Theo Bộ Ngoại giao, tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê phán phát biểu ngày 31/5/2019 của Thủ tướng Lý Hiển Long phần liên quan đến Việt Nam và Campuchia giai đoạn 1979 – 1980.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định lịch sử đã chứng minh những nhận định của phía Singapore về vai trò của Việt Nam vào thời điểm đó là không đúng và việc nêu lại những định kiến này làm tổn thương sâu sắc tới Việt Nam và Campuchia, đặc biệt là thân nhân của hàng trăm nghìn quân tình nguyện Việt Nam đã hy sinh xương máu để mang lại hòa bình, giúp giải phóng nhân dân Campuchia khỏi chế độ Khơ me Đỏ tàn bạo và cả quá trình xây dựng đất nước đầy khó khăn, gian khổ sau này.
Thủ tướng Lý Hiển Long giải thích Singapore không có ý làm tổn thương Việt Nam, chỉ nhắc lại một chương đau buồn trong lịch sử Đông Dương để nhấn mạnh hoà bình, ổn định và thịnh vượng hôm nay không mặc nhiên mà có, và bối cảnh hiện nay đòi hỏi ASEAN tiếp tục duy trì đoàn kết, gắn bó và tăng cường hợp tác.
Thủ tướng Lý Hiển Long cũng nhấn mạnh, Singapore hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị và tin cậy với Việt Nam, đánh giá cao vai trò và những đóng góp quan trọng của Việt Nam từ trước tới nay trong việc duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực cũng như trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, đoàn kết và tự cường.
Hai Thủ tướng đánh giá cao cuộc gặp đã giúp hai bên hiểu nhau hơn, nhất trí tinh thần hướng tới tương lai, tập trung thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Singapore trên tất cả các lĩnh vực.
Với việc Viêt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021, hai bên nhất trí sẽ tăng cường hơn nữa trao đổi, tham vấn và phối hợp lập trường về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, nhất là giữ vững đoàn kết, đồng thuận và quan điểm của ASEAN vì hoà bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Về vấn đề Biển Đông, hai Thủ tướng nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác biển, phối hợp thúc đẩy thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) thực chất, hiệu quả và bảo đảm lợi ích của cộng đồng quốc tế.