“Bông hoa” đẹp trong vùng Thủ đô
Chiều 11/12, tại Trung tâm thương mại AP Plaza, UBND tỉnh Hòa Bình đã tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình năm 2018. Đến dự Hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng hàng trăm doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Dịp này, tỉnh Hòa Bình cũng trao Quyết định chủ trương đầu tư cho 12 dự án, với tổng vốn đăng ký đầu tư 11.610 tỷ đồng, tương đương 505 triệu USD. Ngoài ra, 19 bản ghi nhớ đầu tư cũng đã được ký kết với tổng vốn khoảng 66.677 tỷ đồng, tương đương 2,9 tỷ USD. Trong đó, lớn nhất là Tập đoàn FLC với 5 dự án đầu tư gần 36.000 tỷ đồng vào du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, những lĩnh vực thế mạnh của Hòa Bình. Nhắc lại lần dự Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình cách đây 2 năm, khi đó, 22 dự án được cấp giấy phép và nay 18 dự án trong số này đã được triển khai, Thủ tướng đánh giá, các nhà đầu tư vào Hòa Bình đã nói và làm.
“Hôm nay, chúng ta vui mừng đã có 94.000 tỷ đồng được cấp giấy phép hoặc thỏa thuận đầu tư, trong đó có rất nhiều dự án của các doanh nhân Việt Nam và nhiều dự án FDI”, Thủ tướng nói và chia sẻ, sáng nay, ông đi từ trung tâm Hà Nội tới Hòa Bình mất chưa đầy 1 giờ đồng hồ, do có đường cao tốc Hà Nội-Hòa Bình, “điều đó nói lên Thủ đô của chúng ta gần với tỉnh Hòa Bình ở mức nào”. Thủ tướng khẳng định Hòa Bình, người láng giềng chung vách với Hà Nội, là một trong 9 bông hoa đẹp nằm trong vùng Thủ đô. Đây là điều kiện quan trọng để Hòa Bình phát triển tiềm năng, thế mạnh của mình.
Thời điểm năm 2002, địa bàn Hòa Bình chỉ có tổng số 5 dự án, trong đó có 3 dự án FDI và 2 dự án đầu tư trong nước, với số vốn đăng ký vỏn vẹn 23,4 tỷ đồng và 13,38 triệu USD. Ba năm gần đây, trung bình mỗi năm Hòa Bình thu hút được thêm 60 - 70 dự án đầu tư. Hiện, toàn tỉnh này đang có trên 2.800 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 36.000 tỷ đồng. Số dự án đã đi vào sản xuất, kinh doanh chiếm gần 50%, hàng năm đã góp cho ngân sách nhà nước khoảng 440 tỷ đồng, từ đó tạo ra việc làm ổn định cho khoảng gần 3 vạn lao động, đảm bảo an sinh xã hội.
Đặc biệt, hoạt động đầu tư đã góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi bộ mặt của tỉnh. Cụ thể, năm 2018, tốc độ tăng trưởng kinh tế của địa phương ước tăng 8,36% - đứng thứ 2 khu vực Tây Bắc, thứ 4 khu vực trung du miền núi phía Bắc, thứ 19 cả nước. Cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, nâng số thu ngân sách năm đạt 3.325 tỷ đồng...
Cơ hội hợp tác nhờ liên kết vùng
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Hòa Bình là một trong 9 tỉnh vùng Thủ đô và cũng là một trong 9 bông hoa đẹp của vùng Thủ đô, với nhiều lợi thế về giao lưu, tiếp nối với các thị trường lớn là Thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng. Đây cũng chính là điều kiện để Hòa Bình phát triển”.
