Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng; đại diện các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Tại hội nghị, tỉnh công bố Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1759/QĐ-TTg ngày 31/12/2023; trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; trao biên bản ghi nhớ/thỏa thuận hợp tác cho đại diện các doanh nghiệp, nhà đầu tư.
Toàn cảnh hội nghị. |
Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Lữ Quang Ngời - Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho biết: Thời gian qua, Vĩnh Long đạt được những thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nhất là ở 3 lĩnh vực tỉnh Vĩnh Long đang tập trung xúc tiến đầu tư. Về lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh tập trung phát triển, nâng cao sản lượng lúa (gần 700.000 tấn/năm) và chất lượng các loại cây ăn trái, rau màu như cam sành, chôm chôm, bưởi, khoai lang… (trên 1,2 triệu tấn/năm).
Về lĩnh vực thương mại, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được hoàn thiện, đồng bộ, Vĩnh Long đã kết nối thông suốt, nhanh chóng và thuận tiện với các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và các vùng kinh tế khác của cả nước.
Về lĩnh vực du lịch, tỉnh tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế tài nguyên du lịch sẵn có về văn hóa, về vùng đất và con người Vĩnh Long để phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh; tỉnh đang phát huy hiệu quả loại hình “du lịch homestay” với hơn 40 năm được hình thành và phát triển…
Theo ông Ngời, triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Đây là cơ sở để tỉnh Vĩnh Long thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái, là một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long;
Phát triển kinh tế nông nghiệp làm nền tảng phát triển du lịch, dịch vụ, đô thị và công nghiệp; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng, hình thành được một trục động lực, hai hành lang kinh tế, vùng không gian phát triển, các trung tâm đô thị động lực hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng - an ninh được đảm bảo, các giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long - Lữ Quang Ngời phát biểu khai mạc. |
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận tinh thần trách nhiệm của Đảng bộ, Nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã phấn đấu thực hiện được những mục tiêu vừa qua. Đồng thời cho rằng, Vĩnh Long là tỉnh nằm ngay trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu long, hội tụ các yếu tố nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Theo quy hoạch, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Vĩnh Long là tỉnh nông nghiệp công nghệ cao, sinh thái; một trong những trung tâm kinh tế nông nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại kết nối thông suốt với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Phát huy nền tảng đến năm 2050, Vĩnh Long là tỉnh phát triển toàn diện, văn minh, hiện đại, sinh thái, bền vững, có trình độ phát triển khá so với cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu…
Để hiện thực hóa được mục tiêu đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Vĩnh Long triển khai đồng bộ, hiệu quả quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế sẵn có. Trong đó đặc biệt ưu tiên bố trí nguồn nhân lực để tổ chức thực hiện đồng bộ cần phát huy nguồn lực quan trọng nhất là nội sinh.
Với tiềm năng, lợi thế và phát huy tinh thần nội sinh mạnh mẽ của Đảng bộ, nhân dân Vĩnh Long, Thủ tướng tin tưởng rằng tỉnh sẽ ngày càng có thêm nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm, lựa chọn và quyết định đầu tư tại đây. Qua đó đưa Vĩnh Long phát triển trở thành tỉnh khá trong cả nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan không gian triển lãm quy hoạch tỉnh Vĩnh Long, các khu gian hàng trưng bày, giới thiệu những phẩm OCOP, các nông sản đặc trưng của địa phương. |
Quy hoạch tỉnh Vĩnh Long xác định phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội gồm: Một trục động lực phát triển (tuyến Quốc lộ 1 đi qua thành phố Vĩnh Long - huyện Long Hồ - thị xã Bình Minh); hai hành lang kinh tế (dọc sông Hậu, dọc sông Tiền và sông Cổ Chiên); ba đột phá phát triển (hạ tầng, lĩnh vực chủ lực, nguồn nhân lực); bốn trụ cột tăng trưởng (công nghiệp, nông nghiệp - thủy sản, dịch vụ, đô thị); năm nhiệm vụ trọng tâm (cơ chế, chính sách; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đổi mới mô hình tăng trưởng; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ; thúc đẩy khởi nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế tư nhân)… Cùng với đó có 29 phương án phát triển các ngành, lĩnh vực được tích hợp.