Thủ tướng hoãn hàng loạt cuộc làm việc để tới tâm bão Quảng Bình

(PLO) -  Chiều tối 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới Quảng Bình kiểm tra tình hình mưa bão, chỉ đạo công tác ứng phó hoàn lưu sau bão và khắc phục hậu quả cơn bão.
Thủ tướng cũng yêu cầu huy động lực lượng khắc phục, sửa chữa nhà cửa, không để người dân vào cảnh màn trời chiếu đất.
Thủ tướng cũng yêu cầu huy động lực lượng khắc phục, sửa chữa nhà cửa, không để người dân vào cảnh màn trời chiếu đất.

Ngay sau khi dự và phát biểu tại Hội nghị các Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ và vừa APEC lần thứ 24 tại TP. Hồ Chí Minh sáng 15/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy hàng loạt cuộc làm việc tại các địa phương phía Nam theo chương trình dự kiến trước đó để ra Quảng Bình. Cùng đi có Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Chính phủ Mai Tiến Dũng.

Theo dự kiến ban đầu, máy bay chở đoàn công tác sẽ bay thẳng ra Đồng Hới (Quảng Bình), nhưng do tình hình mưa bão, máy bay phải hạ cánh xuống Đà Nẵng và từ đó, đoàn đi đường bộ ra Quảng Bình, qua các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Trị trên quãng đường dài 300km.

Thị sát tình hình thiệt hại tại thành phố Đồng Hới, hiện đang bị mất điện diện rộng, Thủ tướng yêu cầu việc trước mắt là khắc phục hệ thống điện để cấp điện cho người dân. Thủ tướng cũng yêu cầu huy động lực lượng khắc phục, sửa chữa nhà cửa, không để người dân vào cảnh màn trời chiếu đất. 

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Bình, sau khi nghe các bộ, ngành, tỉnh Quảng Bình báo cáo, Thủ tướng cho rằng đây là cơn bão lớn nhất 10 năm qua nhưng do sự chỉ đạo kịp thời của Trung ương, chủ động của địa phương, thực hiện phương châm “4 tại chỗ” nghiêm túc, người dân chủ động phòng chống, chèn chống nhà cửa, do đó thiệt hại được hạn chế so với cấp độ của bão.

Thủ tướng thị sát tình hình mưa bão tại Quảng Bình
Thủ tướng thị sát tình hình mưa bão tại Quảng Bình

Biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Quảng Bình chỉ đạo, cùng sự hỗ trợ của lực lượng quân đội, công an, các tổ chức đoàn thể, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường. “Việc đầu tiên là bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân, không để rơi vào cảnh màn trời chiếu đất, thiếu cơm lạt muối, đứt bữa do bão số 10 gây ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Vì vậy, Bộ Công Thương chỉ đạo ngành điện bảo đảm sớm có điện cho 2 tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh và các địa phương khác. Có phương án huy động các công ty điện lực miền Bắc, miền Trung phối hợp để bảo đảm hệ thống điện trở lại hoạt động bình thường.

Tỉnh có kế hoạch cụ thể, cùng các lực lượng quân đội và công an, giúp người dân dựng lại nhà cửa bị sập, tốc mái, hư hỏng. “Đây là nhiệm vụ cấp bách ngay sau cuộc họp.” Thủ tướng nhấn mạnh. Bảo đảm vệ sinh môi trường ngay sau bão. Chỉ đạo khôi phục hệ thống giao thông nông thôn, miền núi có khả năng bị sạt lở.

Ngay sau bão, Bộ Công Thương chỉ đạo kiểm tra, vận hành an toàn các hồ chứa thủy điện, góp phần cắt giảm lũ cho hạ du. Bộ GTVT chỉ đạo khắc phục nhanh sự cố trên tuyến giao thông, bảo đảm thông suốt. Các ngành GTVT, điện lực có phương án hỗ trợ cho các địa phương thiệt hại nặng khôi phục hệ thống điện, giao thông. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo bảo đảm an ninh trật tự cho người dân, không để tình hình phức tạp xảy ra. Ngành Y tế bảo đảm cơ số thuốc cần thiết, tăng cường công tác phòng chống, không để xảy ra dịch bệnh sau bão.

Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ NN&PTNT, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để dự báo, thông báo kịp thời, có phương án sẵn sàng ứng phó.

Về các kiến nghị của tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng giao các cơ quan chức năng tổng hợp thiệt hại của các địa phương, trong đó có 2 địa phương thiệt hại lớn là Hà Tĩnh, Quảng Bình, trình Thủ tướng phương án xử lý.

Đối với Quảng Bình, Thủ tướng đồng ý cấp 3.000 tấn gạo hỗ trợ người dân; đồng ý giao Bộ NN&PTNT kịp thời giải quyết giống lúa, rau màu cho Quảng Bình để hỗ trợ người dân khôi phục sản xuất. Giao Bộ NN&PTNT trình phương án xây dựng các công trình mà tỉnh Quảng Bình đề nghị như khu neo đậu tàu thuyền và nghiên cứu trung tâm cứu hộ, cứu nạn.

Cũng trong ngày 15/9, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã vào Hà Tĩnh chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 10.

Tại huyện Kỳ Anh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã đến động viên người dân đang lánh nạn tại trường mầm non, trường tiểu học xã Kỳ Thọ…

Tại cuộc họp sau đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng công tác ứng phó với cơn bão rất mạnh này đã được thực hiện bài bản, chủ động, từ đó giảm thiểu thiệt hại tối đa cho người dân.

Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền tuyệt đối không được chủ quan, tiếp tục hướng dẫn, triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản; bảo quản nông sản. Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão sẽ gây mưa lớn, các địa phương phải tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ những khu vực nguy hiểm, dễ xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để chủ động di dời người dân đến nơi an toàn.

Cùng với đó, phải tiếp tục kiểm tra, thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo an toàn hồ đập; tiếp tục quản lý chặt chẽ, cấm tuyệt đối tàu thuyền ra khơi, hạn chế phương tiện trên các tuyến giao thông xung yếu.

Phó Thủ tướng yêu cầu chính quyền các cấp cần nhanh chóng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ những người dân gặp khó khăn về lương thực, thực phẩm, thuốc men, đảm bảo không người dân nào bị đói ăn, bệnh tật.

 “Huy động lực lượng để hỗ trợ người dân sửa chữa nhà cửa bị hư hỏng, đặc biệt quan tâm đến các hộ nghèo, hộ chính sách; sửa chữa các công trình trên địa bàn”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng yêu cầu địa phương sớm tổ chức vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh; triển khai sớm các biện pháp phục hồi sản xuất.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT sớm cùng với các địa phương thống kê thiệt hại của người dân để kiến nghị giải pháp hỗ trợ./.

Đọc thêm