Thủ tướng: Làm cách nào để Việt Nam là con hổ mới của châu Á?

(PLO) -Hôm qua (15/1), Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ Công Thương và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT).


Thủ tướng: Làm cách nào để Việt Nam là con hổ mới của châu Á?

Phải gia tăng giá trị cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo

Thủ tướng đánh giá, trong bối cảnh Hiệp định TPP 12 không ký được, Bộ có nhiều dự án bất cập thua lỗ xảy ra nhưng ngành Công Thương đã quyết tâm vượt khó với việc hoàn thành nhiều chỉ tiêu quan trọng như công nghiệp chế biến chế tạo, kim ngạch xuất nhập khẩu. Các ngành hàng lĩnh vực đều xuất hiện nhân tố mới như Vingroup bên cạnh Trường Hải, Thành Công, thể hiện vai trò của tư nhân phát triển. “Nếu không có tư nhân phát triển thì sẽ không có thành công” - Thủ tướng khẳng định. 

Dù đánh giá cao những kết quả của ngành Công Thương nhưng Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra nhiều tồn tại bất cập cần tập trung tháo gỡ trong thời gian tới. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu công tác thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa phải được tiến hành với tốc độ nhanh hơn nhưng vẫn phải đảm bảo minh bạch. Phải chú trọng phát triển kinh tế ở khu vực tư nhân, chứ không chỉ ở các tập đoàn kinh tế nhà nước. Ngoài ra, phải nâng cao tâm thế hàng Việt Nam để chiếm lĩnh thị trường, chứ không phải yêu cầu người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam như hiện nay. 

Câu chuyện xúc tiến thương mại cũng được người đứng đầu Chính phủ nhắc đến như một vai trò là cầu nối để cung cầu hàng hóa, phải làm sao “đừng để kinh tế vĩ mô bất ổn vì cung cầu hàng hóa”. Đây cũng là vấn đề được nhiều doanh nghiệp, ngành hàng đặt ra trong bối cảnh Việt Nam đang tham gia vào rất nhiều hiệp định thương mại tự do, phải xác định được thị trường trung tâm để tấn công vào đó, để kim ngạch xuất nhập khẩu đạt giá trị cao hơn nữa, tiệm cận mức 500 tỷ USD. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần phải gia tăng giá trị nhiều hơn nữa cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo. 

Theo Thủ tướng, thương mại cũng đã làm tốt trách nhiệm dịch vụ với tổng mức bán lẻ tăng cao, đặc biệt đánh giá cao thương mại Việt Nam khi tạo ra được thặng dư thương mại 2,7 tỷ USD. Đồng thời, Thủ tướng cho rằng, trong công tác thoái vốn nhà nước, các bộ, ngành phải học thương vụ thoái vốn của Sabeco, làm sao để các doanh khác phải cổ phần hóa, niêm yết công khai, minh bạch như thế và đạt được hiệu quả như thế. 

Cần chống bao cấp, xin cho trong công tác kế hoạch

Biểu dương và đánh giá cao những thành tích nổi bật của Bộ KHĐT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Bộ đã có nhiều cố gắng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, đã bãi bỏ 1.930 điều kiện kinh doanh được cho là “giấy phép con” cản trở doanh nghiệp lâu nay. 

Giao nhiệm vụ năm 2018 cho Bộ KHĐT, Thủ tướng yêu cầu Bộ cần làm rõ vai trò của công tác kế hoạch và chống bao cấp, xin - cho, công tác kế hoạch và xã hội hóa nguồn lực; đặc biệt là phải có quyết tâm biến Việt Nam trở thành một “con hổ kinh tế” mới. “Một con hổ kinh tế mới có được không và tại sao lại không? Vậy làm cách nào để Việt Nam là con hổ mới của châu Á?... Phát triển thành con hổ mới nhưng lưu ý những gì? Trong đó phải phát triển bền vững, không để  ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô. Cùng với đó là thực hiện tam giác phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, không ai bị rớt lại phía sau... Làm sao đất nước phồn vinh, không phải giới chủ phồn vinh” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ KHĐT hoàn thiện cơ chế để phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, trong đó có đầu tư công; đề xuất các giải pháp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là kinh tế tư nhân ở Việt Nam. Các địa phương và Bộ tiếp tục sử dụng hiệu quả đầu tư nước ngoài, trong đó có khoa học công nghệ, lao động để khu vực này tăng trưởng thích ứng với tình hình đất nước.

Chính thức phê duyệt cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương

Tại Hội nghị tổng kết công tác ngành Công Thương năm 2017, triển khai nhiệm vụ năm 2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Thủ tướng đã ký Nghị định 08 ngày 15/01/2018 chính thức phê duyệt cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh (chiếm 55,3% tổng số điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ) do Bộ Công Thương đề xuất. Cũng trong Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ sẽ tiếp tục công tác cải cách hành chính, trước mắt sẽ tiếp tục cắt giảm 43 thủ tục hành chính, xóa bỏ khoảng 420 mã trong tổng số 720 mã HS phải kiểm tra trước thông quan thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ, đạt tỷ lệ xóa bỏ lên tới 58,3%. 

Đọc thêm