Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Chuyển động để chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

(PLO) -Hôm qua (29/12), kết luận và phát biểu chỉ đạo Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: để cải cách, chấn hưng đất nước thành công, tất cả phải chuyển động, chấm dứt tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”. 
Chính phủ yêu cầu năm 2018 quyết liệt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất  kinh doanh
Chính phủ yêu cầu năm 2018 quyết liệt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh

Thủ tướng cũng khẳng định các tập đoàn, tổng công ty nhà nước không những đóng vai trò rất quan trọng tăng GDP mà còn có vai trò quan trọng trong công nghiệp 4.0. “Chúng ta phải chuyển biến cả hệ thống thì cuộc cách mạng mới thành công, nhất là cấp liên quan đến cơ sở, đến người dân”, Thủ tướng lưu ý và yêu cầu ngay trong chiều 29/12 hoặc muộn nhất là đầu tháng sau, Văn phòng Chính phủ phải trình Thủ tướng ký ban hành Nghị quyết 01 kèm theo phụ lục 242 công việc cụ thể để các địa phương triển khai ngay, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Đừng để chủ trương nằm trên giấy

Theo Thủ tướng Chính phủ, năm 2017 Việt Nam đã hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu. Đây không chỉ là kết quả mà còn là kinh nghiệm tốt cho 2018 nhưng quan trọng “không được ngủ quên trên vòng nguyệt quế” như Tổng Bí thư nhắc nhở tại phiên họp ngày 28/12 của Hội nghị.

Cục Phòng chống tham nhũng mở ba đường dây nóng tiếp nhận phản ánh về tham nhũng, tiêu cực và tặng quà trái quy định dịp Tết 2018.

Quan tâm đặc biệt về vấn đề cải cách bộ máy hành chính, Thủ tướng nhấn mạnh đến việc nêu cao trách nhiệm của mỗi cá nhân người đứng đầu và gắn với phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ. Các chỉ tiêu phải được lượng hóa, đo đếm được, kiểm tra được. Tập trung rà soát, đối thoại, hoàn thiện cơ chế, chính sách, quyết liệt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Chính quyền các cấp có sự tương tác, phản hồi tích cực với người dân và doanh nghiệp. 

Thủ tướng cũng lưu ý việc giải quyết những tồn tại, bức xúc, khúc mắc của người dân: “Chính phủ phục vụ nhân dân mà cứ để dân khúc mắc thì sao được”. Bài học đặt ra đó là, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình, theo dõi sát diễn biến, chỉ đạo xử lý linh hoạt kịp thời, gắn liền với khen thưởng, xử lý kịp thời đối với cán bộ. Các địa phương cũng phải thành lập tổ công tác để kiểm tra, đôn đốc công việc, đừng để chủ trương nằm trên giấy, không đi vào cuộc sống. Chủ trương cũng phải rất khoa học, sát thực tiễn.

Cần chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa

Khẳng định tăng trưởng năm 2018 phải đạt trên mức Quốc hội thông qua, Thủ tướng cho biết, năm tới tăng trưởng phải đạt ít nhất 6,7%. Vì tăng trưởng để giải quyết nợ công, thu ngân sách, giải quyết việc làm. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu đi liền với số lượng thì chất lượng tăng trưởng cũng phải được nâng lên, đặc biệt năng suất lao động xã hội phải cao hơn, các chỉ số môi trường phải cải thiện rõ rệt hơn.

Một yêu cầu nữa, Thủ tướng đặt ra đó là, phải có chuyển biến mạnh mẽ về sức sống, về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, của từng ngành, từng địa phương, từng doanh nghiệp, kể cả sản phẩm quốc gia. Phải có những mơ ước có những sản phẩm cạnh tranh tầm quốc tế. Cùng với đó, các lực lượng chức năng cần hành động mạnh mẽ hơn để xã hội được bình yên hơn, an ninh, an toàn hơn, mọi người dân Việt Nam, nhất là người nghèo, người yếu thế có được sống vật chất tốt hơn. Nhắc lại lưu ý của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng đề nghị phải  có biện pháp xây dựng nền kinh tế tự chủ trong bối cảnh mới chứ không phải nền kinh tế phụ thuộc. Cả quốc gia, cả địa phương, đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng hệ thống chỉ tiêu cụ thể phục vụ công tác chỉ đạo điều hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao và thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra. Trong đó, phải chú trọng phát triển bền vững, không lơ là kinh tế vĩ mô, phải tái cơ cấu kinh tế một cách thực sự. Bên cạnh đó, tăng cường nền tảng xã hội, xây dựng bộ máy trong sạch, phòng chống tham nhũng, tập trung giải quyết hậu quả thiên tai năm 2017 và phòng chống thiên tai năm 2018.

Cuối cùng, Thủ tướng yêu cầu Tết này cần bảo đảm cung cầu hàng hóa thiết yếu, không để thiếu hàng sốt giá; tập trung chăm lo Tết cho người dân, nhất là lo cho vùng thiên tai, không để người dân rơi vào cảnh “màn trời chiếu đất”, đứt bữa. Tập trung giải quyết một số vụ việc dư luận xã hội quan tâm, lên án, như các vụ xâm hại trẻ em, trẻ em đuối nước, phá rừng…

Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương, quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư về tổ chức Tết năm 2018, trong đó nghiêm cấm việc biếu, tặng quà Tết cho lãnh đạo cấp trên, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các địa phương không lên Hà Nội biếu xén vì có tâm lý sợ mang tiếng, sợ mất lòng lãnh đạo cấp trên.

Về vấn đề này, Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ cũng đã mở ba đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của người dân, doanh nghiệp tố cáo về tham nhũng, tiêu cực và tặng quà trái quy định dịp Tết Nguyên đán 2018.

Theo đó, người dân khi phát hiện các hành vi tặng quà Tết, tham nhũng có thể gọi đến số điện thoại 08.048228, 0902.386.999, 0125.698.6688 của Cục Phòng chống tham nhũng. Sau khi nhận được đơn thư, điện thoại tố giác, Cục Phòng chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ sẽ chuyển giao hồ sơ, thông tin cho ban ngành, địa phương có trách nhiệm xác minh, xử lý. Sau khi có kết quả, ban ngành, địa phương phải gửi báo cáo về Cục Phòng chống tham nhũng để tổng kết, báo cáo cấp trên có biện pháp xử lý tiếp theo.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Cục Phòng chống tham nhũng công khai đường dây nóng. Trước đó vào trước và sau Tết Nguyên đán 2017, đường dây nóng đã nhận 56 nguồn tin tố giác tham nhũng, biếu - nhận quà Tết. Trong đó, có 33 tin tố giác tham nhũng chủ yếu trong lĩnh vực an toàn giao thông, trật tự đô thị, hàng cấm buôn bán; 23 tin còn lại tố giác việc biếu - nhận quà Tết trái quy định. 

Đọc thêm