Chính sách tài chính phải vì sự phát triển của doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ghi nhận và đánh giá cao kết quả đạt được của ngành Tài chính, lần đầu tiên, thu ngân sách T.Ư vượt 4,3% dự toán trong khi thu địa phương vượt tới 12,5% dự toán. Thủ tướng khẳng định, từ chỗ vay ngân hàng để chi thì vài năm gần đây ngân sách đã có thặng dư. “Con số này thể hiện sự nỗ lực vượt bậc của ngành Tài chính” - Thủ tướng ghi nhận.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những tồn tại trong Ngành như chính sách không ổn định, hay sửa đổi, gây khó cho doanh nghiệp (DN). Hay, việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN có lúc, có nơi chưa thực chất, kịp thời. Nêu một loạt dẫn chứng như: Tại sao một con bò giao cho các trang trại, chăn nuôi hợp tác xã không chịu thuế nhưng bán cho tiêu dùng thì lại chịu thuế 5%? Hay trường hợp người dân thuê mặt nước trong đê thì chịu thuế nhưng ngoài đê thì lại được miễn thuế, thậm chí cho thuê lại để lấy tiền…, Thủ tướng đề nghị Bộ Tài chính “nhất quán quan điểm, chính sách tài chính, hướng tới làm giàu nông dân, nông thôn, đất nước mới thực sự phồn vinh, giàu mạnh”, nghiên cứu chính sách hỗ trợ DN, nhất là DN nhỏ và vừa, “không để loại hình với tiềm năng to lớn nhưng “không muốn lớn nhanh” như thời gian qua” – Thủ tướng yêu cầu.
Ghi nhận có nhiều chuyển biến trong lĩnh vực thuế, hải quan, Thủ tướng đã thẳng thắn chỉ ra rằng đạo đức nghề nghiệp, văn hóa ứng xử, thái độ phục vụ của một bộ phận công chức thuế, hải quan còn hạn chế. Việc tiêu cực, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ còn gây bức xúc cho người dân, DN. “Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan có nói về sự tiến bộ trong vấn đề trên. Nhưng tình trạng “kẹp phong bì giải quyết hồ sơ” không phải là không có. Vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, “tham nhũng vặt”, chi phí không chính thức” - Thủ tướng nêu.
Thủ tướng bày tỏ đồng ý việc chi phí thực hiện thủ tục trong ngành Tài chính thời gian qua đã giảm. Tuy nhiên, vấn đề là tỷ lệ phải trả chi phí “bôi trơn” khi làm thủ tục vẫn còn cao. “Chi phí không chính thức “giết” DN. Tại sao DN “mãi không lớn” một phần do đây” - Thủ tướng thẳng thắn nêu.
Trong phát biểu của mình, Thủ tướng cũng cảnh báo về chất lượng kiểm tra, thanh tra ngành Tài chính còn khá khiêm tốn so với Kiểm toán Nhà nước hay Thanh tra Chính phủ. Số lượng DN kiểm tra lớn nhưng kết quả thanh tra, kiểm tra theo Thủ tướng còn thấp, có thể chỉ phạt vài chục triệu đồng. “Điều này do trình độ, cách làm hay do DN chấp hành tốt quy định pháp luật? Đề nghị Bộ Tài chính có biện pháp tổng thể với vấn đề này” - Người đúng đầu Chính phủ lưu ý.
Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài chính phải có bộ lọc, đưa ra tiêu chí DN chấp hành tốt và không tốt để ứng xử công bằng, minh bạch, không làm khó DN… Đồng thời, lưu ý ngành Tài chính phải đi trước để tạo sự phát triển chứ không phải tài chính đơn thuần là quản lý.
“Năm 2019 yêu cầu phải bứt phá, không những thế phải cao hơn năm 2018. Vậy ngành Tài chính cụ thể hóa điều này như thế nào? Đề nghị Bộ Tài chính, các bộ ngành, các địa phương phải nỗ lực với phương châm hành động của Chính phủ, phải quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để có sự chuyển biến thực sự trong năm 2019…” - Thủ tướng đề nghị.
Thu ngân sách vượt hơn 100 nghìn tỷ đồng
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, đến hết ngày 31/12/2018, thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.422,7 nghìn tỷ đồng, vượt 103,5 nghìn tỷ đồng (+7,8%) so với dự toán (trong đó, thu ngân sách T.Ư vượt 4,3%, thu ngân sách địa phương vượt 12,5% so với dự toán), tăng 64,3 nghìn tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội, tỷ lệ động viên đạt 25,7% GDP, riêng thuế và phí đạt 21,1% GDP (mục tiêu giai đoạn 2016-2020 tương ứng là 23,5% GDP và 21% GDP).
Nhờ thu ngân sách đạt khá, các nhiệm vụ chi ngân sách cũng được đảm bảo theo dự toán, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ kinh tế, chính trị của các đơn vị sử dụng ngân sách và có thêm nguồn lực xử lý kịp thời các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách phát sinh về đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh.
Cơ cấu chi ngân sách chuyển dịch tích cực, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt trên 27% (mục tiêu giai đoạn 2016-2020, chi thường xuyên dưới 62% tổng chi NSNN). Dự phòng ngân sách các cấp được sử dụng đúng mục đích, đúng quy định; trong đó, ngân sách T.Ư đã sử dụng trên 2,5 nghìn tỷ đồng dự phòng để hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả bão, lụt, hỗ trợ giống khôi phục sản xuất sau thiên tai. Xuất cấp trên 122,4 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu đói, cứu trợ cho nhân dân, hỗ trợ học sinh vùng khó khăn.
Riêng công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN vẫn chậm chuyển biến. Ước tính đến ngày 31/12/2018, vốn giải ngân mới đạt 67,6% dự toán (cùng kỳ năm 2017 đạt 70,7% dự toán), trong đó vốn ngoài nước đạt 39,6%, vốn trái phiếu Chính phủ đạt 40,4% dự toán. Bội chi NSNN năm 2018 ước dưới 3,6% GDP thực hiện (dự toán 3,7% GDP); nợ công dưới 61% GDP. Công tác quản lý nợ công có tiến bộ, thời hạn khoản vay được kéo dài, lãi suất theo xu hướng hạ thấp, hạn chế tác động của các rủi ro.