Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự và gửi lời chào đón, thăm hỏi tới các đại biểu, đại diện các tổ chức và doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà đầu tư trong nước và quốc tế.
Thủ tướng cho biết, cùng với nhiều sự kiện của Hội nghị APEC, Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam được tổ chức tại TP. Đà Nẵng và Đô thị cổ Hội An. Đến nay, Việt Nam vẫn đang nỗ lực hoàn thiện mình để tiếp tục là “đối tác kinh doanh tin cậy”, đầy triển vọng trong cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và của các quốc gia. Theo AmCham Singapore tháng 9/2017, có 56% doanh nghiệp được khảo sát đã coi Việt Nam là đối tác thương mại tốt nhất.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam trong 30 năm qua có ý nghĩa rất to lớn. Năm 2017 dự kiến GDP tăng 6,7% và phấn đấu trong 2016-2020 tăng 6,5-7%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2017 của Việt Nam tăng lên khoảng 2.300 USD (tính theo PPP là khoảng 6.800 USD).
Việt Nam đã cho thấy sự năng động của mình thông qua việc tích cực, chủ động hội nhập quốc tế và ủng hộ mạnh mẽ tự do thương mại toàn cầu. Việt Nam đã ký kết, tham gia 12 hiệp định thương mại tự do (FTA) và đang đàm phán 4 FTA mới, trong đó có 18 đối tác thuộc các nền kinh tế APEC. Sau 10 năm gia nhập WTO, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2017 của Việt Nam đã tăng 4 lần, đạt trên 400 tỷ USD, tương đương 170% GDP.
Những kết quả mà Việt Nam đã đạt được, Thủ tướng nhấn mạnh: “cho đến nay chính là nguồn động lực quan trọng để Việt Nam tự tin, vững bước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới. Chúng tôi quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, hành động, phục vụ người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tiếp tục thực hiện mục tiêu duy trì ổn định vĩ mô vững chắc, cải cách thể chế, chính sách pháp luật, phát triển bền vững, chú trọng tạo việc làm và cải thiện thu nhập cho người dân.
Tham dự Hội nghị, Thủ tướng chỉ đạo, thứ nhất, tập trung vào cải thiện chất lượng thể chế, chính sách pháp luật, thúc đẩy pháp quyền, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân…Chú trọng tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng giúp kết nối thành thị với nông thôn, miền núi, vùng xa khó khăn. Việt Nam chú trọng phát triển hệ thống y tế và giáo dục, nỗ lực giảm chênh lệch về thu nhập dân cư, đồng thời cải thiện mạng lưới an sinh xã hội nhằm bảo vệ tầng lớp người dân yếu thế dễ bị tổn thương trước các cú sốc tiêu cực.
Thứ hai, phát triển nền kinh tế khởi nghiệp, sáng tạo thông qua các cam kết hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để vun đắp, hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp.
Thứ ba, thực hiện cải cách thuế theo hướng gia tăng cạnh tranh cho nền kinh tế, hướng đến các chuẩn mực minh bạch, công bằng và hiệu quả theo tiêu chuẩn cao của OECD.
Chủ tịch VCCI, ông Vũ Tiến Lộc cho biết, đây là diễn đàn hợp tác quốc tế lớn nhất sẽ được tổ chức thường niên tại Việt Nam, bắt đầu từ năm nay. Nội dung chủ yếu của VBS là bàn về cơ hội kinh doanh. Sự kiện này là cơ hội để các nhà đầu tư quốc tế tìm hiểu về chính sách kinh tế và tiềm năng hợp tác đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Năm nay, các đại biểu sẽ thảo luận về 6 chuyên đề, gồm Nông nghiệp Thông minh; Dịch vụ Tài chính; Y tế & Giáo dục; Kết cấu Hạ tầng; Du lịch và Đặc khu Kinh tế; Doanh nghiệp vừa và nhỏ; Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Được biết, VBS còn được tổ chức kết hợp với một triển lãm xúc tiến thương mại, đầu tư, với sự tham gia của đại diện 63 tỉnh thành. Triển lãm có tên “Việt Nam – Đối tác Kinh doanh Tin cậy và Giàu Tiềm năng”, nhằm giới thiệu về địa phương, các dự án kêu gọi đầu tư, tiềm năng kinh tế các ngành: nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp và dịch vụ… .
Đây cũng sẽ là nơi trưng bày các thành tựu nổi bật của nền kinh tế Việt Nam, quảng bá và giới thiệu các sản phẩm truyền thống và các sản phẩm xuất khẩu tiêu biểu của Việt Nam.