Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng khẳng định vẫn đang xu hướng tích cực về phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Theo đó, lạm phát tiếp tục được kiểm soát, tín dụng tăng mạnh, được định hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Lãi suất ngân hàng giảm 0,5%. Thị trường chứng khoán đạt điểm cao nhất trong 9 năm. Xuất nhập khẩu tăng mạnh, gần 19%. Thu ngân sách đạt khá, trên 53 tỉnh, thành phố vượt thu so với cùng kỳ. Giải ngân vốn đầu tư công đã tăng 1,8 lần so với tháng trước. Thu hút đầu tư tăng mạnh, nhất là đầu tư nước ngoài (FDI). Có 73.000 doanh nghiệp mới đăng ký và trên 17.000 doanh nghiệp hoạt động trở lại…
Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý một số mặt bất cập, tồn tại như: Công nghiệp chế tạo tăng trưởng nhưng công nghệ khai khoáng vẫn giảm sâu; Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn khi vẫn còn 43.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động; Một số chi phí, nhất là chi phí vận tải, logistics còn cao; Giải ngân tăng nhưng chưa đạt yêu cầu khi 7 tháng mới đạt 38,5% dự toán; Dịch sốt xuất huyết lan rộng với trên 60.000 người mắc, trong đó gần 50.000 người nhập viện, đặt biệt có 17 người tử vong; Tình trạng cháy, nổ, tai nạn giao thông còn phức tạp, mà gần đây, xảy ra vụ cháy nghiêm trọng ở xã Đức Thượng, Hoài Đức (Hà Nội) làm chết 8 người.
Đặc biệt, Thủ tướng nhấn mạnh hệ thống chính quyền cơ sở, nhất là cấp huyện, xã, chuyển biến chậm, nhũng nhiễu phiền hà còn nhiều, thủ tục hành chính rườm rà, chưa ngăn chặn hết tiêu cực, kỷ cương phép nước, kỷ luật hành chính chưa được thực hiện nghiêm ở một số cán bộ công chức. “Tôi hoan nghênh thành phố Hà Nội đã đình chỉ công tác, kiểm điểm Phó Chủ tịch UBND phường Văn Miếu, không để tình trạng người dân khai tử gây khó dễ làm chậm quá trình mai táng, những việc đơn giản mà quan liêu như vậy phải xử lý nghiêm trong toàn hệ thống. Nhiều người cho tôi biết các đồng chí lãnh đạo nói rất mạnh vấn đề này nhưng chuyển biến cả hệ thống để phục vụ nhân dân dưới cơ sở còn rất nhiều vấn đề bất cập”, Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ đề xuất những giải pháp trong những tháng còn lại của năm 2017 để đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7%, cũng như thảo luận các quyết sách gỡ các nút thắt như về thể chế, thủ tục hành chính, cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước, vướng mắc về giải ngân vốn ODA, chi phí sản xuất kinh doanh, chi phí thủ tục hành chính, cả thời gian, tiền bạc còn là gánh nặng đối với người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, phải đặt vấn đề đẩy mạnh các giải pháp giải ngân vốn đầu tư công để đưa vốn đầu tư xã hội đạt 34 -35% GDP.
“Đặc biệt các đồng chí phải đề xuất những giải pháp cụ thể trong những tháng còn lại để đạt mục tiêu 6,7% trong năm nay và những năm tiếp theo. Anh nào chưa có lửa trong lòng mình, trong ngành mình hãy nhóm lên, anh nào cần đá tiền đạo, hai ba tiền đạo để ghi bàn cần tiến lên. Chúng ta không phải chạy theo số lượng, nhưng nếu không hoàn thành tốt ảnh hưởng rất nhiều đến các chỉ tiêu của Chính phủ, trong đó có chỉ tiêu nợ công. Chúng ta phải thực hiện nghiêm cơ chế, chính sách pháp luật, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, trong đó việc tổ chức thực hiện là vấn đề cốt lõi cần tập trung để có biện pháp mạnh hơn”, Thủ tướng đề nghị.
Điều khiển ô tô có thể cầm giấy tờ bản sao và xác nhận của tổ chức tín dụng
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, trả lời câu hỏi của báo chí khi người dân và các ngân hàng thương mại băn khoăn khi phương tiện không có giấy tờ gốc sẽ bị cảnh sát xử phạt, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Ngân hàng Nhà nước nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến vấn đề trên của các ngân hàng thương mại nêu trong trường hợp bên thế chấp vẫn nắm giữ giấy tờ đó, nếu phát sinh chuyển nhượng, mua bán, cầm cố thậm chí cầm đồ thì ngân hàng thương mại rất khó kiểm soát tài sản thế chấp. Chính vì thế Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản gửi Bộ Công an, Bộ Tư pháp đề xuất theo hướng cho phép người điều khiển giao thông cầm giấy tờ bản sao và có xác nhận của tổ chức tín dụng, đề nghị Bộ Công an không xử phạt người tham gia giao thông trong trường hợp này”.
Báo chí cũng đặt câu hỏi xung quanh việc Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa gửi đơn xin thôi việc và có hay không xử lý tài sản của bà Thoa. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, vừa qua Ủy ban Kiểm tra Trung ương có đề nghị miễn nhiệm mọi chức vụ của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa thuộc diện quản lý của Ban Bí thư, nếu như Ban Bí thư đề xuất thì các cơ quan chức năng sẽ thực hiện. “Hiện nay, Thủ tướng đã giao cho Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Ban Cán sự Đảng bộ Nội vụ xem xét đề xuất với Ban Cán sự Đảng Chính phủ. Tuy nhiên, theo Luật Công chức, Nghị định 46 năm 2010, cán bộ đang trong quá trình điều tra, xem xét kỷ luật thì sẽ không được chấp thuận việc thôi việc”- ông Dũng cho biết.
Bộ trưởng Dũng cũng cho biết, về vấn đề tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa nếu không có vi phạm pháp luật, tài sản hình thành chính đáng, chứng minh được hợp pháp thì Nhà nước sẽ không thu hồi.