoàng. Đừng để công nhân làm thêm ca mà con em họ thất học. Đảng, Nhà nước ghi nhận ý kiến này, thời gian tới Thủ tướng và các Bộ, ngành sẽ giải quyết tốt hơn”, Thủ tướng nói.
Công nhân đặt vấn đề: Mỗi kỳ điều chỉnh lương vùng, giá cả thị trường cũng tăng theo, là nỗi lo của người lao động. Lương điều chỉnh tháng 1, đầu tháng 2 mới nhận được, nhưng giá cả thị trường tăng trước rồi, công nhân Trịnh Anh Tuấn (Khu công nghiệp Bình Dương) hỏi Thủ tướng có biện pháp gì giúp công nhân giảm khó khăn cuộc sống hàng ngày?
Thủ tướng dẫn giải: Nếu giá cả tăng cao, Nhà nước sẽ có biệp pháp bình ổn giá. Năm 2015, lạm phát chỉ 0,63%, tăng lương hơn 12%. Dịch vụ bán lẻ cung cấp đáp ứng mọi mặt hàng thiết yếu công nhân, không để tư thương ép giá công nhân. Các tỉnh phía Nam tổ chức cung ứng tốt, bán lẻ tốt, không để tăng giá. Cùng với việc giảm lạm phát, tăng lương, Nhà nước sẽ giữ giá tốt hơn, nhiều chợ văn minh hơn, để công nhân tăng ca về nhà mua bán hàng hóa thuận lợi, đời sống tinh thần, vật chất cũng tốt hơn.
Về bảo hiểm xã hội, nhiều công nhân cũng nêu thực tế có những doanh nghiệp không đóng bảo hiểm xã hội cho công nhân, lao động. Vì vậy, người lao động muốn thay đổi công việc mới cũng khó vì không có bảo hiểm, lâu dài không được hưởng hưu trí.
Thủ tướng cho rằng đây là vấn đề rất sôi động trong thời điểm hiện nay. BHXH là 1 trong 3 trụ cột An sinh xã hội. Đây là quyền lợi thiết thân của người lao động.
Thủ tướng nhấn mạnh: “Phần lớn các doanh nghiệp trong và ngoài nước đều thực hiện, nhưng tất nhiên còn bộ phận không ít không chịu nộp, ảnh hưởng tới công nhân. Luật BHXH đã quy định: Sẽ thanh tra trong công đoàn và ngành BHXH VN. Đây là nhiệm vụ quan trọng của các ngành, các cấp. Chúng ta đã có chế tài, đơn vị nào không đóng bảo hiểm, chây ỳ thì ngoài xử phạt hành chính, còn bị phạt tù đến 7 năm, phạt đến 3 tỷ đồng. Chế tài nghiêm khắc để các doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm cho công nhân”.
Quan tâm chất lượng bữa ăn và nhu cầu giải trí
Vấn đề thực phẩm không đảm bảo chất lượng đang là nỗi lo ngại cho công nhân trong từng bữa ăn, công nhân Trần Thị Hằng Thu (KCN Đồng Xoài II, Bình Phước) trình bày: “Hiện nay bữa ăn công nghiệp chất lượng thấp, thực phẩm bẩn lại tràn lan trên thị trường, công nhân rất lo sợ doanh nghiệp mua thực phẩm không đảm bảo vệ sinh để phục vụ bữa ăn cho công nhân. Như vậy thì làm sao kiểm soát được tình hình này?”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận: “Phải công khai chất lượng, giá cả từng ký thịt, cân gạo trong bữa cơm công nhân. Để đảm bảo chất lượng bữa ăn công nhân, việc đầu tiên, công đoàn cơ sở phải công khai thực đơn, giá cả từ bữa ăn của công nhân tại nhà máy. Dù bữa ăn 10 ngàn đồng hay 15 ngàn đồng cũng phải công khai. Quyết không để thất thoát từng cân thịt, ký gạo, bữa ăn công nhân bị bớt xén”.
|
Thủ tướng trao đổi với công nhân trong không khí gần gũi, thân tình. |
Để tìm được nguồn thực phẩm sạch, trước hết phải công bố nguồn gốc thực phẩm mà bếp ăn của doanh nghiệp sử dụng: Mua ở đâu, chợ nào, siêu thị nào để nếu xảy ra ngộ độc thì ông chủ siêu thị phải chịu trách nhiệm cho việc quản lý của mình.