Với những lợi thế hiếm có về sông, núi và văn hóa đặc sắc, sẽ giúp cho việc phát triển Hòa Bình thành tỉnh du lịch gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa rất đặc trưng. Ngoài ra, tỉnh cửa ngõ Tây Bắc có lợi thế về nông, lâm nghiệp, đặc biệt là tiềm năng lâm nghiệp lớn gắn với việc xuất khẩu các sản phẩm về gỗ, vốn là một thế mạnh của ngành Nông nghiệp nước ta. Bên cạnh đó, tỉnh còn có các sản phẩm nông sản đặc sản, có sức cạnh tranh tốt để hướng tới phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ và xuất khẩu.
Người đứng đầu Chính phủ cũng lưu ý Hòa Bình cần tiếp tục phát triển công nghiệp địa phương, với 8 khu công nghiệp - từ chế biến tới chế tạo nhưng phải chú trọng không để ảnh hưởng tới môi trường. “Hòa Bình cần có quy hoạch tốt, tầm nhìn xa để phát triển đồng thời không triệt tiêu các yếu tố có lợi cho quá trình vươn lên của địa phương”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Để hướng vào các mũi nhọn kinh tế trên, Thủ tướng gợi ý: “Người ta hay nói nhất cận thị, nhị cận giang, mình gần Hà Nội, gần sông Đà thì chúng ta thêm một câu nữa “nhất cự li, nhì tốc độ”. Vì vậy, Hòa Bình cần phát huy lợi thế về địa chiến lược của Vùng Thủ đô, tuyến cao tốc Láng-Hòa Lạc được ví như “hành lang kinh tế Đông-Tây” nối Hà Nội-Hòa Bình. Tuyến Láng-Hòa Lạc-Hòa Bình sẽ tạo ra động lực tăng trưởng mới, sức bật mới không chỉ cho Hòa Bình, mà cả các tỉnh Tây Bắc. Hòa Bình cần làm tốt công tác tiếp xúc nhà đầu tư, cung ứng dịch vụ hỗ trợ tốt nhất cho nhà đầu tư, thu hút các “sếu lớn” đến với địa phương”. Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi tại Hội nghị hôm nay, tỉnh đã chủ động kêu gọi được các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn như FLC, Vingroup… và nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn khác.
Bên cạnh những gợi ý cho sự phát triển của địa phương trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu Hòa Bình cần quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bố trí dân cư, nâng cao mức sống cho người dân đi liền với phát triển kinh tế. Đặc biệt, tỉnh cần chú trọng liên kết vùng với Hà Nội, Sơn La, các địa phương lân cận để chia sẻ cơ hội hợp tác, cùng nhau phát triển, tạo thành vùng kinh tế phát triển nơi cửa ngõ Tây Bắc.
Còn đối với các nhà đầu tư đã có quyết tâm đồng hành cùng với tỉnh thì cần bắt tay ngay vào việc triển khai dự án. Trong quá trình đó không được quên trách nhiệm với xã hội, với môi trường tại Hòa Bình: “Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước, ổn định kinh tế vĩ mô để các nhà đầu tư có môi trường kinh doanh tốt không chỉ tại Hòa Bình mà cả nước”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Gắn thương hiệu đặc sản cho tôm, cá sông Đà
“Nằm trong chuỗi các sự kiện xúc tiến đầu tư tỉnh Hòa Bình, Lễ hội cây ăn quả có múi và Hội chợ nông nghiệp Hòa Bình sẽ diễn ra trong 5 ngày tại Nhà Văn hóa huyện Cao Phong. Đây là thời điểm chính vụ thu hoạch các loại cây có múi như cam, quýt, bưởi… và hàng loạt nông sản đặc sản khác.
Sẽ có 300 gian hàng được trưng bày để giới thiệu sản phẩm tại lễ hội và hội chợ. Nhân sự kiện này, tỉnh Hòa Bình sẽ công bố và trao nhãn hiệu chứng nhận “Tôm sông Đà Hòa Bình” và “Cá sông Đà Hòa Bình”. Đây là hai trong số các nông sản nổi bật nhất của tỉnh được công nhận quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ và nhờ đó tiếp tục củng cố vững chắc hơn trên thị trường”.