Thủ tướng nhắc nhở cán bộ: 'Đừng có về phòng riêng mà làm thủ tục'

(PLO) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, mà chỉ cần 1 lần duy nhất tại bộ phận một cửa dưới sự giám sát qua camera... Cần hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức trong khi làm thủ tục để hạn chế tiêu cực, tham nhũng. 
Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc.
Thủ tướng chủ trì cuộc làm việc.

Điểm nghẽn ở cán bộ thực hiện trực tiếp

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc làm việc với Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), mới đây, Thủ tướng cho rằng, thời gian qua, công tác cải cách thủ tục hành chính đạt một số kết quả, đã làm được một số việc cho dân bớt khổ, doanh nghiệp bớt phiền hà. Số lượng thủ tục hành chính, chi phí thủ tục giảm. 

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, người dân, doanh nghiệp vẫn còn kêu ca về sự phiền hà, rắc rối, chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính ở khâu này, khâu khác tại nhiều cơ quan khác nhau. Một số việc làm nản lòng nhà đầu tư và doanh nghiệp như né tránh trách nhiệm, chỉ dẫn lòng vòng hay thực hiện thiếu thủ tục. 

Tại cuộc họp, một số ý kiến thành viên Hội đồng cho rằng, ngọn lửa cải cách đã được thổi bùng lên, tuy nhiên, sức nóng của ngọn lửa chưa lan tỏa nhiều tới cấp cơ sở, tới mỗi cán bộ, công chức trực tiếp triển khai thủ tục. Trong khi đó, khâu then chốt của cải cách vẫn là con người. 

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân nói: “Anh em doanh nghiệp có suy nghĩ là Chính phủ, các bộ, ngành, hay lãnh đạo các tỉnh đẩy vấn đề này rất tốt, còn các sở, ngành, quận, huyện thì ở mức trung bình.  Còn người thực hiện, chuyên viên trực tiếp thực hiện vẫn còn một số chưa triển khai tốt”.  

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh việc “theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm” trong cải cách thủ tục hành chính. Ông kể lại trường hợp trả lời thắc mắc doanh nghiệp của một số cơ quan không khác gì không trả lời, theo kiểu “điều đó theo quy định của luật này, nghị định này, thông tư thế này, đề nghị doanh nghiệp vận dụng”. Theo ông, cơ quan nhà nước cần trả lời theo hướng là có giải quyết được vấn đề hay không, vướng mắc nằm ở chỗ nào, phải sửa như thế nào. 

Đồng tình việc cải cách quan trọng nằm ở yếu tố con người, ông Cung cho rằng, điểm nghẽn nằm ở các cấp, cán bộ thực hiện trực tiếp, như đối với xây dựng thể chế là nằm ở cục, vụ. “Có nhiều thủ tục rất vô lý, kiến nghị nhiều năm, qua nhiều hội thảo nhưng có cục, vụ nói thế này, “các anh giỏi thì các anh đi thay đổi đi, còn tôi không thay đổi””, ông Cung bày tỏ. Trước phản ánh này, Thủ tướng đề nghị nêu cụ thể tên cán bộ và sẽ yêu cầu loại ra khỏi bộ máy hành chính.

Hoan nghênh các ý kiến, phản ánh, Thủ tướng cho rằng, chính các doanh nghiệp, những người trong cuộc, mới phát hiện ra các vấn đề, vướng mắc và “phải nghe lời nói ngang trái để sửa chính sách, để sát cuộc sống, để phát triển đất nước”. “Tôi rất vui mừng khi được ký những nghị quyết của Chính phủ về giảm thủ tục ở bộ này, ngành kia”, Thủ tướng bày tỏ. 

“Người ta nói là trong chuyện tăng trưởng chậm có nguyên nhân thủ tục, trước hết là thủ tục đầu tư, thủ tục giải ngân, các thủ tục có liên quan khác vẫn còn chậm trễ so với một số nước”, Thủ tướng nói. Cho nên, muốn đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh thì cần tháo gỡ mọi rào cản, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân, tạo sức cạnh tranh cao hơn cho nền kinh tế. Muốn tăng trưởng phải đẩy mạnh giải ngân các loại nguồn vốn. Phải tăng tín dụng cho nền kinh tế, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Phải cải cách thật tốt các thủ tục thuế, hải quan, xuất nhập khẩu, hậu kiểm, kiểm tra rủi ro…

“Đừng có về phòng riêng làm thủ tục”

Nhất trí với các thành viên Hội đồng, Thủ tướng cho rằng, có yếu tố rất quan trọng là hệ thống các cơ quan nhà nước, nhất là cấp cục, vụ, sở, phòng, huyện, xã phải chuyển biến đồng bộ với chủ trương của Trung ương trong vấn đề giải quyết thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đây là khâu yếu cần khắc phục. “Không chuyển biến thì cần có chế tài thực hiện mà các đồng chí phát hiện ra hôm nay”, Thủ tướng nhắc lại, “Cho nên, cục trưởng, vụ trưởng nào nói “anh cứ cải cách đi” còn bản thân không chịu cải cách thì cán bộ đó phải đưa ra khỏi bộ máy nhà nước”. 

Thủ tướng cho rằng, để giải quyết nhanh một công việc thì yêu cầu đầu tiên là năng lực của người thực hiện, thứ hai là tinh thần trách nhiệm, dám làm dám chịu, vì sự phát triển, thứ ba là phẩm chất của cán bộ. Và thứ tư, là thủ tục đỡ rườm rà, phức tạp. 

Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết thủ tục để nhà đầu tư không phải đi lại nhiều lần, mà chỉ cần 1 lần duy nhất tại bộ phận một cửa dưới sự giám sát qua camera, “đừng có về phòng riêng mà làm thủ tục”, Thủ tướng nêu rõ. Cần hạn chế sự tiếp xúc giữa người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức trong khi làm thủ tục để hạn chế tiêu cực, tham nhũng. 

Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ chủ trì kiểm tra công vụ, có tổ công tác cùng với Cục Kiểm soát thủ tục hành chính kiểm tra việc thực thi công vụ của một số nhóm đối tượng đã bị phát hiện có thể gây ách tắc, khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, xử lý nghiêm, đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin truyền thông.  

Thủ tướng đồng ý trong quý này, Hội đồng và Cục Kiểm soát thủ tục hành chính lựa chọn một số thủ tục để cắt giảm. Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần kiên quyết giảm chi phí doanh nghiệp, từ chi phí BOT đến chi phí lãi vay và chi phí khác. Kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu theo tinh thần hậu kiểm. 

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ, từ đầu năm đến nay, cơ quan này đã chủ trì thẩm tra 14 Nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân theo Đề án 896 thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của 14 bộ và cơ quan ngang bộ. Theo đó, số thủ tục hành chính liên quan đến giấy tờ công dân dự kiến đơn giản hóa là 1.050 thủ tục, số văn bản dự kiến sửa đổi là 295 văn bản. 

Văn phòng Chính phủ cũng đã thẩm tra 21 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật quy định 169 thủ tục hành chính, trong đó đề nghị không quy định 20 thủ tục, sửa đổi 125 thủ tục.

Đọc thêm