Không chỉ quan tâm đến chất lượng bữa ăn, mà đời sống văn hoá, nhu cầu giải trí của công nhân cũng được nêu ra. Công nhân Nguyễn Tấn Khang (Cty Dược phẩm Tipharco Tiền Giang) hỏi: “Thưa Thủ tướng, phần lớn công nhân lao động ở trong các khu công nghiệp hiện nay đều là những người xa quê và trong độ tuổi thanh niên, nên nhu cầu về giải trí, văn hóa, sau giờ làm việc rất lớn. Thủ tướng có định hướng gì để giải quyết vấn đề này?”
Thủ tướng cho biết: Nhu cầu giải trí, văn hóa là nhu cầu chính đáng của mọi người dân và cả công nhân. Chính phủ đã ban hành đề án về phát triển đời sống văn hóa thần, có một số nơi làm tốt như Vĩnh Phúc, Đồng Nai, Bình Dương nhưng phải thừa nhận là có nhiều nơi làm chưa tốt.Tổng LĐLĐ Việt Nam có trách nhiệm kiểm tra các thiết chế này ở các tỉnh, thành xem đã thực sự được đi vào đời sống chưa. Riêng bản thân tôi, tôi lắng nghe, coi đó là tồn tại và sẽ có hướng khắc phục”, Thủ tướng nói.
Mong muốn đào tạo nâng cao tay nghề và hội nhập
Công nhân Lê Mỹ Linh ( KCN Trảng Bàng, Tây Ninh) đặt câu hỏi: “Công nhân có nhu cầu nâng cao tay nghề để đảm bảo công việc và được tăng lương. Tuy nhiên đa số doanh nghiệp chưa tổ chức đào tạo hay tạo điều kiện cho công nhân học thêm nghề. Công nhân chỉ làm việc trong dây chuyền ngày này qua tháng khác, Thủ tướng có chia sẻ gì về vấn đề này?”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đáp: “Doanh nghiệp muốn phát triển thì dứt khoát phải đầu tư cho nguồn nhân lực. Nâng cao tay nghề là vũ khí sắc bén để nâng cao năng suất lao động. Chính quyền, công đoàn và cả doanh nghiệp cần có biện pháp cụ thể. chủ trương của công đoàn, chính quyền ở đây cần có biện pháp để nâng cao tay nghề. Con người là nguồn lực quan trọng nhất, doanh nghiệp muốn phát triển dứt khoát phải đầu tư cho nguồn nhân lực. Tất nhiên, Chính phủ cũng có những chính sách tác động và hỗ trợ để cho mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đạt hiệu quả nhanh và cao nhất”.
Cùng lo lắng cho việc nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, công nhân Nguyễn Văn Phê (Khu chế xuất Linh Trung, TPHCM) hỏi: “Trên nhiều kênh thông tin, các chuyên gia cho rằng khi Việt Nam gia nhập TPP thì người lao động sẽ gặp nhiều thách thức, dễ bị cạnh tranh lao động hơn. Vì vậy, Chính phủ có biện pháp gì để hỗ trợ công nhân nâng cao tay nghề nhằm đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và đảm bảo việc làm?”
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc nâng cao tay nghề là thiết thực và cấp thiết. Đất nước ta đang hội nhập sau về kinh tế, thời gian qua Việt Nam đã tích cực đàm phán, ký kết các hiệp định kinh tế với các quốc gia, châu lục. Bên cạnh đó, cộng đồng ASEAN được thành lập vào ngày 31/12/2015, cơ hội dịch chuyển việc làm giữa các quốc gia trong khối ASEAN sẽ thuận lợi, dễ dàng, người lao động ở nước này được quyền tự do tìm kiếm việc làm ở các quốc gia khác…
Đơn cử là, người lao động ở Malaysia sẽ có cơ hội sang Việt Nam làm việc và ngược lại. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức và thách thức cho lao động Việt Nam sẽ rất nhiều vì trình độ lao động Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước khác trong khu vực.
Để đáp ứng tình hình mới, công nhân phải học nữa, học mãi, phải không ngừng rèn luyện tay nghề, nâng cao trình độ, công nhân cũng phải học thêm cả ngoại ngữ để có thể đi ra thế giới. "Nếu chúng ta không học, không tự nỗ lực thì dù ở bất cứ nơi đâu chúng ta cũng sẽ thua thiệt. Ngoài các ban ngành, chính quyền địa phương, tổ chức Công đoàn cũng phải nhận trách nhiệm để tạo điều kiện cho công nhân có điều kiện học tập, nâng cao tay nghề”, Thủ tướng nói.